Chiều 18/2, Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp tổng kết các hoạt động đã triển khai trong dịp Tết Tân Sửu. Song song với việc chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho người dân, những phương án, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được TP.HCM đặt lên hàng đầu.
"Năm nay, chúng ta cùng cả nước trải qua cái Tết rất đặc biệt khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, xuất hiện biến chủng mới ngày giáp Tết. Hiện tại, có thể nói chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Mở rộng tầm soát Covid-19
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin từ ngày 16/2, thành phố đã tiếp nhận hơn 50.000 trường hợp khai báo về từ các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, hơn 3.500 trường hợp khai báo tại các bến xe, sân bay, ga tàu và khoảng 49.000 người khai báo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.
"Số lượng người về TP.HCM sau Tết còn rất đông, chúng ta cần giám sát, theo dõi chặt chẽ để tránh dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài. Để làm được điều đó, thành phố cần thực hiện xét nghiệm tầm soát trên diện rộng", ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng. |
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết từ khi xuất hiện ca lây nhiễm đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng y tế trên địa bàn đã thực hiện gần 40.000 mẫu xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm của TP.HCM hiện đáp ứng đủ cho 15.000 mẫu mỗi ngày, khi cần thiết có thể năng lên 25.000-30.000 mẫu.
"TP.HCM vừa tiếp nhận 30.000 sinh phẩm xét nghiệm tầm soát nhanh từ Bộ Y tế. Số sinh phẩm này sẽ phục vụ công tác xét nghiệm nhanh người từ vùng dịch đến TP.HCM sau Tết", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành quả trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thời gian qua có sự đóng góp lớn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC)
"Nhiều người trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp trên địa bàn đã hủy vé, không về quê ăn Tết cùng gia đình để đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc phòng dịch. HCDC cũng làm việc không kể ngày đêm, truy vết, xét nghiệm thần tốc thời gian qua để góp phần ngăn chặn dịch bệnh", người đứng đầu chính quyền TP.HCM chia sẻ.
Không để doanh nghiệp chờ đợi
"Tôi vừa nhận văn bản phản ánh từ doanh nghiệp về việc Sở Kế hoạch Đầu tư hẹn họ 30 ngày để giải quyết một vướng mắc. Vướng mắc này chỉ được giải quyết trong 10 ngày theo quy định", ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng và nhận định những thủ tục hành chính bị kéo dài đang làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ 2 do dịch Covid-19. Ảnh: HMC. |
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị trong năm 2021, các đơn vị cần tập trung thực hiện chủ đề năm, trong đó có công tác cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cuối tháng 2, chậm nhất là đầu tháng 3, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện cần được tổng kết.
"Với sự giám sát của HĐND, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị và báo chí, thành phố sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.HCM", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động. Các sở, ngành, UBND các cấp không được để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi sau Tết.
"Để thực hiện nhiệm vụ kép mà Chính phủ đề ra, TP.HCM cần khẩn trương xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2 do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các đơn vị rà soát những khó khăn, vướng mắc trong tất cả khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh, trên mọi lĩnh vực để đưa ra những gói hỗ trợ thiết thực", lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu.