Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp tin tưởng công tác chống dịch

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP sáng 20/8.

Sau khi ghi nhận những ý kiến đóng góp và hiến kế của đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong mong muốn các doanh nghiệp FDI kiên trì và đặt niềm tin vào công tác phòng chống dịch của TP. Đồng thời, ông khẳng định TP luôn chia sẻ và tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến các biện pháp giãn cách trên địa bàn, vị lãnh đạo khẳng định ông hiểu rằng giãn cách xã hội sẽ ảnh hướng lớn đến sinh hoạt người dân, hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư... nhưng buộc phải triển khai vì sự an toàn cộng đồng. Khi áp dụng thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đã phát sinh một số vấn đề cần phải tháo gỡ.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết các doanh nghiệp có thể sáng tạo nhiều phương thức với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ sản xuất cũng như các hợp đồng đã ký kết.

Về vấn đề tiêm vaccine, Chủ tịch UBND TP cho biết đã tiêm cho toàn bộ người lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, đối với các KCN, KCX là 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia.

cac doanh nghiep co von dau tu nuoc ngoai anh 1

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng các doanh nghiệp có thể sáng tạo nhiều phương thức với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ sản xuất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông, tốc độ tiêm vaccine hiện nay của TP trong điều kiện giãn cách xã hội có thể lên đến 300.000 liều/ngày. Mục tiêu của TP là hết quý III tỷ lệ tiêm đạt 70% nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên, bất kể là làm việc trong lĩnh vực nào.

"Chủ trương TP là tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX là 85%. Do vaccine AstraZeneca cần có thời gian để phát huy tác dụng nên sẽ có kế hoạch tiêm đợt 2 cho số lao động 85% của những người đã được tiêm đợt 1", ông Phong nhấn mạnh.

Đối với các vấn đề về thủ tục liên quan hỗ trợ tài chính, tín dụng, giảm thuế như các doanh nghiệp đề xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết những công việc này vượt quá thẩm quyền của UBND TP. Tuy nhiên, TP đã có văn bản đề xuất về mặt chính sách gửi Thủ tướng. Lãnh đạo TP khẳng định sẽ đeo bám các vấn đề này để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI.

Liên quan đến kiến nghị về định nghĩa "mặt hàng thiết yếu", ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp thu và có danh sách rõ về các mặt hàng cụ thể. Về vận chuyển hàng hóa, ông khẳng định không phân biệt hàng hóa có thiết yếu hay không, chỉ cần không vận chuyển hàng hóa cấm lưu hành. TP vẫn đảm bảo vận chuyển hàng hóa trong khung thời gian từ 6h đến 18h hàng ngày.

Một vấn đề quan trọng khác là mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ban đầu TP triển khai phương thức này với mong muốn thực hiện các công tác phòng chống dịch trong một thời gian ngắn để giảm số lượng ca nhiễm giữa cộng đồng.

Ông Phong nhận xét mô hình sản xuất "3 tại chỗ" phải kéo dài thời gian do dịch bệnh diễn ra lâu hơn dự kiến, ảnh hưởng tâm lý người lao động, đội chi phí của doanh nghiệp. Khi áp dụng, mô hình "3 tại chỗ" chỉ phù hợp với một bộ phận doanh nghiệp có lao động vừa phải và cơ sở vật chất tương ứng.

Người đứng đầu TP.HCM khẳng định TP luôn muốn người lao động được an toàn, đảm bảo điều kiện sản xuất. Chính vì vậy, TP khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất thêm mô hình tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo các quy định về chống dịch, tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo TP trên con đường xây dựng TP.HCM phát triển.

Doanh nghiệp FDI ở TP.HCM than mất đơn hàng trăm triệu USD

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM cho biết gặp nhiều khó khăn trong thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm