Sáng 18/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, đại diện Thanh tra Chính phủ và các sở, ban, ngành của TP.HCM… có buổi gặp mặt đại diện các hộ dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha, khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Cuộc đối thoại kéo dài 3 giờ, lãnh đạo TP lắng nghe ý kiến, chia sẻ, nắm bắt tình hình của hơn 30 người được mời tới buổi tiếp xúc. Đây là những hộ có diện tích giải tỏa lớn, hộ chưa di dời hoặc khiếu nại kéo dài.
Chưa xác định được ranh khu 4,3 ha
Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, đại diện tổ công tác giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách, hỗ trợ đền bù, cho biết đang khẩn trương rà soát pháp lý từng trường hợp nhà đất có phát sinh khiếu nại ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể có bao nhiêu hộ dân nằm trong khu 4,3 ha.
Đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể có bao nhiêu hộ dân nằm trong khu 4,3 ha. Ảnh: Lê Quân. |
"Hiện tổ công tác đang thực hiện nhưng chưa xác định cụ thể hộ nào. Lý do là trước đây, bản đồ quy hoạch được cho kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng, phê duyệt vào năm 1996, là bản đồ vẽ tay, chưa có tọa độ xác định cụ thể. Ranh vẽ trong bản đồ cũng chỉ mang tính tương đối. Để có thể xác định được ranh chính xác tuyệt đối thì phải có tọa độ cụ thể", ông Hưng thông tin.
Để làm rõ vấn đề này, cần thời gian và sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ, ngành Trung ương mới có thể xác định được ranh giới, cắm mốc, làm cơ sở để tính toán cụ thể ranh giới 4,3 ha ở vị trí nào, trong khu vực đó có bao nhiêu khu phố, bao nhiêu hộ dân...
"Chúng tôi quá mệt mỏi rồi"
Là người phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Văn Thạch (từng là Trưởng ban điều hành khu phố 1, phường Bình An) đặt câu hỏi: "Chính quyền căn cứ từ quyết định nào, bản đồ nào để xác định ranh khu đất 4,3 ha?".
Vừa nói, ông Thạch vừa mở bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm để giải thích việc ranh quy hoạch khó xác định.
"Tại sao có những người dân cũng ở Thủ Thiêm, cũng bị thu hồi đất sai mà không được đền bù, bởi lịch sử trôi qua, việc cấp đất, chuyển đi chuyển lại, nếu không phải là người sống ở đây thì không thể nắm được. Có một số người dân trong ranh khu 4,3 ha không được kể tới là những người tới đây khai hoang, sinh sống hàng đời", ông Thạch lên tiếng.
Tiếp lời, ông Lê Văn Lung, người có nhà đất trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch, chia sẻ thắc mắc: "Vì ông Hưng đã nói không xác định được ranh theo bản đồ, vậy dùng cơ sở nào để đối chiếu, kết luận, biết ranh nằm ở đâu để giải quyết cho người dân, hoặc gạt những người không liên quan ra?"
Ông Nguyễn Văn Thạch bật khóc sau khi phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Lê Quân. |
"Chúng tôi từng yêu cầu được hoán đổi nhà đất có giá trị tương đương, lên chung cư cũng được, chỉ cần được đền bù thỏa đáng. Chúng tôi từng bị cưỡng chế nhà đất, phải ra Hà Nội để kiện tụng, mất thời gian, tiền bạc, gia đình ly tán, những điều này kéo dài 20 năm nay, vậy ai đền bù cho chúng tôi. Mong Chính phủ, thành phố nhanh chóng có kết luận xử lý rõ ràng. Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi", ông Lung nói.
Rơi nước mắt khi đứng lên nói, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, người từng 20 năm theo đuổi vụ kiện Thủ Thiêm, khẳng định: "Chúng tôi không đi đòi khu 4,3 ha".
Trong thời gian căn nhà bị cưỡng chế, chồng bà Phượng đã mất, các con ly tán, hiện bà đang dựng chòi trống trên nền căn nhà cũ.
"Việc thu hồi sai một miếng đất, cưỡng chế một căn nhà là lấy đi cuộc đời, một thế hệ của cả một gia đình. Nếu đã giải quyết thì phải gặp người dân, chứ đừng áp đặt. Hiện nay không có bản đồ quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất, khi xử lý phải theo luật pháp, chứ không phải theo chỉ đạo. Nói nhà tôi nằm ở đâu, phải có bản đồ cho tôi xem. Đừng căn cứ vào cái không có để thu nhà, đập phá nhà người dân", bà Phượng bức xúc.
Chủ tịch UBND TP.HCM xin lỗi người dân
Lắng nghe đầy đủ ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi lời cảm ơn, đồng thời yêu cầu Sở Tài Nguyên & Môi trường lắng nghe, xin ý kiến những người dân sống ở Thủ Thiêm đã lâu, tinh thần phải theo quyền lợi của người dân.
"Về mặt kỹ thuật thì đo đạc, những nhiều người ở đây lâu mới cung cấp được thực tế. Đối với dân là không được tính toán. Phải vì quyền lợi của dân", ông Phong nói.
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cũng thừa nhận việc mời những đại diện hộ gia đình tới đây cũng chưa chính xác, vì chưa xác định được ai nằm trong ranh, ngoài ranh, đó là sai sót. Nhưng những gì chưa làm được sẽ tiếp tục làm để làm hài lòng người dân, vì sự việc tại Thủ Thiêm đã kéo dài quá lâu. Đây không chỉ là sự đau khổ của người dân, mà còn là nỗi canh cánh của lãnh đạo.
"Việc xác định ranh, đo đạc sẽ thực hiện sao cho bà con đồng ý. Sẽ còn nhiều cuộc tiếp xúc nữa, và sẽ thông tin tới bà con. TP đã sai rồi, xin lỗi rồi và đang sửa sai. Những gì chưa làm được, các bác cứ nói, chúng tôi lắng nghe, thu thập thông tin, không áp đặt", ông Điệp nói thêm.
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trả lời người dân sau buổi tiếp xúc. Ảnh: Lê Quân. |
Nói lời cuối trước khi kết thúc buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Thành Phong gửi lời xin lỗi tới người dân Thủ Thiêm. Theo ông, bên cạnh việc thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP cũng muốn có sự đồng thuận của người dân trong việc chỉnh trang, xây dựng nơi đây trở thành khu trung tâm hành chính dịch vụ hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TP đã gây ra một số sai phạm đối với người dân sinh sống trên địa bàn.
"Thay mặt lãnh đạo TP trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, xin chia sẻ những hy sinh của những gia đình, hộ dân vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi!", ông Phong nói.
Cuối cùng, người đứng đầu UBND TP.HCM hứa xem xét lại trường hợp những người muốn quay trở về nơi ở cũ tại Thủ Thiêm; yêu cầu kiểm tra lại cả 5 khu phố, không chỉ khu phố 1, và báo cáo với Thanh tra Chính phủ; tìm hiểu kỹ hơn vấn đề ranh giới, việc xác định ranh 4,3 ha.