Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un dù thể hiện sự thân thiện và cởi mở trước báo giới, cuối cùng vẫn chưa tìm được cách giải quyết những bất đồng trong câu chuyện phi hạt nhân hóa.
Zing.vn gửi đến bạn đọc góc nhìn của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về các vấn đề chính trị quốc tế.
Tổng thống Trump tạm gác "gánh lo"
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc nhiều người tỏ ra "buồn" và "tiếc nuối" vì không có thỏa thuận nào được ký kết.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, không bên nào mất gì, thậm chí những người tham gia trực tiếp và cao nhất ở tiến trình này như Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim lại là những người được nhiều nhất.
Nghe kỹ phần họp báo lúc 14h ngày 28/2 của Tổng thống Trump, rõ ràng Mỹ và Triều Tiên đã đạt được cái cần đạt: Tổng thống Trump được Chủ tịch Kim đảm bảo sẽ không có các vụ thử hạt nhân và tên lửa nữa trong tương lai khi hai bên tiến hành đàm phán. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Trump cam kết sẽ không siết chặt thêm cấm vận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xuống chuyên cơ Air Force One tại sân bay Nội Bài ngày 26/2. Ảnh: New York Times. |
Điều này có nghĩa Tổng thống Trump có thể tạm thời "đóng gói", không phải lo đối phó với câu chuyện Triều Tiên ít nhất trong hai năm tới, cho đến hết nhiệm kỳ của mình trong khi lại chẳng mất thêm gì.
Việc hứa không cấm vận thêm cũng không đồng nghĩa là một món quà hay nhượng bộ với Triều Tiên. Thực tế, các lệnh cấm vận liên tục của Liên Hiệp Quốc trong khoảng 20 năm qua đã quá hà khắc và cũng không còn lỗ hổng để siết chặt thêm được bao nhiêu.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dừng để các bên tiếp tục đàm phán trong bầu không khí khá thân thiện, tôn trọng nhau, chứ không phải là đàm phán đổ vỡ và hai bên quay trở lại vạch xuất phát.
Điều này cho thấy bản thân câu chuyện đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là hết sức khó khăn.
Hơn 20 năm qua, qua bốn đời tổng thống, các cuộc đàm phán hoàn toàn bế tắc. Do đó sẽ hết sức phi thực tế nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự đột phá, vì thực tế là hai bên mới chỉ đàm phán cấp cao trực tiếp tám tháng trước, tính từ thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh lần một tại Singapore vào tháng 6/2018.
Thực ra, khi không đạt được thỏa thuận nào lại chính là lúc hai bên đạt được nhiều nhất. Còn nhớ, tại Singapore, khi hai bên đạt được thỏa thuận thì cũng là lúc cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Kim đều chịu sức ép và phê phán ghê gớm trong vì đã "nhượng bộ" đối phương quá nhiều.
Khi dừng đàm phán, Trump muốn gửi thông điệp đến những người hoài nghi trong đảng Cộng hòa, những người chỉ trích trong giới truyền thông, cũng như lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập tại lưỡng viện là: Ông ra quyết định nhanh, nhưng luôn tính toán kỹ lưỡng, chuẩn mực, không vội vàng, hấp tấp như mô tả của giới truyền thông hay phe đối lập.
Điều này sẽ giúp Tổng thống Trump có thêm sự ủng hộ tiếp tục, sự tin tưởng của lãnh đạo đảng, các nghị sĩ Cộng hòa cũng như cử tri. Điều này giúp chuẩn bị cho các cuộc đấu sắp tới với Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn là tái tranh cử năm 2020.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cùng các cố vấn trong buổi đàm phán sáng 28/2. Ảnh: AFP. |
Thông điệp nhắm tới Trung Quốc
Phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump chưa phải hành động vội vàng, mà cái đích nhắm tới là Trung Quốc cùng kết quả đàm phán thương mại cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước đây các tổng thống Mỹ luôn muốn tìm cách xử lý câu chuyện thương mại và các mâu thuẫn khác với Trung Quốc nhưng gần như không thể thành công. Mỗi khi Mỹ chuẩn bị cứng rắn với Trung Quốc thì tình hình trên bán đảo Triều Tiên bỗng "đột ngột căng thẳng". Khi đó, Mỹ buộc phải thông qua Trung Quốc giúp hòa giải để làm dịu tình hình.
Có thể thấy, cách tiếp cận Triều Tiên của Tổng thống Trump hoàn toàn khác. Trước khi áp thuế với Trung Quốc vào tháng 6/2018, ông chuyển sang hòa dịu với Triều Tiên. Khác với các nỗ lực trước trước, trong suốt quá trình căng thẳng quan hệ với Trung Quốc lần này, tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại hết sức ổn định.
Đây là điều Tổng thống Trump rất cần khi đi vào cuộc đàm phán quyết định trong vòng một tháng tới với Trung Quốc, mà đỉnh cao là cuộc gặp cấp cao giữa ông và ông Tập tại Florida vào cuối tháng 3/2019. Trong lần gặp đó, Trung Quốc buộc phải tính toán có hay không trong việc nhân nhượng các vấn đề cốt lõi:
Một, Tổng thống Trump và ê kíp sẽ không chịu sức ép vì bị chỉ trích ở trong nước về thỏa thuận (nếu đạt được) với Triều Tiên. Giờ đây, họ có thể tập trung và dồn toàn bộ nỗ lực vào đàm phán với Trung Quốc.
Hai, thông qua thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, thông điệp với Trung Quốc là nếu họ không nhân nhượng đủ lớn, đủ hấp dẫn với Mỹ thì sẽ không có bất kì thỏa thuận nào. Đây sẽ là đòn tâm lý và sức ép rất lớn lên phía Trung Quốc khi họ đứng trước rủi ro rất cao là không thể đạt được thỏa thuận.
Ba, Tổng thống Trump cũng chuẩn bị trước cho dư luận Mỹ và thế giới. Tuy hy vọng, tuy có những tín hiệu tích cực nhưng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, cũng như gánh nặng buộc phải thành công cho bản thân tổng thống và ê kíp của mình. Mỹ đã sẵn sàng cho kịch bản không có thỏa thuận với Trung Quốc.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại buổi họp báo chiều 28/2 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Trong trường hợp đạt được thỏa thuận với Trung Quốc thì Tổng thống Trump sẽ tự tin hơn vì được tiếp thêm sức mạnh mới để tiếp tục ép ông Kim Jong Un có những nhượng bộ lớn hơn.
Trong trường hợp không có thỏa thuận với Trung Quốc lẫn Triều Tiên, Tổng thống Trump vẫn có thể ung dung bước vào cuộc chiến tái tranh cử 2020.
Cuối cùng, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục để lại dấu ấn riêng - một điều không hề thay đổi sau 2 năm của nhiệm kỳ. Ông vẫn khẳng định được mình là người làm chủ cuộc chơi, quyết định chơi với ai, chơi như thế nào và khi nào thì dừng. Ngoài ra, tổng thống Mỹ tiếp tục chứng tỏ mình là người khó đoán định, khó hiểu về các quyết định chiến lược, các bước đi của mình và bí ẩn đến phút chót ngay cả với các trợ lý hàng đầu.
Khi tất cả đều nghĩ đến thỏa thuận thì cũng là lúc họ ngã ngửa vì chẳng có thoả thuận nào cả!
Với vai trò chủ nhà, Hà Nội đã làm vượt sự kỳ vọng của các bên từ công tác chuẩn bị lễ tân, hậu cần, an ninh cũng như sự thân thiện và hiếu khách của người dân.
Trong những ngày qua, Hà Nội đã là tâm điểm của truyền thông quốc tế với những khía cạnh tích cực nhất. Rất nhiều nước giàu có hơn, sẵn sàng mở hầu bao nhiều hơn chỉ để mong được tổ chức sự kiện này, nhưng cũng không thể làm được vì thiếu sự nhất trí của cả Mỹ và Triều Tiên.
Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội cho tới khi mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Trump đều dành những lời "có cánh" dành cho nước chủ nhà. Từ đây, Hà Nội có thể được cân nhắc là sự lựa chọn tổ chức cho các hội nghị quốc tế lớn trong tương lai, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực hòa bình và hòa giải.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả là một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế lâu năm và hiện làm lãnh đạo Ban thư ký ASEAN.