Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng đang thừa tiền

Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng, tín dụng tăng thấp... cho thấy mức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, dẫn tới tình trạng thừa tiền của hệ thống ngân hàng.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 15-19/6 của SSI Research đánh giá thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng cùng việc lãi suất liên ngân hàng xuống thấp chưa từng có là những yếu tố cho thấy hệ thống nhà băng đang thừa tiền.

Ngân hàng vẫn thừa tiền

Theo các chuyên gia tại đây, thanh khoản toàn hệ thống duy trì trạng thái dồi dào đã khiến lãi suất tiếp tục giảm trên thị trường liên ngân hàng, chốt tuần ở mức 0,25%/năm (-13 điểm phần trăm) với kỳ hạn qua đêm và 0,4%/năm (-10 điểm phần trăm). Đây là vùng lãi suất thấp chưa từng có trên thị trường liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên kênh thị trường mở, số dư OMO và tín phiếu đều giữ ở mức 0 cũng cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn đang thừa tiền.

SSI Research dẫn số liệu từ cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính từ đầu năm đến 16/6 chỉ đạt 2,13%, bằng chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Dù các ngân hàng thương mại thường có xu hướng tăng tốc giải ngân tín dụng vào nửa cuối tháng 6 để chỉ tiêu tăng trưởng bán niên cải thiện nhưng vẫn sẽ cách rất xa mức tăng trưởng 7,36% của nửa đầu năm 2019.

"Nhu cầu đáp ứng các chỉ tiêu thanh khoản thời điểm cuối quý có thể khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhích tăng nhưng sẽ vẫn ở vùng thấp do nguồn cung vẫn rất dồi dào", báo cáo này chỉ ra.

Bên cạnh đó, do thanh khoản các nhà băng đều dồi dào nên hoạt động trên thị trường 1 (doanh nghiệp và cư dân) cũng khá bình lặng, lãi suất tiền gửi duy trì ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 4,9-6,9%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và từ 6-7,6%/năm với kỳ hạn 12- 13 tháng.

Khi ngan hang thua tien anh 1

Báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống NHNN cũng cho hay, doanh số giao dịch bằng tiền VNĐ trên thị trường liên ngân hàng trong tuần 15-19/6 đạt xấp xỉ 279.432 tỷ đồng. Tương đương mức bình quân 55.886 tỷ/ngày, tăng 2.779 tỷ/ngày (tăng 1,1%) so với tuần đầu tiên của tháng 6.

Trong đó, các giao dịch VNĐ chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (66% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (19% tổng doanh số giao dịch) với lãi suất thấp kỷ lục.

Trong chia sẻ mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng nhận định hệ thống ngân hàng đang thừa tiền khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng, trong khi thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp, mà tín dụng không tăng tức là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có những dấu hiệu giảm sút rõ nét.

Dù Vietcombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 3% trong 5 tháng nhưng đây lại là nhà băng duy nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Agribank, Vietinbank, BIDV) tăng trưởng tín dụng dương giai đoạn này.

Thừa tiền không mang lợi cho ngân hàng

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tín dụng tăng trưởng chậm là điều dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Dù Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên ông Hùng cho rằng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn từ lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, cho tới sản xuất... Và dù không muốn tăng trưởng tín dụng thấp nhưng các ngân hàng cũng phải chấp nhận.

Nhiều lần trước đó, ông Hùng đều khẳng định hệ thống ngân hàng không thiếu tiền, nhưng việc giải ngân cho vay ra thời điểm hiện tại rất khó khăn do doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện đã giảm từ 2-4% so với trước dịch, nhưng theo ông Hùng lãi suất cho vay không phải yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà vấn đề nằm ở nhu cầu vốn của doanh nghiệp và chuẩn cho vay.

Khi ngan hang thua tien anh 2

Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh ghi nhận tín dụng tăng trưởng dương trong 5 tháng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng vẫn giữ quan điểm hệ thống ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay để giải ngân tín dụng, tránh gây hệ lụy nợ xấu sau giai đoạn này.

Số liệu tại các ngân hàng thương mại cho biết, tính đến hết tháng 5, xu hướng chung toàn ngành là tiền gửi vẫn tăng nhưng cho vay không tương xứng.

“Với riêng ngân hàng, nhiều tiền gửi vào không phải dấu hiệu tích cực nếu không thể cho vay ra. Tiền gửi không giúp ngân hàng có thêm lợi nhuận mà đây thực chất là một loại nợ của ngân hàng”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân chia sẻ với Zing.

Vị này cho biết thêm, khi lượng tiền gửi tăng, ngân hàng phải trả lãi hàng kỳ cho phần tiền gửi này trong khi đầu ra (tín dụng – PV) không đạt như kỳ vọng đồng nghĩa với việc NIM (hiệu số lãi cho vay và lãi đi vay) giảm sút, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu hoạt động cho vay.

Chủ yếu các ngân hàng đều phải đặt mức tăng trưởng tiền gửi của khách hàng và tăng trưởng cho vay cân đối, đảm bảo NIM tốt nhất trong khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng không nắm thế chủ động trong việc cho vay ra.

Vị này cũng thừa nhận, ngành ngân hàng đang ở thế khó khi chưa thể giải quyết ổn bài toán đầu ra cho tiền, thì phần đang cho vay hiện hữu cũng bị hao hụt vì phải giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Dù ngân hàng có chất lượng tài sản tốt đến đâu cũng không tránh khỏi việc bị sụt giảm lợi nhuận vì dịch Covid-19. Điểm khác nhau chỉ là con số sụt giảm là bao nhiêu có nơi cho vay trong những ngành chịu ít tác động sẽ giảm vài trăm tỷ nhưng có nơi cũng lên tới cả vài nghìn tỷ”, vị này nhấn mạnh.

Còn hơn 49.000 tỷ vốn đầu tư công vay nước ngoài chờ giải ngân

Gần nửa năm 2020 đã trôi qua, số giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương mới đạt 7.427 tỷ, trên tổng số 56.700 tỷ đồng được phân bổ.

Vàng giảm giá sau khi đạt gần 1.800 USD/ounce

Giảm so với đỉnh đạt được trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới hiện vẫn ở mức cao, phổ biến ở mức 1.764 USD/ounce, tương đương 49,6 triệu đồng/lượng theo tỷ giá.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm