Phát biểu tại kỳ họp thứ 15 HĐND Hà Nội chiều 6/7, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã làm rõ một số vấn đề được các đại biểu và cử tri quan tâm trong 6 tháng đầu năm. Ông cũng giải đáp các vấn đề bức xúc, nóng trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Thông tin về quy hoạch sông Hồng đang được người dân quan tâm, ông Chung cho hay gần 1 triệu dân sống tại khu vực này chưa được đáp ứng các điều kiện hạ tầng, xã hội, khiến cuộc sống rất vất vả.
Quy định chồng chéo, 900.000 dân chịu thiệt
Ông cho rằng thành phố đã bỏ lỡ mất một cơ hội khi vào kỳ họp HĐND cuối tháng 12/2017. Khi đó, Viện Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp đã lập quy hoạch phân lũ theo Quyết định 17 của Thủ tướng nhưng toàn bộ nội dung này bị hoãn và rồi bị vướng vào Luật Quy hoạch mới.
Hiện, thẩm quyền của việc lập quy hoạch không còn thuộc UBND, HĐND Hà Nội mà thuộc Bộ Xây dựng. Để tháo gỡ khó khăn, trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp vào chiều 9/7 tới, thành phố sẽ đề xuất ủy quyền việc này cho TP Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp HĐND Hà Nội thứ 15. Ảnh: Hồng Quang. |
"Phải làm được quy hoạch phân lũ, thì sau đó mới thực hiện được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Trên tinh thần chúng tối sẽ quy hoạch đô thị sinh thái 2 bên bờ sông, tạo 2 bờ đề thành 2 con đường", ông Chung cho hay.
Ông nói 900.000 người dân dọc 2 bên bờ sông từ các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, đến các quận Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ... đang mòn mỏi chờ quy hoạch. Hoàn thành quy hoạch thì TP mới có điều kiện xây dựng các hệ thống hạ tầng, điện đường, trường, trạm đầy đủ.
Trả lời ý kiến của các đại biểu về các dự án chậm triển khai, công tác quy hoạch còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, Chủ tịch Hà Nội cho hay qua rà soát đến nay ghi nhận 383 dự án chậm triển khai. Hiện, thành phố mới giải quyết vướng mắc được 64 dự án.
"Các dự án chậm triển khai là do sau khi hợp nhất Hà Nội với huyện Mê Linh và Hà Tây, các dự án này phải chờ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Các dự án phải chờ quy hoạch phân khu rồi đến quy hoạch chi tiết mới triển khai được", ông Chung nói.
Doanh nghiệp nợ thuế đến hơn 20 năm
Đề cập đến vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp đối với thành phố, ông Chung thông tin hiện số tiền thuế nợ đã lên đến 30.000 tỷ đồng. "Trong số này, chỉ có khoảng 15.000 tỷ đồng là các doanh nghiệp có thể trả. Còn 15.000 tỷ đồng còn lại là các doanh nghiệp nợ đọng, có những khoản nợ từ năm 1997-1998", ông Chung nói.
Thành phố đã báo cáo Bộ Tài chính, Bộ cũng có tờ trình trình Quốc hội để giảm, hoãn hoặc cắt nợ đối với các doanh nghiệp này. Theo lý giải của ông Chung, một lượng lớn doanh nghiệp này đã phá sản, hoặc kinh doanh không hiệu quả từ các thập kỷ trước đây và không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế với thành phố.
Còn về khoản 15.000 tỷ do các doanh nghiệp chây ỳ, khó đòi, Chủ tịch Hà Nội cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo Ban Thu hồi nợ đọng thành phố. Cục Thuế thành phố sẽ có buổi gặp gỡ thông báo số tiền nợ đối với các doanh nghiệp. Sau đó Chủ tịch thành phố sẽ kí các văn bản thông báo nợ đọng thuế.
"Sau khi gặp gỡ, thông báo, thành phố sẽ có thời hạn cho các doanh nghiệp tự nộp tiền nợ đọng thuế. Còn nếu các doanh nghiệp tiếp tục không nộp thì sẽ có các biện pháp cưỡng chế", ông Chung nói.
Bên cạnh đó, UBND thành phố sẽ không cho các doanh nghiệp này tiến hành các dự án mới nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với thành phố.
Kỳ họp thứ 15 HĐND Hà Nội diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch. Ảnh: Sơn Hà. |
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Chủ tịch thành phố nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là bảo vệ sự an toàn, sức khỏe người dân, ngăn chặn triệt để bùng phát trở lại dịch Covid-19 như tại một số quốc gia.
Thành phố và ngành giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho cuộc cách mạnh 4.0. Theo đó, thành phố sẽ phân luồng đào tạo, đào tạo mở rộng, ngay từ lứa tuổi nhỏ để thực sự có đội ngũ công dân toàn cầu.
Thành phố cũng đẩy mạnh các dự án nhà máy xử lý nước thải, rác thải, cung cấp nước sạch; nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng không khí. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm tiêu cực, tham nhũng vặt; khôi phục sản xuất, coi trọng thị trường nội địa trong giai đoạn lưu thông hàng hóa khó khăn sắp tới.
Chủ tịch thành phố cũng thông tin trong thời gian tới, các cơ quan của Sở Xây dựng sẽ rà soát, xử lý nốt việc cấp sổ đỏ tại các dự án mà chủ đầu tư có sai phạm để giải quyết bức xúc, khó khăn cho người dân.