Giải trình trước HĐND Hà Nội sáng 5/6 về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận nỗ lực của các quận huyện, sở ngành trong công tác giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc từ đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thủ đô nhấn mạnh Hà Nội còn nhiều vấn đề nổi cộm đang được giải quyết. Trong đó, các vấn đề được ông Chung nhắc đến như trật tự xây dựng, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, cũng như những bất cập, khó khăn của người dân tại khu vực đê sông Hồng suốt nhiều năm qua.
Chưa thể quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng
Trong quá trình phát triển thủ đô, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh không tránh khỏi những vấn đề bức xúc chưa giải quyết được, chưa đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư của người dân. "Trong đó có trách nhiệm của chính quyền các cấp, của UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố", ông Nguyễn Đức Chung nói.
Toàn cảnh phiên giải trình sáng 5/6. Ảnh: HNM. |
Đề cập đến việc xây dựng các công trình nhà ở ngoài đê sông Hồng, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh đây là "vấn đề rất bức xúc". Hiện, trên 800.000 dân đang sống ở khu vực này vướng Luật Đê điều nên không thể xây dựng, chỉnh trang nhà cửa. Họ cũng không thể sang nhượng do vướng các quy định chính sách hiện nay.
Ông Chung nói ngay thành phố cũng đang vướng luật này nên chưa thể giải quyết cho người dân. "Chúng ta không thể xây dựng các công trình, điện, đường, trường, trạm đầy đủ cho người dân được. Cuộc sống người dân ngoài này đang rất vất vả. Chúng tôi rất chia sẻ và rất thấu hiểu điều này", Chủ tịch Hà Nội nói.
Chủ tịch thành phố cho hay Hà Nội đang tích cực làm quy hoạch thoát lũ và đê điều sông Hồng, sông Thái Bình. Tuy nhiên, khi làm xong để trình HĐND thành phố vào cuối năm 2017 thì Luật Quy hoạch lại thay đổi do phải trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ông cho biết phải làm xong quy hoạch phân lũ mới triển khai được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Ông giải thích việc làm quy hoạch này là đắp đê kết hợp với đường, từ đó tạo thành con đê thứ 2 thay thế cho tuyến đê cũ, đảm bảo chống được lũ cấp 3.
"Khi đó toàn bộ dân cư ở ngoài đê sẽ được chuyển vào trong đê, thì mới có đủ điều kiện để cải tạo lại được khu đô thị này", ông giải thích. Chủ tịch thành phố cho rằng ngoài vấn đề về nguồn lực, thì Luật Quy hoạch mới là khúc mắc khiến tiến độ cải tạo khu vực này chậm chạp.
Ông cho hay nếu không gặp các vướng mắc trên có thể việc xây dựng khu đô thị mới ở đây đã xong.
Trước mắt, để đáp ứng nguyện vọng người dân ở đây, Chủ tịch Hà Nội đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn các quận, huyện có dân cư ở đê sông Hồng cấp phép tạm, cho xây dựng tạm đối với các hộ gia đình đã có sổ đỏ. Sau khi hoàn thành xong quy hoạch thoát lũ, ông Chung cho rằng mới có cơ sở để triển khai tiếp các quy hoạch cho khu đô thị này.
Tháng 8 cắt xong tầng 18 nhà 8B Lê Trực
Cũng giải trình tại phiên họp này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết địa bàn quận có 8/12 vụ việc liên quan khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng.
Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực, quận cho hay tiến độ xử lý vi phạm tầng 18 đang diễn ra đúng kế hoạch, đơn vị thi công đang tháo dỡ trang thiết bị bên trong, tiến hành cắt thử vài ô sàn. "Dự kiến trong tháng 8 cắt xong toàn bộ tầng 18", ông Chiến cho hay.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng Luật Quy hoạch mới khiến việc cải tạo, chính trang khu đô thị 2 bờ sông Hồng chậm trễ. Ảnh: HNP. |
Liên quan đến việc chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho hay thời gian qua, TP đã tập trung chỉ đạo Sở cùng Ban Duy tu và các đơn vị dịch vụ công ích tăng cường công tác quản lý duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP, cơ bản đáp ứng yêu cầu cử tri, không để xảy ra vấn đề dân sinh bức xúc.
“Khối lượng công việc đã thực hiện rất lớn, nhưng một số nơi còn hiện tượng chậm xử lý. Thay mặt lãnh đạo Sở Xây dựng, tôi xin tiếp thu", ông Võ Nguyên Phong bày tỏ.
Về nguyên nhân xảy ra chậm xử lý, ông Phong cho rằng do công tác quản lý duy trì của đơn vị cung ứng dịch vụ công ích, công tác giám sát của Ban Duy tu, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và các đơn vị dịch vụ công ích chưa kịp thời.
"Trước tiên thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng và đơn vị vận hành, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và khắc phục trong thời gian tới”, Giám đốc Sở khẳng định.
Ông cho biết thời gian tới Sở Xây dựng sẽ tăng cường rà soát các điểm đen về hệ thống thoát nước và hệ thống cây xanh để kịp thời trồng thay thế hoặc cắt tỉa, nhất là trong khi đang thực hiện phương án phòng chống lụt bão năm 2020.
Trước đó, Chủ tịch UBND Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ phân quyền cho Hà Nội được tiếp tục phê duyệt quy hoạch phân lũ, trên cơ sở đó triển khai được quy hoạch 2 bên sông Hồng.
Theo ông Chung, nếu triển khai quy hoạch 2 bên sông Hồng, sẽ khai thác được hàng nghìn ha đất 2 bên sông, tạo nguồn lực để xây dựng đô thị sinh thái, đồng thời không phải di chuyển khoảng 1 triệu dân đang sinh sống tại đây.
Ngoài ra, có thể tạo điều kiện để cải tạo hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khu vực 2 bên bờ sông; xây dựng tuyến đê kết hợp đường giao thông cho thành phố...