Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: 'Tại sao cứ xây nhà giữa phố?'

Sốt ruột trước phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội truy: "Xây dựng trái luật và cao tầng phải chặt ngọn, trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào?"

Trước tình hình ùn tắc giao thông tái phát nghiêm trọng, đại biểu Lê Nam cho hay, TP HCM có 24 điểm thường xuyên kẹt xe, ùn tắc ở Hà Nội cũng đang tái phát nghiêm trọng.

Theo vị Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, có nguyên nhân dân số cơ học tăng quá nhanh, đến năm 2017 chỉ phường Hoàng Liệt (Hà Nội) sẽ có thêm 12.000 căn hộ, dân số phường tăng 200%. 

"Các cơ sở đã di dời đều làm nhà cao tầng trái Luật Thủ đô. Nguyên nhân cực kỳ quan trọng là quy hoạch và quản lý xây dựng. Giải pháp của Bộ trưởng Xây dựng?", ông Nam đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, thời gian qua vấn đề ùn tắc giao thông đã được Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM.

Việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông được triển khai rất hiệu quả nhưng ùn tắc ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề dài hạn, thách thức lớn đối với phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguyên nhân do xu hướng tập trung hóa đô thị, dịch chuyển dân cư vào trung tâm đô thị lớn. Xu hướng này không chỉ tại Việt Nam mà hầu hết các nước đang phát triển.

"Đô thị trung tâm có dịch vụ tốt hơn, hạ tầng tốt hơn và đặc biệt là nhiều việc làm hơn. Đồng thời, những người có khả năng kinh tế cũng muốn vào sinh sống để cải thiện cuộc sống", ông nói.

Rồi vị Tư lệnh ngành Xây dựng dẫn chứng, mật độ tại Hà Nội là 13.000 người/ km2, riêng quận Đống Đa, bình quân tới 40.000 người/ km2. Còn các đô thị tương ứng như Paris (Pháp) là 20​.000 người /km2; Hồng Kông, Singapore 5.000 - 6.000 người/ km2.

Trong khi đó, diện tích dành cho giao thông cả động và tĩnh tại HN và TP HCM còn thấp so với nhu cầu. Hệ thống giao thông công cộng đều thiếu. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nhưng khả năng nguồn lực rất hạn chế.

Sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam, xe máy chuyển sang ôtô càng nhiều. Phương tiện giao thông cá nhân chiếm 90%, giao thông công cộng chỉ chiếm 10%. Tại thủ đô Seoul hay Paris, 45% người dân dùng giao thông công cộng.

Về giải pháp, Bộ trưởng Dũng cho rằng, để giải quyết phải từng bước và có lộ trình. Trước mắt, Bộ GTVT cùng lãnh đạo các thành phố đã thực hiện rất tốt. Nhưng về lâu dài cần có giải pháp về cả nguồn lực và sự quyết tâm, bài toán có tính khoa học.

Như sự gia tăng dân số vào Hà Nội và TP HCM, cần thực hiện chiến lược quốc gia để hình thành đô thị trên toàn quốc một cách hài hòa. Phải tạo ra nhiều việc làm bằng động lực công nghiệp và dịch vụ, tạo ra các vùng miền phát triển bền vững. 

Khi Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đang trình bày về quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liền ngắt lời và đề nghị ông đi thằng vào vấn đề.

"Xây dựng trái phép, chồng tầng, chất tải trong đô thị, biện pháp chặt ngọn ra sao? Tại sao cứ xây nhà cao tầng ở giữa phố?", ông Hùng truy Bộ trưởng Xây dựng. 

Tiếp tục mạch trả lời trước đó, Bộ trưởng Dũng vẫn trình bày về quy hoạch vùng Hà Nội và vùng TP HCM, về việc kiểm soát nhà cao tầng trong nội đô, cần kiểm soát vấn đề. 

Theo ông, phải có lộ trình hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt các tuyến đường sắt đô thị. Hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, đi đôi giảm bớt giao thông bằng phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng...

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 18/11. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Chủ tịch Quốc hội tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng Dũng đi vào trọng tâm câu hỏi: "Vì sao có quy hoach chung, làm sao vẫn xảy ra lộn xộn, có chủ trương di dời sao chưa di dời được? Trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng ra sao?".

Trần tình với Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông có trách nhiệm chung của Chính phủ chứ không chỉ bộ Xây dựng. 

Chủ tịch Quốc hội gặng hỏi: "Trách nhiệm của Chính phủ là đúng nhưng còn trách nhiệm của Bộ Xây dựng ở đâu? Có hiện tượng xây cao tầng rồi phạt cho tồn tại không? Tại sao quá trình quản lý thì không biết, tới lúc xây rồi mà đập phá gây hại cho cả dân?".

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng hứa trả lời sau.

Sốt ruột trước phần trả lời của ông Dũng, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn: "Đồng chí trả lời thế thì bây giờ ai đi tìm nguyên nhân ùn tắc giao thông​? ​Chuyện đấy là chuyện khác. Vấn đề đại biểu hỏi đơn giản là quy hoạch thế nào, xây dựng trái luật và cao tầng phải chặt ngọn, trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào?

Thứ hai, tại sao cứ xây nhà cao tầng giữa phố, trách nhiệm Bộ xây dựng ở chỗ nào, quản lý thế nào? Sau khi xảy ra rồi thì các đồng chí ra chỉ thị phải thực hiện nghiêm, quản lý nghiêm, xử lý nghiêm. Nhưng ở đây hỏi về quy hoạch về quản lý, tôi hiểu ý của đại biểu Lê Nam hỏi như vậy.​

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm