Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Trung Quốc đến Bắc Đới Hà trong kỳ nghỉ đầy khó khăn bủa vây

Khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng là nơi giới lãnh đạo Trung Quốc gặp nhau trong các cuộc họp kín giữa năm để thảo luận và quyết định các vấn đề chính sách quan trọng của đất nước.

Thoạt nhìn có vẻ như thời điểm quan trọng nhất trong mùa chính trị của Trung Quốc rơi vào ba tháng cuối năm, khi giới cầm quyền của đất nước tập trung tại Bắc Kinh cho một loạt cuộc họp bàn quyết sách hàng đầu, kết thúc bằng phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản.

Trên thực tế, nhiệt độ chính trị Trung Quốc ở mức cao nhất trong những ngày nóng bức tháng 8, khi các lãnh đạo đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu tập trung về khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng Bắc Đới Hà (Beidaihe) thuộc tỉnh Hà Bắc để trốn cái nóng ở thủ đô và bàn "đại sự".

Khu nghỉ mát, cách Bắc Kinh khoảng 300 km về phía đông, là nơi để các lãnh đạo đảng - đặc biệt là những người về hưu vẫn có ảnh hưởng - thoải mái trao đổi quan điểm của họ về các chính sách quan trọng. Những quan điểm này sau đó được đưa vào các cuộc họp chính sách chính thức bắt đầu từ tháng 10 ở Bắc Kinh, khi thời tiết đã mát mẻ hơn.

tap can binh sap hop o bac doi ha anh 1
Khu nghỉ mát Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 300 km về phía đông. Ảnh: Kyodo.

Hội nghị bí ẩn

Theo truyền thống, không có thông báo chính thức nào về cuộc gặp ở Bắc Đới Hà. Thay vào đó, các nhà quan sát sẽ ghi nhận sự vắng mặt đột ngột của Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác trong các bản tin hàng ngày trên truyền hình nhà nước như một dấu hiệu cho thấy hội nghị mùa hè này đã bắt đầu.

Trong những năm gần đây, sự khởi đầu của hội nghị cũng được nhận ra qua tin tức về việc các lãnh đạo cấp cao chào đón các nhà khoa học và học giả được mời đến khu nghỉ mát.

Cuối thế kỷ 19, chính quyền nhà Thanh lần đầu tiên sử dụng Bắc Đới Hà làm nơi nghỉ hè cho các nhà ngoại giao. Trong thời kỳ Dân quốc từ năm 1911 đến năm 1949, Bắc Đới Hà và Lư Sơn ở miền Nam Trung Quốc, được coi là hai khu nghỉ mát mùa hè lớn cho các quan chức chính phủ.

Song Bắc Đới Hà chỉ trở thành một địa điểm chính trị quan trọng khi cố chủ tịch Mao Trạch Đông, một người thích bơi lội, quyết định thành lập một "văn phòng mùa hè" ở đó cho các quan chức, để tránh cái nóng ở Bắc Kinh. Kể từ đó, thị trấn nghỉ mát là nơi ra đời một số quyết định lịch sử, bao gồm cả việc tiến hành Đại Nhảy vọt và bao vây đảo Kim Môn, tiền đồn gần nhất với đất liền của Quốc dân đảng vào năm 1958.

Tầm quan trọng của cuộc gặp mùa hè đã giảm đi dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Từ khi được nâng lên vị thế ngang hàng với Mao Trạch Đông, và vượt trội so với tất cả các lãnh đạo hậu Mao - bao gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ông Tập đã thống trị quá trình hoạch định chính sách. Dưới sự lãnh đạo của ông, người ta tin rằng ảnh hưởng của các lãnh đạo về hưu cũng đã suy yếu đáng kể.

Song các nhà phân tích tin rằng Bắc Đới Hà vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chính trị Trung Quốc, cho ông Tập cơ hội để xem xét và điều chỉnh các chính sách của mình, dù có rất ít dấu hiệu về bất kỳ thách thức lớn nào đối với sự lãnh đạo của ông. Bắc Đới Hà vẫn được theo dõi sát sao.

Ngoài việc dành thời gian rảnh rỗi để tận hưởng không khí biển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thường xuyên gặp nhau tại Bắc Đới Hà, nơi họ duy trì các cuộc gặp họp định kỳ hàng tuần của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, các cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị, cũng như các cuộc họp của những cơ quan hàng đầu trong đảng, chính phủ và quân đội.

Các quan chức của một số cơ quan trung ương quan trọng cũng đến Bắc Đới Hà, sẵn sàng được gọi tới để báo cáo, hoặc tham vấn cho các lãnh đạo. Đại diện của các cơ quan trong đảng ở tại khu biệt thự phía tây một bãi biển riêng, trong khi quan chức chính phủ ở phía đông.

"Bắc Đới Hà là nơi lãnh đạo cấp cao có thể ngồi lại với nhau trong các cuộc họp không chính thức để trao đổi về các chính sách lớn, và do đó, nó vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách trong chính trị Trung Quốc", Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.

tap can binh sap hop o bac doi ha anh 2
Đặng Tiểu Bình (phải, phía trước) tại Bắc Đới Hà năm 1977. Ảnh: Tân Hoa xã.

Quan hệ Trung - Mỹ phủ bóng

Cuộc gặp năm nay sẽ được theo dõi đặc biệt chặt chẽ, với một loạt thách thức chưa từng có mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt, bao gồm việc quan hệ Trung - Mỹ ngày càng xấu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại; các cuộc biểu tình tại Hong Kong, xu hướng ủng hộ độc lập đang gia tăng ở Đài Loan và nền kinh tế với tăng trưởng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý vừa qua.

Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học King ở London, Anh, cho biết ông tin rằng trọng tâm của cuộc gặp năm nay sẽ là sự suy thoái chung của môi trường quốc tế, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ.

"Tôi tưởng tượng rằng cuộc gặp này sẽ tập trung vào các vấn đề bên ngoài hơn bao giờ hết bởi vì - nói thật là - không phải ông Tập, cũng không phải bất cứ ai khác, biết phải làm gì với một nước Mỹ dưới sự lãnh đạo chia rẽ, quyết đoán như vậy. Vị thế của Mỹ ở thời điểm này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là một mối nguy hiểm rất thực tế", ông Brown, người đồng thời là giám đốc Viện Trung Quốc Lau của Đại học King, nói.

Cuộc gặp diễn ra sau hơn một năm trả đũa thuế quan và leo thang đối đầu giữa hai cường quốc địch thủ lớn của thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ công nghệ, ý thức hệ, vấn đề Đài Loan cho đến an ninh khu vực và toàn cầu.

Washington đã áp đặt thuế suất 25% lên khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và đe dọa sẽ mở rộng cho tất cả hàng hóa Trung Quốc, nếu các cuộc đàm phán thương mại thất bại. Mỹ cũng đã khơi nào một cuộc chiến công nghệ, đưa vào danh sách đen một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông Huawei. Trung Quốc trả đũa bằng các biện pháp tương tự nhưng kiềm chế hơn.

Mặc dù ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản, triển vọng cho một thỏa thuận giúp chấm dứt thương chiến dường như vẫn xa vời.

Tại Osaka, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý kiềm chế không áp đặt thuế suất mới hoặc cao hơn đối với hàng hóa khác của họ, kết quả tương tự cuộc gặp trước đó tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina hồi tháng 12/2018.

Song cuộc chiến thuế quan và công nghệ đã gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế và làm tổn hại đến uy tín của hai nhà lãnh đạo. Một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, có khả năng dẫn đến sự phân tách của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù không có dấu hiệu rõ ràng về thách thức đối với chính quyền Tập, sự bất đồng ngày càng tăng trong hàng ngũ lãnh đạo về một số chính sách của ông. Trong vài trường hợp, một số quan chức đã phàn nàn về đánh giá sai lầm của lãnh đạo đối với chính sách Trung Quốc của chính quyền Mỹ.

Cũng có một số lời chỉ trích về sự thổi phồng trong việc tuyên truyền những thành tựu của Trung Quốc trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại và quốc phòng ngày càng quyết đoán của nước này. Một số quan chức tin rằng tất cả những chính sách này đều đã góp phần làm xấu đi nhanh chóng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây.

Cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ - Trung cũng đã phơi bày một số sự thật không dễ chịu về cảm giác bị thổi phồng quá mức về sức mạnh quốc gia của Trung Quốc. Sự yếu kém về năng lực khoa học và công nghệ, tính dễ bị tổn thương về kinh tế và vị trí thực sự của Trung Quốc trên trường quốc tế đều bị lộ ra trong cuộc thương chiến.

Ông Brown dự đoán rằng, trong bối cảnh không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi làm thế nào để đối phó với những thách thức từ chính quyền Trump, ông Tập có thể sẽ dành mùa hè của mình tại Bắc Đới Hà để lắng nghe.

"Ông ấy không thể nghĩ đến việc đưa ra chỉ thị trong cuộc gặp năm nay, mà sẽ phải nhìn nhận xem vấn đề họ đang gặp phải với Mỹ nghiêm trọng như thế nào, và chính xác là làm thế nào để đối phó về mặt chính trị - chỉ cần tiếp tục thận trọng và phản ứng một cách phòng thủ, hay chuyển sang hướng thậm chí còn quyết liệt hơn", vị chuyên gia nói.

tap can binh sap hop o bac doi ha anh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Thách thức từ Hong Kong, Đài Loan 

Ông Wu cho biết các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra ở Hong Kong cũng sẽ đứng đầu chương trình nghị sự tại Bắc Đới Hà, trong các cuộc họp chính thức hoặc không chính thức.

Trong vài tuần, các cuộc biểu tình chống lại một dự luật về dẫn độ đã phát triển thành phong trào rộng lớn hơn với một trong những mục tiêu là chống lại sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với thuộc địa cũ của Anh.

Người biểu tình ban đầu xuống đường phản đối một dự luật, đang bị đình chỉ, sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục.

Song sau đó họ đã quay sang nhắm vào chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, với một số người biểu tình phá hoại mặt tiền văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương ở Hong Kong, ném trứng và bắn sơn đen lên quốc huy của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu và kéo theo sự chỉ trích rộng rãi ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và Anh, về cách Bắc Kinh xử lý các vấn đề ở Hong Kong.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có thể coi phong trào biểu tình lần này là thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự cai trị của Trung Quốc kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Bắc Kinh vào năm 1997. Bắc Kinh cũng lo ngại tình trạng bất ổn liên tục tại đặc khu này có thể làm tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bà Thái Anh Văn của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) - phe ủng hộ Đài Loan độc lập - lên nắm quyền vào năm 2016, Bắc Kinh nhìn thấy hy vọng cải thiện quan hệ từ sự thay đổi lãnh đạo trong cuộc bầu cử sắp tới tại Đài Loan.

Cuộc đua này sẽ không chỉ là cuộc đấu giữa phe ủng hộ hòn đảo tự trị này độc lập và phe thân đại lục, mà còn là cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.

Chính quyền Trump dường như coi bà Thái và đảng của bà là đồng minh quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh ủng hộ ứng viên từ Quốc dân đảng (KMT) Han Kuo Yu, thị trưởng thành phố Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan và là người ủng hộ nguyên tắc "Một Trung Quốc". Bắc Kinh xem chiến thắng của ông này sẽ là một cơ hội để tiến bộ trong quan hệ xuyên eo biển.

Bất chấp thất bại nặng nề của DPP trước KMT trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái, triển vọng tái đắc cử của bà Thái - và cũng là triển vọng cho DPP của bà trong cuộc cạnh tranh ở lập pháp viện - gần đây đã được cải thiện đáng kể do đảng đã mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh, cũng như ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong.

Khi chỉ còn sáu tháng nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu, Bắc Kinh cần đưa ra một số biện pháp đối phó, trong nỗ lực giúp đảng mà họ ủng hộ tạo ra bước ngoặt trước các cuộc bầu cử quan trọng.

tap can binh sap hop o bac doi ha anh 4
Người biểu tình chiếm trụ sở lập pháp viện Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng phải thảo luận về các biện pháp đại tu và phục hồi nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ vì nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã chứng kiến mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong quý vừa qua, mà còn vì không có dấu hiệu cho thấy xu hướng tụt dốc kéo dài 12 năm sẽ dừng lại.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 - con số thấp nhất hàng quý kể từ khi nước này bắt đầu thống kê tháng 3/1992. Song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ qua, từ mức tăng trưởng 14,23% trong 2007 xuống còn 9,5% vào năm 2011, 7,3% vào năm 2014 và 6,6% vào năm ngoái.

Xu hướng tụt dốc đó đã tăng tốc theo từng quý kể từ năm ngoái và số liệu mới nhất đặt ra câu hỏi nghiêm túc rằng khi nào tăng trưởng có thể dừng lại. Những con số đòi hỏi một cuộc cải cách căn bản đối với hệ thống kinh tế do nhà nước lãnh đạo cũng như hành động mạnh mẽ của chính phủ.

Các nhà phân tích tin rằng ông Tập sẽ sử dụng các cuộc họp ở Bắc Đới Hà để cố đạt được sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo về cách xử lý hệ quả  chính trị từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, các cuộc biểu tình ở Hong Kong và các vấn đề cấp bách khác.

Tất cả những vấn đề này đều có ý nghĩa chiến lược đối với lợi ích quốc gia cốt lõi và sự phát triển của Trung Quốc, liên quan đến việc liệu quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể đạt được "hai mục tiêu trăm năm" như ông Tập đề ra hay không: Một là xây dựng "xã hội tiểu khang" vào năm 2021 - kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, và hai là đưa Trung Quốc trở thành quốc gia "giàu có, quyền lực, dân chủ, văn minh và hài hòa" vào năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lãnh đạo Trung Quốc sắp họp ở Bắc Đới Hà, bàn về thương chiến

Có nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị không chính thức của các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà sắp diễn ra, khi giao thông bị hạn chế từ ngày 13/7 đến 18/8.

Đông Phong

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm