Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 24/6, số giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương mới là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành trung ương là 2.815 tỷ, đạt 15,46% so với dự toán được giao và giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ, đạt 11,98% so với dự toán.
Trong số các Bộ, ngành trung ương, hiện chỉ có 3 Bộ giải ngân nguồn vốn này trên 20% sau nửa năm so với kế hoạch là Bộ Giao thông Vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%) và Bộ Y tế (27,3%). Trong khi đó, Bộ Công Thương được giao dự toán giải ngân 138 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công này.
Với các địa phương, cả nước cũng chỉ ghi nhận 14 tỉnh, thành phố giải ngân trên 20% kế hoạch vốn và 10 địa phương chưa giải ngân.
Riêng với TP.HCM, tỷ lệ giải ngân hiện nay là 4,13%. Tuy nhiên, thành phố đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, và Vệ sinh môi trường TP.HCM trị giá 4.600 tỷ đồng.
Nếu UBND thành phố, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết được việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2019. Trong đó, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2019 đến 24/6 là 7.198 tỷ đồng.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chậm hơn nhiều so với vốn trong nước. Ảnh: Việt Linh. |
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, nửa đầu năm qua, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.
Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch 2020 cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức thấp nếu so với kết quả giải ngân của vốn đầu tư công trong nước (28,2%).
Cũng theo đánh giá của Bộ, với tốc độ giải ngân hiện tại và tình hình dịch Covid-19, nếu không có giải pháp khắc phục sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ giải ngân vốn đã được giao.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn chậm trong những tháng đầu năm là do các Bộ, địa phương vẫn đang giải ngân dự toán đã được giao của năm liền trước (2019) và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn. Trong đó, số giải ngân kế hoạch vốn 2019 trong 6 tháng đầu năm nay cũng xấp xỉ số giải ngân theo kế hoạch 2020.
Bên cạnh đó, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng chịu tác động trực tiếp vì dịch Covid-19 do hầu hết hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài (nhập máy móc, thiết bị; huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu... ).
Cũng trong nửa đầu năm nay, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án (chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
Trong đó, có một số dự án lớn như Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam vay JICA (1.970 tỷ); Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA (1.157 tỷ); Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 vay WB (1.000 tỷ)...
Ngoài ra, vấn giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công.