Đây là thông tin được ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của nhà băng này diễn ra sáng nay.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nợ xấu quý I của MBBank có xu hướng tăng so với cùng kỳ, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, điều này có nguyên nhân từ tác động của dịch Covid-19.
Trong khi Ngân hàng Nhà nước ước tính số dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng vào khoảng 23%, nhà băng này tính toán con số ảnh hưởng có thể vào khoảng 25-30% tổng dư nợ toàn ngành. Cùng với đó, phần dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch phải cơ cấu lại gốc và lãi sẽ không được tính vào doanh thu dẫn tới giảm doanh thu từ lãi, khiến tăng nợ xấu cùng chi phí dự phòng.
Cũng liên quan vấn đề nợ xấu nhưng tại công ty tài chính Mcredit, bà Nguyễn Thị Hải Phượng, Phó chủ tịch HĐQT MBBank kiêm Chủ tịch MCredit cho hay, công ty tài chính này đang trong thời gian phát triển theo hướng gia tăng thị phần nên có phần tăng trưởng "nóng".
Tuy nhiên, HĐQT đã yêu cầu tái cơ cấu toàn diện để đưa MCredit phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng.
Bên cạnh đó, những công ty tài chính như Mcredit có đặc thù là kinh doanh tín chấp, nên việc thu hồi nợ và có nợ xấu là điều dễ hiểu. Tuy vậy, công ty này đang có chủ trương giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt nên rủi ro cũng sẽ giảm xuống trong năm nay. MCredit dự kiến nâng tỷ trọng cho vay trả góp lên 40-45% tổng dư nợ cho vay.
Với riêng hoạt động của công ty tài chính này, bà Phượng cho biết, dự kiến nợ xấu nửa đầu năm nay sẽ dưới 6%, tỷ lệ trôi nợ là dưới 4% và lợi nhuận nửa năm đạt khoảng 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái cho biết, doanh thu 5 tháng đầu năm của MBBank đang đạt khoảng 8.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ hiện cũng đạt 3.964 tỷ đồng, tăng 5%.
Ước tính lợi nhuận nửa đầu năm nay sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, ông Thái cho biết, việc giảm doanh thu từ lãi kéo theo NIM (chênh lệch giữa lãi cho vay và lãi đi vay) cũng giảm. Cùng với đó, nợ xấu tăng nên cũng khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng.
Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, MBBank dự kiến tổng tài sản tăng 8%, tương đương hơn 444.405 tỷ đồng vào cuối năm. Nhà băng này không đặt chỉ tiêu cụ thể cho tăng trưởng huy động vốn nhưng tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12%, theo giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu tối đa không quá 1,9% tổng dư nợ cho vay.
Với các chỉ tiêu tài chính này, lợi nhuận của ngân hàng dự kiến giảm khoảng 10%, tương đương mức lợi nhuận 9.032 tỷ đồng.
Chia sẻ về chỉ tiêu trên, ông Lưu Trung Thái cho biết, hiện NHNN giữ chủ trương yêu cầu các ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Vì vậy, hầu hết ngân hàng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng.
Tuy nhiên, nếu tình hình khả quan hơn trong nửa cuối năm, ban lãnh đạo sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu kinh doanh tương đương năm liền trước (2019).
Các cổ đông MBBank cũng thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% để tăng vốn thêm khoảng 3.617 tỷ đồng. Dự kiến chi trả trong quý III hoặc IV và thời gian cụ thể vẫn do HĐQT quyết định.
Sau khi hoàn tất việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 27.987 tỷ đồng. Tiếp tục nằm trong top 3 ngân hàng thương mại tư nhân có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.