Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước: 'Sẽ tăng thêm tàu cho CSB và Kiểm ngư'

“Hoàng Sa, Trường Sa là của ta, ta phải giữ và bảo vệ. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư thêm tàu cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư để bảo vệ ngư dân và giữ vững chủ quyền".

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi nói chuyện với ngư dân Đà Nẵng chiều nay (2/7).

Con cháu mình phải học để sau này làm chủ những con tàu hiện đại hơn

Mở đầu cho chuyến thăm và làm việc 2 ngày tại thành phố Đà Nẵng, chiều nay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã ra Âu thuyền Thọ Quang thăm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng).

Tại đây, Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm chủ tàu và các thuyền viên đi trên tàu ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tông chìm trên vùng biển Hoàng Sa ngày 26/5. Bà Hoa báo cáo với Chủ tịch nước: Gia đình bà có truyền thống đi biển từ nhiều đời trước. Đến nay, vợ chồng bà cũng coi tàu thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Dù nghề đi biển với muôn vàn gian khó nhưng nó đã nuôi sống hàng trăm nhân khẩu của gia đình và các thuyền viên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm hỏi, động viên chủ tàu ĐNa 90152, Huỳnh Thị Như Hoa
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm hỏi, động viên chủ tàu ĐNa 90152, Huỳnh Thị Như Hoa.

“Tuy nhiên, vào ngày 26/5, khi tàu của tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tấn công khiến thuyền lật úp, 10 thuyền viên thoát chết trong gang tấc. Giờ con tàu có giá gần 5 tỷ này đã hư hỏng và nằm bất động”, chỉ tay về tàu ĐNa 90152 đang nằm trên đà Thọ Quang, bà Hoa sụt sùi tâm sự.

Động viên chủ tàu và các thuyền viên đi trên tàu cá ĐNa 90152, Chủ tịch nước cho biết, từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa của nước ta, họ đã điều nhiều tàu quân sự, bán quân sự tông va vào các tàu Cảnh sát biển (CSB), Kiểm ngư và ngư dân Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, hành động trên là đi ngược lại mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và vi phạm Luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước cũng cho biết, hầu hết các tàu cá của ngư dân Việt Nam có công suất nhỏ, còn tàu của Trung Quốc thì lớn nên họ hung hăng làm những điều phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều tàu vỏ sắt công suất lớn để ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ chủ quyền.

Theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều tàu vỏ sắt công suất lớn để ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ chủ quyền.
Theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều tàu vỏ sắt công suất lớn để ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ chủ quyền.

“Thời gian này, khó khăn sẽ còn tiếp diễn đối với ngư dân chúng ta. Nhưng với sự kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam, tôi tin bà con sẽ vượt qua mọi khó khăn để vươn khơi”, Chủ tịch nước nói và khuyên chủ tàu cũng như các thuyền viên: “Đời chúng ta nghèo, ta lái tàu nhỏ nên bị lép vế. Tôi mong bà con hãy quan tâm đầu tư cho các thế hệ con cháu ăn học thành tài để sau này đủ trí và lực làm chủ những con tàu khang trang, hiện đại, hiên ngang đánh bắt giữa biển khơi”.

Sẽ tăng thêm tàu cho CSB và Kiểm ngư để bảo vệ ngư dân

Cũng trong chiều nay, sau khi ra tận cảng cá Thọ Quang để thăm hỏi ngư dân, Chủ tịch nước đã có buổi nói chuyện thân mật với 25 chủ tàu, đại diện cho hàng nghìn ngư dân Đà Nẵng. Tại đây, Chủ tịch nước đã dành thời gian gần một tiếng đồng hồ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các ngư dân.

Ngư dân Lê Văn Chiến (Chủ tàu ĐNa 90351, trú Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa của nước ta, việc khai thác hải sản xa bờ của bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Dù ngư dân chúng ta đánh hợp pháp trong ngư trường của mình nhưng phía Trung Quốc liên tục sử dụng các tàu quân sự, hải giám và tàu vỏ sắt tấn công. “Trong chuyến đi biển vừa qua, tàu của tôi đã bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tấn công đến 3 lần. Dù không có thiệt hại về người nhưng một số bộ phận của tàu đã bị hư hỏng nặng”, ông Chiến kể lại với Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước trương Tấn Sang ra tận cảng cá động viên ngư dân yên tâm bám biển
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra tận cảng cá động viên ngư dân yên tâm bám biển.

Cùng chung những khó khăn trên, ngư dân Lê Văn Lễ (Chủ tàu ĐNa 90352) kiến nghị: Nhà nước cần phải đầu tư tăng thêm nhiều tàu hơn nữa cho lực lượng CSB và Kiểm ngư để các lực lượng này thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt.

Với kiến nghị này, Chủ tịch nước nói ngay: “Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường của chúng ta, bằng mọi giá ta phải giữ và bảo vệ. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ đầu tư thêm nhiều tàu hiện đại cho lực lượng CSB và Kiểm ngư để lực lượng này thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và ngư dân chúng ta. Nhưng trước mắt, tôi mong bà con hãy yên tâm đánh bắt và phải hết sức kiềm chế trước những hành động hung hăng quấy phá của tàu Trung Quốc”.

Ngư dân Lê Văn Nhiều (Chủ tàu ĐNa 90029) lại nêu lên khó khăn khác: Ngư dân đi biển đã vất vả, khi vô đến bờ thì bị tư thương ép giá. Năm trước, 1 kg cá có giá trung bình 25.000-30.000 đồng. Nhưng năm nay, giá chỉ còn 10.000 đồng/kg cá. Với tình trạng xăng dầu tăng giá mà giá cá bị rớt như hiện nay thì bà con ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nhiều kiến nghị với Chủ tịch nước và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng: “Để ngư dân yên tâm bám biển, ngoài việc hỗ trợ về vốn thì Nhà nước cũng nên đầu tư các cơ sở thu mua chế biến tập trung để hải sản của bà con đánh bắt về không bị làm giá”.

Liên quan đến kiến nghị trên, Chủ tịch nước thừa nhận, câu chuyện được mùa mất giá vốn tồn tại từ lâu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở nước ta. “Tuy nhiên, bà con hãy yên tâm rằng, tình trạng này sẽ sớm được giải quyết. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến hợp tác với một số nước để đầu tư công nghệ đánh bắt, chế biến hải sản. Trước mắt, công nghệ này sẽ được áp dụng ở tỉnh Bình Định và sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước”, Chủ tịch nước cho biết.

Nhiều ngư dân cũng băn khoăn đến việc đóng tàu vỏ sắt mà Chính phủ đang triển khai. Bởi theo họ, lâu nay ngư dân đã quen đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ. Nay chuyển sang tàu sắt sẽ gặp nhiều khó khăn. “Chưa kể, Chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ đến 90% vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt nhưng liệu cơ chế để vay vốn có thông thoáng?”, Ngư dân Trương Công Minh, Chủ tàu ĐNa 90304 đặt câu hỏi với Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước tặng quà cho các ngư dân Đà Nẵng
Chủ tịch nước tặng quà cho các ngư dân Đà Nẵng

Hoan nghênh tinh thần bám biển, giữ vững ngư trường của các ngư dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tôi rất khâm phục trước các hành động dũng cảm của bà con ngư dân. Dù liên tục bị phía Trung Quốc quấy phá, tấn công đến mức suyết mất cả tính mạng nhưng bà con vẫn sẵn sàng vươn khơi bám biển. Vấn đề nóng bỏng ở biển Đông, Đảng, Nhà nước và hàng triệu người dân Việt Nam đang lo lắng. Tuy nhiên, biển đảo là chủ quyền thiêng liêng của cha ông để lại, bằng mọi giá ta phải giữ vững và bảo vệ. Trong đó, sức mạnh của những bà con ngư dân đang ngồi đây là rất lớn. Nên những khó khăn, khúc mắc của bà con sẽ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm tháo gỡ để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển”.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm