Đến sớm ít phút trong cuộc gặp mặt vào sáng thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 3 phó chủ tịch bắt đầu phiên gặp gỡ, dự kiến kéo dài một giờ.
Trong tà áo dài quen thuộc, bà Kim Ngân cảm ơn báo chí đã quan tâm, theo dõi, đưa tin về hoạt động Quốc hội thời gian qua cũng như tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội khóa mới, đưa thông tin tới nhân dân.
Quốc hội hành động vì hạnh phúc của dân
“Xin 10 phút để trình bày các vấn đề với cơ quan báo chí”, tân Chủ tịch Quốc hội điểm lại, ngày 21/7 Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cương vị của mình, bà cam kết phát huy kinh nghiệm của những người tiền nhiệm, phát huy tập thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện tốt thẩm quyền của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi gặp mặt báo chí sáng 23/7. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Cũng theo bà, Quốc hội khóa XIV diễn ra sau Đại hội Đảng XII, kinh tế có những khởi sắc sau những khó khăn của nhiệm kỳ trước và trong điều kiện hội nhập sâu rộng. Các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kế thừa các thành tựu 70 năm qua, của khóa XIII để nâng kết quả hoạt động.
"Quốc hội hành động vì hạnh phúc của dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước", nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Về hoạt động cụ thể, nữ Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới việc tăng tính tranh luận trong trao đổi của đại biểu Quốc hội, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, thảo luận.
"Chuẩn bị của ĐBQH là tốt, nhiều trăn trở, tâm tư, dồn tâm huyết, nhưng còn nặng tham luận, cần tăng tính tranh luận, thảo luận ở hội trường", bà nói.
Cùng tham dự còn có 3 Phó chủ tịch Quốc hội cùng Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định tầm quan trọng của việc phối hợp chặt giữa Quốc hội với Chính phủ, Nhà nước, Viện kiểm sát… để kiểm soát quyền lực của hành pháp – lập pháp và tư pháp.
"Mỗi đại biểu cần dành nhiều thời gian đi cơ sở, địa phương, gắn bó với cử tri, trước hết là cử tri nơi bầu ra mình. ĐBQH không chỉ đại diện cho cử tri 1 khu vực, mà cử tri cả nước, vì thế, phải nắm bắt ở bất kỳ lĩnh vực nào, ở đâu, trong lĩnh vực công tác của mình, chứ không chỉ trước và sau kỳ họp", bà nhắn nhủ.
Sau phần trình bày, Chủ tịch Quốc hội dành thời gian để trao đổi trực tiếp với các cơ quan báo chí:
Không lùi vô thời hạn Luật biểu tình
- Chủ tịch Quốc hội nói sẽ phát huy kinh nghiệm của người tiền nhiệm. Vậy bà tâm đắc nhất điều gì từ người ông Nguyễn Sinh Hùng?
- Tôi có thời gian làm việc nhiều với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ Bộ Tài chính đến thành viên Chính phủ khi là ông là Phó thủ tướng. Và tôi học được nhiều điều từ người tiền nhiệm.
Ông có bản lĩnh chính trị vững vàng khi đứng trước vấn đề khó khăn, quyết định khó; thể hiện tính quyết đoán khi đã thấy việc đúng, đúng đường lối, chủ trương, với thực tiễn và sẵn sàng nhận trách nhiệm với các quyết định của mình.
- Quyền hiến định về biểu tình nêu ở Hiến pháp từ lâu nhưng Luật biểu tình cũng bị nợ khá lâu. Trong nhiệm kỳ này, bà có dự kiến trả món nợ này cho dân?
Quốc hội sẽ kiểm soát để Việt Nam không dẫm phải vết xe đổ của các nước khác ở châu Âu, Mỹ...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ta ban hành thế luật nào để đảm bảo quyền công dân, nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích của cả đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích: quyền của dân tham gia biểu tình, đúng pháp luật, phải tuân thủ pháp luật, mà không rối loạn đất nước.
Luật biểu tình mà làm rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân không ai mong. Quốc hội khóa XIV sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của Chính phủ và trả món nợ cho dân, không có lùi vô thời hạn đâu.
Tránh vết xe đổ vỡ nợ
- Nhiều khả năng nợ công vượt giới hạn Quốc hội cho phép là 65% trong năm nay. Nếu xảy ra ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm của bà với tư cách Chủ tịch Quốc hội?
- Ở nhiệm kỳ Quốc khóa XIII, nợ Chính phủ đã vượt con số này. Quốc hội quyết tâm khóa này kiểm soát chặt chẽ, tính toán lại cách tính nợ công, xem giới hạn 65% có thực sự an toàn không. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nhiều lần có báo cáo riêng cho Quốc hội thảo luận.
Hiện, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng điều cần quan tâm, an toàn hay không theo nghĩa đã vay thì trả cho đủ, vay để làm gì, có hiệu quả hay không. Vay mà hiệu quả, dùng đúng mục đích, thì an toàn; nền kinh tế hiệu quả, thì an toàn; đến hạn trả được thì an toàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân xuất hiện với hình ảnh tà áo dài quen thuộc nhưng lịch lãm. Nữ Chủ tịch Quốc hội cho biết, sáng nay, bà chỉ mất 5 phút để thay đổi trang phục. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nợ công hiện nay có vấn đề là vẫn ở trong mức kiểm soát, nhưng đến hạn trả nợ thì khó khăn, chưa đủ nguồn lực để cân đối trả đúng hạn và đã xảy ra việc vay mới trả nợ cũ. Các khoản vay của Chính phủ hiện đã có điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội, như thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nợ nước ngoài, thay đổi vay ngắn hạn sang trung và dài hạn để giảm áp lực trả nợ.
Quốc hội sẽ kiểm soát để Việt Nam không dẫm phải vết xe đổ của các nước khác ở châu Âu, Mỹ... Chúng ta vay nợ để đầu tư phát triển là cần thiết nhưng phải đảm bảo để không dẫm vết xe đổ.
Vụ Formosa là bài học phát triển
- Bà nhấn mạnh sự cởi mở, gần gũi giữa ĐBQH và báo chí nhưng trong vụ Formosa, phóng viên rất khó tiếp cận ĐBQH liên quan, ví dụ như nguyên lãnh đạo Hà Tĩnh Võ Kim Cự. Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội?
- Về sự gần gũi của báo chí với Quốc hội, khó tiếp xúc với ĐBQH, ví dụ như vấn đề Formosa, thì bản thân chúng tôi biết chi li, cặn kẽ trong khi nhiều đại biểu địa phương nhiều khi không biết. Để đủ thông tin cung cấp cho báo chí, hỏi biết thì mới nói, chứ xử lý tới đâu, không phải đại biểu nào cũng nói.
Thông tin nhà báo khó tiếp xúc với ông Cự hôm nay tôi mới nghe. Tôi sẽ gặp gỡ để nhắc nhở ông tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí. Việc này là cần thiết bởi sự kiện diễn ra khi đại biểu là lãnh đạo tỉnh nhà. Cung cấp thông tin đầy đủ, thì thông tin kịp thời, tốt hơn là mập mờ, tránh né.
Có những đại biểu khi trả lời báo chí phất tay không hay, đưa lên phản cảm, mất hình ảnh lắm. Tôi sẽ đề nghị ĐBQH cung cấp thông tin trung thực, khách quan.
- Về Formosa, Quốc hội có giám sát hoạt động của công ty này, nhất là việc giao đất 70 năm và trách nhiệm của những người liên quan?
Thông tin nhà báo khó tiếp xúc với ông Cự hôm nay tôi mới nghe. Tôi sẽ gặp gỡ để nhắc nhở ông tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
- Giám sát môi trường đã có trong chương trình vì chúng ta nhấn mạnh phát triển bền vững. Dân được quyền sống trong môi trường trong lành - đó là điều được nêu trong Hiến pháp. Cá nhân, tổ chức làm cho môi trường sống không trong lành phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng, không phát triển bằng mọi giá. Formosa là bài học để rà soát lại các dự án kinh tế.
- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất lập ủy lâm thời xem xét xử lý vụ Formosa. Bộ trưởng Hồng Hà cũng chia sẻ sự đồng tình. Quan điểm cá nhân của bà?
- Hiện chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời giám sát Formosa. Để có kết luận về vụ việc, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước. Formosa đã phải cúi đầu nhận lỗi, nhận trách nhiệm, cam kết xử lý. Đố là thắng lợi bước đầu. Chuyện đã diễn ra nhưng đấu tranh để có được kết quả đó, người dân nói là chậm, nhưng xin thưa là không nhanh được đâu. Bởi phải có căn cứ, bằng chứng thì họ mới nhận và việc đó cần cả quá trình đấu tranh.
Việt Nam khôn khéo trong vấn đề chủ quyền
- Chủ quyền biển đảo được nêu nhiều trong Quốc hội khóa XIII, Quốc hội khóa XIV sẽ đề cập thế nào?
- Việt Nam luôn nhất quán lập trường với chủ quyền biển đảo, không có gì thay đổi từ trước tới giờ. Chủ quyền là điều thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam. Người dân chúng ta hơn ai hết mong muốn hòa bình, yêu chuộng hòa bình.
Trong điều kiện tranh chấp nhiều bên, Việt Nam phải có biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa để bảo vệ chủ quyền, hòa bình, ổn định. Việt Nam không hiếu chiến, không đe dọa vũ lực sử dụng vũ lực và yêu cầu các nước khác cũng như vậy.
Nữ Chủ tịch Quốc hội trả lời tất cả câu hỏi được đặt ra. Thời lượng buổi gặp mặt cũng dài hơn dự kiến. Ảnh: Hoàng Hà. |
Việt Nam khôn khéo trong vấn đề này. Nơi này nơi khác có vấn đề trong khi Việt Nam yên ổn. Đâu phải hô hào cho thật to, kích động này khác thì có chủ quyền? Không có như vậy. Không phải như một số tổ chức, cá nhân hô hào này nọ, thực ra họ đã làm được gì cho đất nước, hay chỉ nói, kích động làm rối tình hình? Tôi tin các bạn không ai muốn đất nước rối ren. Giữ chủ quyền biển đảo mà vẫn giữ được hòa bình.
Khi giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông, chưa một giờ phút nào chúng ta không có mặt ở vùng biển của chúng ta. Vòi rồng đâm vỡ tàu, đưa về sửa. Tàu ta nhỏ, ít, nhưng lúc nào cũng có mặt, đấu tranh trên thực địa. Ta yêu cầu không dùng vũ lực. Quốc hội gửi thư cho Quốc hội các nước ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Các đoàn ngoại giao nghị viện, Chính phủ, nhân dân đều vận động quốc tế ủng hộ chúng ta. Ta đưa 40 nhà báo Việt Nam và nước ngoài ra thực địa quay phim. Một phút lên đài CNN tốn bao nhiêu tiền, nhưng chúng ta vẫn cố gắng làm.
Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế nên dù không phải là một bên của vụ kiện Biển Đông ở tòa quốc tế, Người phát ngôn của Việt Nam đã lên tiếng ngay sau phán quyết. Người phát ngôn, Thủ tướng nói gì đều là có chủ trương, nhất quán, xuyên suốt. Chúng ta hoan nghênh tòa có phán quyết cuối cùng. Chúng ta đang nghiên cứu thật kỹ, xem cái gì tác động đến lợi ích của Việt Nam. Cần bình tĩnh nghiên cứu, nhận xét, đánh giá, xem cái gì tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của mình, thì lên tiếng bảo vệ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói về phong cách thời trang áo dài
- Cánh nhà báo nữ mỗi kỳ họp lại trò chuyện, chờ đợi sự xuất hiện của bà vì phong cách thời trang ấn tượng, đặc biệt là luôn gắn với tà áo dài của dân tộc. Bà có thể chia sẻ, đích thân mình chọn lựa hay có người tư vấn, thiết kế riêng? Và bà dành bao nhiêu thời gian để chuẩn bị trước mỗi lần xuất hiện?
- Tôi may áo dài nhiều chỗ lắm, không riêng một chỗ nào. Cũng có vài nhà thiết kế, thấy đẹp thì mặc. Tôi thay đổi phong cách, khi đơn giản khi hơi cầu kỳ một chút nhưng tôi không mất quá nhiều thời gian.
Như sáng nay tôi không định mặc áo dài khi gặp gỡ báo chí nhưng thấy chị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội thường trực Tòng Thị Phóng - PV) mặc áo dài thì chỉ 5 phút tôi có cái áo dài mặc liền. Chị Phóng nói đây là đầu kỳ, mặc áo dài trang trọng để thể hiện sự tôn trọng với báo chí. Đó là lý do tôi và chị Phóng chọn mặc áo dài hôm nay.
Ngày 22/7, theo kết quả kiểm phiếu được công bố, 9977% đại biểu Quốc hội đã đồng ý bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội khóa XIII làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXH Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trong bài phát biểu nhậm chức, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cam kết sẽ cùng các đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của quốc hội, để Quốc hội "thực sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước".