Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) mới đây đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Trong khi vấn đề được quan tâm nhất với PGBank hiện nay chính là lộ trình tái cơ cấu thông qua sáp nhập với HDBank, tuy nhiên ban lãnh đạo ngân hàng này dự kiến không trình cổ đông kế hoạch nói trên ra thảo luận tại cuộc họp.
Theo lãnh đạo nhà băng này, năm 2019, trong khi chờ chấp thuận chính thức của Ngân hàng Nhà nước về phương án sáp nhập vào HDBank, HĐQT vẫn phải chỉ đạo Ban điều hành duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả.
Trong khi PGBank bỏ ngỏ kế hoạch sáp nhập vào HDBank, tài liệu cổ đông của Petrolimex (cổ đông lớn nắm 40% vốn PGBank) cho biết, năm 2020, tập đoàn sẽ xây dựng các phương án, lộ trình thoái vốn tại các công ty thành viên bao gồm giảm tỷ lệ vốn sở hữu tại Pjico xuống 35,1% và thực hiện sáp nhập thành công PGBank vào HDBank.
Tài liệu của Petrolimex cũng không tiết lộ chi tiết thời gian dự kiến sáp nhập hoàn tất, nhưng trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra cuối 2019, lãnh đạo Petrolimex đã kỳ vọng được cơ quan quản lý phê duyệt đề xuất sáp nhập vào tháng 6/2020.
Công bố từ tháng 4/2018 nhưng đến nay PGBank vẫn chưa thể sáp nhập vào HDBank. Ảnh: PGBank. |
Dự kiến, sau hợp nhất, Petrolimex sẽ sở hữu 5,8% cổ phần HDBank, đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường 730 tỷ đồng (theo giá kế hoạch giá cổ phiếu HDBank đạt trên 28.000 đồng).
Đến nay, khi tháng 6 đã sắp đi qua nhưng kế hoạch sáp nhập này vẫn chưa được thực hiện.
Tại đại hội cổ đông mới đây của HDBank, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch ngân hàng cũng cho biết, HDBank đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập để nộp NHNN và đang chờ cơ quan chức năng chấp thuận.
Để hỗ trợ PGBank, HDBank đã điều tiết nhân sự sang hỗ trợ cho hoạt động. Ông Đặng cũng thông tin ban lãnh đạo HDBank sẽ làm việc với cơ quan quản lý để đốc thúc tiến độ thực hiện sáp nhập giữa 2 bên.
Lộ trình thoái vốn tại PGBank được Petrolimex xây dựng từ năm 2015 sau khi ký hợp đồng thỏa thuận sáp nhập với Vietinbank. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công sau gần 2 năm đàm phán.
Đến tháng 4/2018, PGBank ký hợp đồng sáp nhập vào HDBank và được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Theo thỏa thuận, việc sáp nhập 2 ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. HDBank sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của PGBank.
Hai ngân hàng dự kiến tỷ lệ hoán đổi là 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank).
Trong năm 2020, lãnh đạo PGBank dự kiến tiếp tục tự hoạt động kinh doanh với chỉ tiêu tài sản đến cuối năm đạt 33.993 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm.
Các chỉ tiêu huy động vốn (thị trường 1 và 2) đạt 29.550 tỷ, tăng 8,3%. Trong đó, huy động thị trường 1 là 27.150 tỷ, tăng 6,9%.
Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 25.257 tỷ, tăng 6,6%. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng đến cuối năm sẽ đạt 25.715 tỷ đồng, tăng 5%.
Ngân hàng dự kiến thu hồi 521 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có 201 tỷ là nợ xấu nội bảng và 268 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC (kể cả thu từ những khoản vay đã tất toán trái phiếu), còn lại 52 tỷ đồng là thu nợ (gốc+lãi) đã sử dụng dự phòng rủi ro.
PGBank đồng thời thực hiện tăng vốn thêm 300 tỷ, lên 3.300 tỷ đồng.
Với các chỉ tiêu tài chính này, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm liền trước.
Ban lãnh đạo cũng cho biết, năm nay ngân hàng sẽ không tuyển dụng thêm nhân sự nào so với hiện tại mà tập trung vào kiện toàn bộ máy nhân sự, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ nhân viên.
Ngoài ra, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch đăng ký lưu ký và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm.