Hơn 8h sáng, theo kết quả kiểm phiếu được công bố, trong số 489 hợp lệ, 483 đại biểu đồng ý bầu bà Ngân giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (chiếm 99,77% tổng số đại biểu Quốc hội). Có 6 phiếu không đồng ý.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXH Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Phát biểu nhậm chức sau đó, nữ Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội vì đã tín nhiệm. Trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, bà Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm của Quốc hội, thực hiện có hiệu quả các chức năng lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cam kết sẽ cùng các đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của quốc hội, để Quốc hội "thực sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước".
Trong quá trình công tác, bà Ngân từng kinh qua các chức vụ Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ảnh: Như Ngọc. |
Tháng 7/2011, bà Ngân được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Giữa năm 2013, bà được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI.
Tới tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, được bầu vào Bộ Chính trị.
Năm 2016, tạp chí Forbes đã bầu chọn bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người đứng đầu trong danh sách 20 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà Ngân có 4 tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, từ tháng 3 tới tháng 7/2016. Trong thời gian này, bà đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2016.
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân bình dị khi làm Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội được chia sẻ sau khi bà trúng cử chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Ảnh: PLO. |
Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên
Ngày 31/3, tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với 472 đại biểu (95%) tán thành. Trong 484 đại biểu bỏ phiếu thì có 9 người không đồng tình, 3 phiếu không hợp lệ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Ngân đã trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, bà cũng được các đại biểu Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia với 467/484 phiếu thuận.
Nữ Chủ tịch Quốc hội cũng là lãnh đạo đầu tiên thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước các đại biểu Quốc hội.
Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Ngân đều đứng đầu danh sách được "tín nhiệm cao". Năm 2013, bà đạt 372 phiếu "tín nhiệm cao" và năm 2014, bà đạt "tín nhiệm cao" nhiều nhất với 390 phiếu.
4 ứng viên cho 4 vị trí Phó chủ tịch Quốc hội đều được các đại biểu nhất trí bầu với tỷ lệ phiếu cao (người thấp nhất gần 97%), gồm các ông, bà: Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu.
13 người còn lại trúng cử vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm các ông, bà:
- Hoàng Ngọc Chiến 98,58%
- Trần Văn Tý 97,98%
- Võ Trọng Việt 97,98%
- Phan Xuân Dũng 96,96%
- Nguyễn Đức Hải 96,96%
- Phan Thanh Bình 96,15%
- Nguyễn Hạnh Phúc 95,75%
- Nguyễn Văn Giàu 95,75%
- Nguyễn Khắc Định 93,72%
- Nguyễn Thúy Anh 93,32%
- Lê Thị Nga 91,50%
- Nguyễn Thanh Hải 79,96%
- Vũ Hồng Thanh 71,46%.