Sáng 18/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, đại diện Thanh tra Chính phủ và sở, ngành TP.HCM… gặp các hộ dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha, khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Tại cuộc gặp, người dân Thủ Thiêm yêu cầu:
- Xem xét trường hợp những người muốn quay trở về nơi ở cũ.
- Xem xét lại cả 5 khu phố ở phường Bình An, chứ không chỉ khu phố 1 và báo cáo với Thanh tra Chính phủ.
- Làm rõ cơ chế xác định ranh giới của khu vực 4,3 ha.
-
-
Xây dựng chính sách bồi thường trước 30/11
Hồi trung tuần tháng 9, trong cuộc họp báo vụ Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
UBND TP xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.
Cũng trong buổi này, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ gặp đại diện các hộ dân khiếu nại trước 30/10, đồng thời xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân trong khu 4,3 ha trước 30/11. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan vụ Thủ Thiêm.
Tổ chức kiểm tra rà soát các dự án trong khu tái định cư trước. TP cam kết mọi việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan kết thúc trước 30/11.
-
-
Thành phố mời đại diện song có rất nhiều người dân Thủ Thiêm muốn được trực tiếp gặp mặt lãnh đạo Thành phố. Ảnh: Lê Trai.
-
Khoảng 30 hộ dân Thủ Thiêm được mời vào bên trong phòng họp. Phóng viên được sắp xếp theo dõi buổi tiếp xúc qua màn hình ở một phòng khác. Ảnh: Lê Quân.
-
Lãnh đạo TP cam kết thực hiện đầy đủ kết luận của Thanh tra Chính phủ
Đến buổi tiếp xúc với người dân, ngoài Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, còn có Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại diện Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, lãnh đạo UBND quận 2.
8h35, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM, đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi đó, nhiều người dân ở ngoài nghe qua loa hoặc màn hình tivi trực tiếp cuộc họp.
"Lãnh đạo chưa lắng nghe, tập trung giải quyết tận gốc cho người dân vụ Thủ Thiêm, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Từ đó, lãnh đạo TP cam kết sẽ thực hiện đầy đủ những kết luận của Thanh tra Chính phủ để chấm dứt sự việc Thủ Thiêm vốn kéo dài đã lâu", Chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Long Tuyền nói.
-
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM đã thành lập 2 tổ công tác giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách, hỗ trợ đền bù. Hai tổ công tác sẽ giải quyết 11 vấn đề, trong đó 10 vấn đề về chính sách đền bù cho người dân trong ranh và một vấn đề về chính sách đền bù ngoài ranh.
Sau đó, ông Phong mời Chủ tịch UBND quận 2 báo cáo về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư và xin ý kiến để góp ý, tạo ra sự đồng thuận, để chính sách có lợi cho người dân.
-
4 trường hợp bị ảnh hưởng khi xác định ranh quy hoạch khu 4,3 ha
Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết tổ công tác sau khi xác định ranh quy hoạch 4,3 ha, phát hiện được 4 trường hợp người dân bị ảnh hưởng:
- Nhà có sở hữu tư nhân.
- Nhà sử dụng đất kinh doanh (2 loại):
+ Nhà có hợp đồng thuê.
+ Nhà không có hợp đồng thuê.
-
Căn cứ nào để xác định ranh khu đất 4,3 ha?
Hộ ông Nguyễn Văn Thạch có một số ý kiến về việc hỗ trợ đền bù. Ông hỏi chính quyền căn cứ từ quyết định nào, bản đồ nào để xác định ranh khu đất 4,3 ha.
Sau phát biểu, ông Nguyễn Văn Thạch mở bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm để giải thích việc ranh quy hoạch khó xác định. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo tiến tới tận nơi để lắng nghe.
"Tại sao dân ở đây cũng bị thu hồi đất sai mà không được đền bù, bởi lịch sử trôi qua, việc cấp đất, chuyển đi chuyển lại, nếu không phải người sống ở đây thì không thể nắm được. Có một số người dân trong ranh 4,3 ha mà ông Hưng không kể tới là những người tới đây khai hoang, sinh sống hàng đời. Tôi thắc mắc vì sao không có công bố trong ranh, ngoài ranh mà chỉ mời những người ở khu phố 1 hoặc trong ranh 4,3 đến lắng nghe", ông Thạch nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi lời cảm ơn ông Thạch và yêu cầu Sở Tài Nguyên - Môi trường lắng nghe, xin ý kiến những người dân sống ở đây đã lâu, tinh thần phải theo quyền lợi của người dân. "Về mặt kỹ thuật thì đo đạc, những nhiều người ở đây lâu mới cung cấp được thực tế. Đối với dân là không được tính toán. Phải vì quyền lợi của dân", ông Phong nói.
-
-
Làm sao biết ranh khu 4,3 ha nằm ở đâu?
Ông Lê Văn Lung, một người nhiều năm theo đuổi kiện tụng ở Thủ Thiêm, có 2 thắc mắc:
- Về mặt tính chất, kết luận của Thanh tra Chính phủ không phải để giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại của người dân.
- Khi đã nói không xác định được ranh theo bản đồ, vậy dùng cơ sở nào để đối chiếu, kết luận, biết ranh nằm ở đâu để giải quyết cho người dân, hoặc gạt những người không liên quan ra?
"Chúng tôi từng yêu cầu được hoán đổi nhà đất có giá trị tương đương, lên chung cư cũng được, chỉ cần được đền bù thỏa đáng. Chúng tôi từng bị cưỡng chế nhà đất, phải ra Hà Nội để kiện tụng, mất thời gian, tiền bạc, gia đình ly tán, những điều này kéo dài 20 năm nay, vậy ai đền bù cho chúng tôi. Mong Chính phủ, thành phố nhanh chóng có kết luận xử lý rõ ràng. Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi", ông Lung nói.
-
Cưỡng chế sai một căn nhà là lấy đi cuộc đời của cả một thế hệ gia đình
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, người phụ nữ gần 20 năm đi kiện, nói: "Chúng tôi không đi đòi khu 4,3 ha. Việc thu hồi sai một miếng đất, cưỡng chế một căn nhà là lấy đi cuộc đời, một thế hệ người của cả một gia đình. Nếu đã giải quyết thì phải gặp người dân, chứ đừng áp đặt. Ngày hôm nay chúng tôi chẳng còn gì để mất, chồng tôi đã mất trong khi nhà bị tịch thu, các con tôi ly tán".
"Tôi tìm hiểu pháp luật, thấy điều gì cũng rõ ràng, nhưng những gì đang được thực hiện là không đúng. Tôi là người dân, tôi chỉ nhận thấy rằng hiện nay không có bản đồ quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất, khi xử lý phải theo luật pháp, chứ không phải theo chỉ đạo. Nói nhà tôi nằm ở đâu, phải có bản đồ cho tôi xem. Đừng căn cứ vào cái không có để thu nhà, đập phá nhà người dân".
"Vì đã sai từ đầu, không có bản đồ quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất, không có nơi tái định cư, không có tiền đền bù, nên để người dân tan tác, tha phương. Việc xây dựng một thành phố văn minh, một khu đô thị phát triển, hoặc bất cứ việc gì nếu Nhà nước cần, tôi sẵn sàng, nhưng phải đúng pháp luật", bà Phượng nói thêm.
Bà Phượng vừa dứt lời, ông Nguyễn Thành Phong liền cảm ơn và nói: “Các cô chú anh chị cứ phát biểu, tôi sẵn sàng lắng nghe, trên cơ sở đạt được sự đồng thuận”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Quân.
-
Xin trả tiền đền bù, trở về nơi ở cũ
Bà Kim Diện thay mặt những người đã di dời khỏi khu Thủ Thiêm trình bày.
"Ngày đó, nếu gia đình tôi không đi thì bị cưỡng chế. Người dân thực sự không muốn chống đối chính quyền, chỉ muốn có cuộc sống yên ổn. Gia đình tôi kinh doanh, trong thời gian cưỡng chế, tranh chấp, làm ăn rất thua lỗ. Khi đồng ý chuyển đi, chúng tôi được hoán đổi một căn chung cư 47,26 m2. Nếu không đồng ý thì tôi được đền bù 720 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ để thanh toán nợ nần. Tôi không hiểu số tiền đền bù này theo quy định nào, nhưng vì tôi bị siết chặt nên phải chuyển đi, chẳng còn sự lựa chọn nào. Nay tôi xin được trả tiền lại cho chính quyền và trở về nơi mình ở trước đây", bà Diện đề nghị.
-
4 vấn đề chính ở "điểm nóng" Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở 4 điểm chính:
+ Nằm ở trong ranh hay ngoài ranh 4,3 ha.
+ Độ chính xác trong bản đồ, thiết kế đo vẽ.
+ Việc đền bù, xây dựng chính sách bồi thường.
+ Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào làm việc.Bà Tâm nói tinh thần của buổi họp hôm nay là thắc mắc việc nằm trong ranh hay ngoài ranh 4,3, những vấn đề của người dân đã kéo dài quá lâu, nhưng nếu nói cùng 1 lúc thì không giải quyết được. Vì vậy, những vấn đề còn lại sẽ có một ngày riêng để lắng nghe người dân.
-
Mong chính quyền giải quyết nhanh
Ông Nguyễn Hữu Tâm: "Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1976, thời điểm đó đây là khu cư xá công nhân, người dân sống có văn hóa, bà con thương yêu nhau. Sau đó, chúng tôi nghe có việc giải tỏa, rồi người ta kéo tới cưỡng chế, thu hồi nhà đất, người ra đi trong phẫn uất, người ở lại sống trong khổ sở. Tôi vẫn nhớ những mái hiên, con phố mà con cái, gia đình làm việc, đi lại mỗi ngày. Con tôi, một đứa trẻ lớp 4, bây giờ nó đã trưởng thành, đi làm, có gia đình, đó cũng là thời gian cha mẹ nó, là tôi, đi từng nơi khiếu kiện, khiếu nại. Một cuộc đời như vậy coi như là đã bỏ đi".
Bà Phan Thị Lan: "Thủ Thiêm là nơi máu và nước mắt bà con chúng tôi đổ xuống. Các anh bảo đang rà soát lại, nếu ngay từ đầu các anh rà soát thì tất cả bà con không như thế này và những tổn thất của bà con thì ai đền bù. Nhiều người ở nhà thuê, nhiều người ôm ít tiền đền bù về vùng sâu vùng xa để ở với cuộc sống khổ cực. Tôi mong chính quyền giải quyết nhanh, để bà con trở về nơi ở cũ".
-
TP đã sai và đang sửa sai
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp:
"Thành phố đang tổ chức thực kết luận của Thanh tra Chính phủ, bà con có thể chưa đồng ý hoặc có khiếu nại, nhưng chúng tôi vẫn đang làm, đây chưa phải là buổi cuối cùng. Chính quyền luôn luôn chia sẻ khó khăn với bà con. Sự việc Thủ Thiêm xảy ra không chỉ bà con đau khổ, mà các lãnh đạo cũng đau khổ. Chúng tôi cũng là con cháu của các bác ở đây.
"Việc xác định ranh, đo đạc sẽ thực hiện sao cho bà con đồng ý. Kể cả ngày hôm nay, mời bà con tới đây cũng chưa xác định được ai nằm trong ranh, ngoài ranh, đó là sai sót. Hôm nay ở đây, mong bà con chia sẻ, nếu bà con bắt bẻ việc 20 năm đau khổ, rồi lịch sử, thì chúng tôi vẫn chưa làm được, nhưng chắc chắn sẽ làm. Sẽ còn nhiều cuộc tiếp xúc nữa, và sẽ thông tin tới bà con.
"Ở đây có những cán bộ lão thành, Đảng viên, cán bộ lâu đời, TP đã sai rồi, xin lỗi rồi và đang sửa sai. Đây không phải là kết luận cuối cùng, sẽ còn làm nữa. Những gì chưa làm được, đồng chí Chủ tịch TP rất muốn lắng nghe nhiều ý kiến của các bác, các bác cứ nói, chúng tôi lắng nghe, thu thập thông tin, không áp đặt".
Ông Nguyễn Hồng Điệp gặp người dân sau buổi họp. Ảnh: Lê Quân.
-
Chủ tịch UBND TP.HCM: Tôi rất xin lỗi
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM:
"Thành phố cố gắng thu hút, kêu gọi đầu tư để phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhiều năm qua. Bên cạnh đó, TP muốn có sự đồng thuận của người dân, để chỉnh trang, xây dựng Thủ Thiêm thành khu hiện đại, trung tâm hành chính dịch vụ phía đông của TP. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, TP đã có một số sai phạm, khuyết điểm, vi phạm đối với người dân sinh sống trên địa bàn, nhất là với những người dân tại khu phố 1, phường Bình An. Một số ngành có liên quan đã thiếu lắng nghe, không cầu thị, chậm trễ giải quyết khiếu nại của các gia đình, tạo tâm lý bất an, hoài nghi, nghi ngờ của những gia đình có liên quan.
"Thay mặt lãnh đạo TP trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, xin chia sẻ những hy sinh của những gia đình, hộ dân vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi!.
"Nhận thức được kết luận thanh tra, và qua buổi lắng nghe hôm nay, TP xác định xây dựng kế hoạch giải quyết đầy đủ kết luận của Thanh tra Chính phủ, TP sẽ gặp gỡ người dân, trước hết là bà con ngoài ranh, sau đó là bà con trong quy hoạch để xin ý kiến. Sau buổi gặp hôm nay, tôi xin bổ sung 3 ý kiến sau:
- Xem xét trường hợp những người muốn quay trở về nơi ở cũ
- Xem xét lại cả 5 khu phố, không chỉ khu phố 1, báo cáo lại với Thanh tra Chính phủ.
- Về vấn đề ranh giới, việc xác định ranh như thế nào, sẽ xem xét, tìm hiểu lại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp mặt bà con vào tuần đầu của tháng 11 để giải quyết tiếp các vấn đề".
Ông Nguyễn Thành Phong hỏi thăm ông Nguyễn Văn Thạch sau cuộc họp. Ảnh: Lê Quân.