"Tốc độ không quan trọng lắm với tôi", ông Trump phát biểu trong cuộc gặp một - một với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội vào ngày 28/2. Tổng thống Mỹ bày tỏ sự hài lòng về việc Triều Tiên chưa từng thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa kể từ tháng 11/2017.
Sau đó trong cuộc gặp mặt cùng các phụ tá của hai bên, ông Kim Jong Un được một phóng viên hỏi về mong muốn phi hạt nhân hóa. Đáp lại, ông Kim cho biết: "Nếu tôi không sẵn lòng làm điều đó, tôi đã không đến đây".
Những hy vọng tiếp diễn
Ngay sau đó ông Trump tuyên bố: "Dù có thế nào, cuối cùng chúng tôi cũng sẽ đạt được một thỏa thuận tốt đẹp cho Chủ tịch Kim và đất nước của ông ấy. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ làm điều đó trong một ngày, trong một cuộc gặp".
Theo Nhà Trắng, các cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Kim với sự tham gia của các phụ tá cấp cao, dự tính kết thúc bằng một tuyên bố chung. Song cuối cùng, hai bên đã không đạt được thống nhất.
Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên trong buổi làm việc diễn ra tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội. Ảnh: New York Times. |
Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc gặp thượng đỉnh ngày 28/2 có mang lại bước đột phá ngoại giao nào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, hay các bước đi cụ thể tuyên bố hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh ông Trump nhấn mạnh vào chất lượng thay vì tốc độ và khác biệt của hai nước về khái niệm "phi hạt nhân hóa".
Tổng thống Trump khẳng định mối quan hệ với ông Kim vẫn nồng ấm, nhưng không chắc chắn về khả năng tiếp tục gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên lần thứ ba, chỉ nói rằng điều đó "có thể sẽ không lâu nữa thôi". Mặc dù vậy, cả ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều cho rằng những tiến triển đáng kể đã diễn ra ở Hà Nội.
Chính sách nhất quán từ lâu của Mỹ đã nhấn mạnh những lệnh trừng phạt của Triều Tiên chỉ được dỡ bỏ khi quốc gia này cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Trump từ chối nhắc lại chủ trương này của Mỹ, nói rằng ông muốn một sự mềm dẻo trong quá trình đàm phán với ông Kim.
"Tôi không muốn đặt mình vào vị trí đó, đứng trên góc độ đàm phán", tổng thống Mỹ cho biết.
Các phụ tá Nhà Trắng khẳng định tổng thống đã thể hiện sự cứng rắn cần thiết. Một số nhà quan sát so sánh cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Liên Xô diễn ra vào năm 1987 tại thủ đô Reykjavik của Iceland, nơi hai ông Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev gặp nhau thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân. Không có thỏa thuận nào được ký kết vào ngày hôm đó nhưng nội dung cuộc gặp đã giúp hình thành nên khuôn khổ cho một thỏa thuận thành công sau này.
Cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều khẳng định đã có những bước tiến đáng kể diễn ra trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Gần hơn rất nhiều"
Đã có những hoài nghi về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này đã dành hàng thập kỷ phát triển, nhưng đến cuối buổi gặp mặt, ông Trump vẫn ca ngợi cam kết của ông Kim về việc chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.
"Ông ấy có một tầm nhìn nhất định và đó không chính xác là tầm nhìn của chúng tôi, nhưng nó gần hơn rất nhiều so với một năm trước đây và tôi nghĩ cuối cùng thì chúng tôi sẽ đạt được điều đó", ông Trump phát biểu trước các phóng viên trong buổi họp báo tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội.
Tổng thống Mỹ cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đề xuất việc bắt đầu tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, một bước đi có thể được nhận định là nhượng bộ lớn của ông Kim. Mặc dù vậy, có vẻ như thế là chưa đủ để hai bên đi tới một thỏa thuận.
"Chúng tôi đề nghị ông ấy làm nhiều hơn thế và ông ấy cho biết chưa chuẩn bị cho điều đó", Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết. "Tất cả mọi người đều đã hy vọng chúng tôi có thể làm tốt hơn một chút", ông Pompeo nhận định.
Ông Trump cho biết "tầm nhìn" của hai bên đã "gần hơn rất nhiều" so với một năm trước đây. Ảnh: AP. |
Cả hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi trước các phóng viên về khả năng mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng. Ông Kim cho biết ông hoan nghênh ý tưởng này, trong khi tổng thống Mỹ cho rằng đó là một "ý tưởng tốt".
Trong khi đó ông Kim Jong Un cũng gây bất ngờ khi lần đầu tiên trả lời các câu hỏi của báo chí Mỹ. Khi được hỏi rằng liệu có khả năng một thỏa thuận hòa bình được ký kết hay không, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết: "Còn quá sớm để nói. Từ những gì tôi đang cảm nhận vào lúc này, tôi cảm giác những kết quả tốt đẹp sẽ tới".
Dù không có một tuyên bố chung nào được ký kết, Tổng thống Trump cho biết mối quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn hết sức tốt đẹp. Giải thích về việc không đạt được thỏa thuận cụ thể về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump nói "đôi khi bạn đành phải quay lưng đi" nhưng "đó là sự rời đi trong thân thiện".
"Đây không phải là một lần mà bạn đứng bật dậy và đi ra ngoài", tổng thống Mỹ chia sẻ.