Chủ tịch Eximbank: 'So với vàng, kinh doanh ngân hàng dễ ợt'
Theo ông Lê Hùng Dũng, nhà lãnh đạo hơn thua nhau ở 3 điều là tầm nhìn, quyết đoán và hiệu quả, với tuyên ngôn "hiệu quả hay thảm họa".
Cuộc hẹn của chúng tôi với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank, được sắp xếp vào một buổi chiều muộn, ngay trước ngày Eximbank tổ chức lễ công bố giải thưởng “Ngân hàng được quản lý tốt nhất tại Việt Nam” (Best Managed Bank in Vietnam Award) do The Asian Banker bình chọn. Trong căn phòng trên tầng 17 của một tòa nhà văn phòng sang trọng ở trung tâm quận 1, TP.HCM, cuộc trò chuyện diễn ra quanh chiếc bàn tròn được ông gọi vui là “tổng hành dinh của bộ chỉ huy chiến dịch Sacombank”.
"Trong kinh doanh luôn có người thích kiếm tiền nhanh chóng, nhưng cũng có những người theo trường phái năng nhặt chặt bị”. |
- Việc Eximbank nhận giải thưởng “Ngân hàng được quản lý tốt nhất tại Việt Nam” được nhiều người trong ngành cho là khá bất ngờ. Lý do là trước nay không ít ngân hàng Việt Nam được các tổ chức quốc tế vinh danh, nhưng hầu hết là về nghiệp vụ, chưa có ngân hàng nào được công nhận về mặt quản lý. Với vai trò là Chủ tịch Eximbank, ông có bất ngờ?
- Vừa bất ngờ, vừa không. Bất ngờ vì chúng tôi không kinh doanh để giành giải thưởng. Không bất ngờ vì từ 3 năm nay, chúng tôi đã xác định theo cơ chế quản trị công khai, minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Chúng tôi đang thương lượng vay vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và họ yêu cầu hồ sơ vay vốn phải đạt chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Chẳng hạn, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, nợ xấu của Eximbank chỉ khoảng 1,32%, nhưng nếu theo chuẩn quốc tế sẽ phải lên xấp xỉ 2%. Họ còn có các yêu cầu khác như Eximbank phải dành ít nhất một nửa số vốn này để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nhiều việc làm, sử dụng trên 50% lao động nữ, không cho vay đối với các dự án tác động xấu đến môi trường...
- Nghĩa là sự thay đổi này chủ yếu do áp lực của nhà tài trợ?
- Chỉ đúng một phần. Chúng tôi nhận thấy rằng tuân thủ những điều kiện này đã nâng chất lượng tín dụng của Eximbank lên một bậc so với trước đây. Kể cả khi không có áp lực nào, chúng tôi cũng đã tự đặt ra yêu cầu phải minh bạch hơn nữa, bằng cách chủ động thuê Standard & Poor’s đánh giá xếp hạng tín dụng của Eximbank (Eximbank được Standard & Poor’s xếp hạng BB+ - PV). Sở dĩ ở trên tôi dùng từ “tiếp cận” là vì bạn cũng biết để đạt được chuẩn mực quản trị quốc tế trong ngành ngân hàng là rất khó. Tuy nhiên, những gì làm được trong 3 năm qua cho thấy chúng tôi đã đi đúng đường.
- Gần đây Eximbank đang chuyển dần tỷ trọng cho vay sang doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. Đối với một ngân hàng có truyền thống cho vay các dự án hàng ngàn tỷ như Eximbank, việc chuyển hướng này giống như đang từ làm ăn lớn chuyển sang nhặt bạc cắc?
- Xin nói lại cho rõ là chúng tôi mở rộng thêm ra cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân, tăng thị phần ở mảng trước nay chúng tôi chưa chú ý tới, bên cạnh việc cho vay dự án lớn, chứ không chuyển hướng. Trong kinh doanh luôn có người thích kiếm tiền nhanh chóng, nhưng cũng có những người theo trường phái “năng nhặt chặt bị”.
Tôi rất thích cách kinh doanh của người Hoa, như anh Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Kinh Đô, từng chia sẻ: “Anh thấy không, mấy cái nhà máy sản xuất bánh của tôi giống như cái máy in tiền; dù mỗi lần in ra tờ 200 đồng thôi nhưng ngày nào cũng có tiền, khỏe re”. Eximbank vẫn vừa nhặt bạc cắc vừa chơi với đại gia.
Hơn nữa, cho vay nhóm này cũng là cách chúng tôi đồng hành cùng tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Việt Nam, nuôi dưỡng họ trở thành cơ sở xã hội, nền tảng vững chắc của Ngân hàng. Lãi có thể ít hơn nhưng bền vững hơn và cũng là cách chúng tôi thể hiện trách nhiệm xã hội, thay đổi hình ảnh ngân hàng chỉ biết kiếm tiền.
- Không biết The Asian Banker có xét tới yếu tố quản lý rủi ro khi bình chọn “ngân hàng được quản lý tốt nhất” hay chưa, bởi các ngân hàng Việt Nam vốn không được đánh giá cao về điểm này?
- Chúng tôi cũng không rõ họ bình chọn theo những tiêu chí cụ thể như thế nào, nhưng ngồi ở ghế Chủ tịch, tôi rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro. Chúng tôi bổ nhiệm một người vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quản lý Rủi ro. Đó là ông Naoki Nishizawa, đại diện cho Sumitomo Mitsui trong Hội đồng Quản trị Eximbank. Sumitomo Mitsui là cổ đông nước ngoài nắm 15% cổ phần của chúng tôi, nên hơn ai hết họ là những người kiểm soát chúng tôi rất kỹ, vì sự an toàn cho đồng vốn của chính họ.
Tôi cũng giao cho ông Nishizawa toàn quyền quyết định kiểm tra những hoạt động kinh doanh nào ông ấy cho là rủi ro. Tôi hay đùa ông ấy là samurai và tôi trao cho ông “Thượng phương bảo kiếm”.
- Eximbank vừa công bố lãi ròng quý I/2013 giảm đến 62% so với cùng kỳ, trong khi Nghị quyết Đại hội Cổ đông vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2013 tăng 12%. Mục tiêu này hoặc là quá tham vọng, hoặc để “nịnh” cổ đông?
- Gọi là tham vọng cũng được, vì quan điểm của tôi là muốn kinh doanh thành công thì phải vừa “tham lam” vừa “hy vọng”. Tôi chỉ muốn kể 2 câu chuyện để bạn có thể tự nhận định là chúng tôi tham vọng hay không.
Tôi chính thức ngồi ghế Chủ tịch Eximbank từ tháng 5/2010. Kế hoạch lợi nhuận năm đó là 2.200 tỷ đồng, nhưng đến lúc tôi về mới chỉ hơn 600 tỷ đồng, nghĩa là chưa được 1/3 quãng đường. Một số người đã tính tới chuyện xin hạ kế hoạch, nhưng tôi không muốn rút lui. Đích thân tôi đã đi gặp 10 đơn vị dẫn đầu để bàn bạc xoay xở bằng mọi giá phải đạt được. Kết quả là năm đó lợi nhuận vượt chỉ tiêu, đạt 2.380 tỷ đồng.
Năm 2011, khi thị trường tài chính bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn thực sự, lợi nhuận của Eximbank đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm trước đó. Đại diện của cổ đông Sumitomo Mitsui năm đó đã nhận xét con số này là “bất khả thi”.
- Nhưng chuyện ngân hàng lãi lớn trong lúc nền kinh tế, trực tiếp là các doanh nghiệp, khó khăn cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi?
- Mấy năm vừa rồi ngân hàng hết bị mắng vốn là “hút máu” doanh nghiệp nên lãi to, rồi lại đến chuyện ngân hàng không cho doanh nghiệp vay. Hãy suy xét một cách logic, chúng tôi huy động tiền của khách hàng thì phải trả lãi suất. Nếu chúng tôi không cho vay thì lấy lãi ở đâu để trả cho họ. Tôi đâu có bệnh thần kinh mà huy động và phải trả lãi cả đống tiền rồi ngồi đó không cho vay. Mãi đến đầu năm nay mới có thông tin công bố năm 2012 hệ thống ngân hàng đã trả cho xã hội 400.000 tỷ đồng tiền lãi. Tôi tin là dư luận sẽ nhìn vào con số này để nhận định chính xác hơn.
- Giải thưởng “Ngân hàng được quản lý tốt nhất Việt Nam” được The Asian Banker bình chọn 3 năm một lần. Ông ngồi vào ghế Chủ tịch Eximbank đến nay cũng vừa đúng hơn 3 năm. Có thể nói đây cũng là thành tích của nhà lãnh đạo Lê Hùng Dũng?
- Tôi xem đây là lời khen và trước tiên, cứ được khen là tôi thích cái đã . Đây là sự công nhận nỗ lực của mình, giúp tôi tự tin hơn nữa vì nó cho thấy con đường mình đang đi là đúng.
Eximbank chính thức hoạt động từ năm 1990, đến hết năm 2009, tức sau 20 năm, thì đạt tổng tài sản 63.000 tỷ đồng. Tháng 5/2010 tôi về Eximbank và từ đó đến hết năm 2011 tổng tài sản tăng hơn gấp 3 lần, đạt 183.000 tỷ đồng. Các anh em nói vui là trong vòng 1 năm rưỡi, đã có 2 Eximbank ra đời. Tôi xem đó là thành tựu lớn nhất của mình sau 3 năm ngồi ghế Chủ tịch.
- Vậy quyết định mua cổ phần Sacombank, một sự kiện được xem là dấu ấn sâu đậm nhất của Lê Hùng Dũng ở Eximbank, thì sao?
- Chiếc bàn bạn đang ngồi ở đây đã từng là “tổng hành dinh của bộ chỉ huy chiến dịch Sacombank”. Suốt 4 tháng trời những đầu não của chúng tôi đã ngồi ở đây, theo dõi sát sao và ra những quyết định nhiều khi tính bằng phút. Thương vụ này được cho là gây chấn động giới tài chính không chỉ trong nước mà trong cả khu vực, nên không có lý gì tôi không tự hào.
- Ai cũng bảo kinh doanh ngân hàng khó lắm, nhưng nghe ông kể chuyện dường như nó không khó đối với ông?
- Nếu so với kinh doanh vàng, tôi dám nói với bạn là kinh doanh ngân hàng dễ ợt. Thị trường vàng liên thông với thị trường thế giới, quyết định chậm vài phút là lỗ triệu đô như chơi. Bảy năm ở SJC đã luyện cho tôi khả năng phán đoán thị trường chính xác đến 90%. Đó là một công việc rất mệt óc. Vì thế, thời còn làm SJC, tôi có chính sách đặc biệt cho các anh em trader chỉ làm giao dịch 3 năm, sau đó được chuyển sang bộ phận khác. Không ít người vào làm khi mới 30, đến 35 tuổi tóc đã bạc trắng.
- Vậy kinh nghiệm kinh doanh vàng đã giúp gì cho ông ở Eximbank?
Nó giúp tôi đưa ra nhiều quyết định đáng giá hàng ngàn tỷ đồng. Cách đây 2 năm, khi nhiều ngân hàng vẫn đang say sưa cho vay hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án thép thì với kinh nghiệm lướt vàng, tôi đã thấy trước rủi ro từ thép Trung Quốc và lập tức yêu cầu ngừng cho vay thép. Vài tháng sau đó, doanh nghiệp thép nội địa không cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn qua, dẫn đến tồn kho chất đống, nhiều ngân hàng mất vốn.
Eximbank thoát được cú này, bảo toàn mấy trăm tỷ đồng lợi nhuận. Tương tự là những quyết định dừng cho vay đối với doanh nghiệp cà phê hay mới đây các nhà đầu tư thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai.
- Lãnh đạo một ngân hàng tổng tài sản hàng trăm ngàn tỷ đồng, hẳn ông phải có nghệ thuật lãnh đạo đặc biệt?
- Với tôi, nhà lãnh đạo hơn thua nhau ở 3 việc. Thứ nhất là tầm nhìn. Anh phải có tầm nhìn trước 5-10 năm để có thể ra quyết định đúng đắn về những sự việc ngay trước mắt.
Thứ hai là quyết đoán. Tôi rất thích một câu nói của nhà báo Hữu Thọ: “Với tư cách là nhà báo, tôi rất thích phê phán xã hội; nhưng với tư cách là lãnh đạo, tôi không thích ai phê phán tôi”. Câu nói đùa này thực ra rất sâu sắc: Lời góp ý nhiều chiều thì luôn phải nghe, nhưng cuối cùng nhà lãnh đạo phải ra quyết định dựa trên chính kiến của mình.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo làm gì đi nữa thì cũng phải tính tới cái cuối cùng là hiệu quả. Tôi hay nói đùa tuyên ngôn của tôi là “hiệu quả hay thảm họa”.
Theo Nhịp cầu Đầu tư