Sáng nay, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức lại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 sau khi đại hội lần một ngày 26/4 phải hoãn vì cổ đông tham dự không đại diện đủ 65% cổ phần. Lần này, số cổ đông của ngân hàng Eximbank dự họp đại diện tới 94% cổ phần.
Eximbank trước đó cũng dời ngày tổ chức đại hội lần hai từ 26/5 sang 21/6 để có thêm thời gian chuẩn bị ngay sau khi có Chủ tịch HĐQT mới là ông Cao Xuân Ninh và Quyền tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Cảnh Vinh.
Cổ đông Nhật Bản yêu cầu bầu lại đoàn chủ tịch
Ngay sau khi Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, Quyền tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh, Trưởng Ban kiểm soát Trần Ngọc Dũng ngồi vào ghế đoàn chủ tịch chủ trì đại hội cổ đông Eximbank, "sóng gió" bắt đầu nổi lên.
Cổ đông Trần Ngọc Ninh cho biết ông đại diện 70 triệu cổ phần và nghi ngờ tính hợp pháp của đoàn chủ tịch.
Ông Ninh nói ngày 14/5, TAND TP.HCM đã dừng biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Do đó, ông Lê Minh Quốc không còn là chủ tịch Eximbank từ đó và không có cơ sở pháp lý để ký nghị quyết 231 ngày 15/5 dừng thi hành nghị quyết 112. Các nghị quyết sau đó do ông Quốc ký, trong đó có bầu ông Cao Xuân Ninh làm chủ tịch mới cũng không hợp pháp.
Là một trong hai người triệu tập và trực tiếp chủ tọa cuộc họp ngày 15/5, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank Đặng Anh Mai giải trình về cuộc họp này và quy trình ban hành nghị quyết 231.
Theo ông Mai, khi cuộc họp ngày 15/5 chưa kết thúc và chưa có biên bản, ông Quốc đã lấy tư cách chủ tịch HĐQT ký nghị quyết 231, chấm dứt hiệu lực nghị quyết 112, trong đó nói rằng căn cứ biên bản họp HĐQT ngày 15/5. "Với tư cách chủ tọa cuộc họp nhưng tôi chưa nhận được biên bản", ông Mai nói.
Ông Mai nêu quan điểm việc ông Quốc ký nghị quyết 231 và nghị quyết bầu chủ tịch HĐQT mới là không đúng thẩm quyền vì khi đó ông không còn là chủ tịch HĐQT hợp pháp.
"Với tư cách là một trong những người triệu tập và chủ tọa cuộc họp 15/5, tôi không thừa nhận nghị quyết 231, nghị quyết 238 bầu chủ tịch HĐQT mới và nghị quyết 239 hoãn đại hội cổ đông lần 2. Tôi đã gửi đề nghị cho HĐQT dừng thực hiện các nghị quyết trên", ông Mai nói và khẳng định sự đoàn kết của các cổ đông phải được tạo dựng trên nền tảng tôn trọng nguyên tắc chung.
Đại diện nhóm cổ đông lớn nhất tại Eximbank với 15% cổ phần là SMBC của Nhật Bản cũng phát biểu đã có nhiều văn bản kiến nghị không đồng ý những nghị quyết của HĐQT nhà băng này nhưng không được giải quyết thấu đáo.
Ông Cao Xuân Ninh: 'Tôi là chủ tịch hợp pháp'
Trả lời thắc mắc, ông Cao Xuân Ninh khẳng định đoàn chủ tịch của đại hội cổ đông Eximbank hoàn toàn hợp pháp. Ông Ninh thừa nhận Phó chủ tịch Đặng Anh Mai phản ánh đúng sự thật và HĐQT ngân hàng đã xử lý rốt ráo vấn đề nhân sự theo yêu cầu của cơ quan quản lý là rà soát toàn bộ nhân sự cấp cao của HĐQT Eximbank.
Ông Ninh cho biết vừa tổ chức cuộc họp vào hôm qua với 8 thành viên HĐQT tham dự, và có 2 thành viên của SMBC để xem xét tính hợp pháp của nghị quyết 231.
"6/8 thành viên đồng ý nghị quyết 231 đã được ban hành hợp pháp và nhất quán. Một thành viên của SMBC không bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý nhưng không phản đối tính hợp pháp của nghị quyết 231. Chúng tôi đã ra văn bản công nhận tính hợp pháp nghị quyết 231 và các nghị quyết phái sinh sau nghị quyết 231. Tôi là đoàn chủ tịch đúng quy định của pháp luật, nếu có vấn đề gì có thể đưa ra tòa giải quyết", ông Ninh khẳng định.
Chủ tịch Eximbank cũng thông tin tòa án đã đình chỉ thụ lý việc một cổ đông gửi đơn kiện lên tòa cho rằng các nghị quyết bầu nhân sự của HĐQT Eximbank không hợp lệ nên về mặt pháp lý không hề có trục trặc nào.
Quyền tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh (trái) và Chủ tịch Cao Xuân Ninh. Ảnh: Việt Đức. |
Tuy nhiên, một nữ cổ đông đại diện 45 triệu cổ phần tiếp tục đề nghị bầu lại đoàn chủ tịch của Đại hội cổ đông theo hình thức biểu quyết. đoàn chủ tịch chỉ nhắc lại tính hợp pháp của mình và tiếp tục đại hội.
Không thông qua được quy chế, đại hội lại hoãn
Ngay phần biểu quyết đầu tiên về quy chế tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Eximbank, ban kiểm phiếu và tổ kiểm phiếu, số cổ đông đại diện cho 55% cổ phần không đồng ý trong khi tỷ lệ đồng ý chỉ chiếm 40%.
Lúc này, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát của Eximbank, đề nghị những cổ đông không đồng ý với quy chế trình bày cụ thể vấn đề không đồng tình để có thể bỏ phiếu lại nhằm tiếp tục đại hội thay vì phải hoãn thêm một lần nữa. Tuy nhiên, không cổ đông nào đứng lên trình bày.
Một số cổ đông lớn tuổi bức xúc lên tiếng cho rằng cả HĐQT và các cổ đông ngân hàng cần đoàn kết để tiếp tục đại hội thay vì hoãn.
"Giờ phải hoãn đại hội cổ đông nữa thì rất mất thời gian và cả tiền bạc tổ chức. Tiền của ngân hàng cũng là tiền của cổ đông chứ đâu", một cổ đông 81 tuổi nói.
Ngay sau đó, đại diện SMBC lại cho rằng thông qua tỷ lệ bầu quy chế cho thấy đại hội không có sự tin tưởng với đoàn chủ tịch và nên chăng các cổ đông có quyền bầu lại chủ tọa cuộc họp.
Trả lời ý kiến của các cổ đông, chủ tịch Eximbank nhấn mạnh một lần nữa ông là đoàn chủ tịch hợp pháp. Theo ông, một số quan hệ cá nhân của cổ đông ảnh hưởng tỷ lệ phiếu bầu và việc không đủ tỷ lệ phiếu để thông qua quy chế tiến hành đại hội là điều rất đáng tiếc.
Đại hội cổ đông 2019 của ngân hàng Eximbank rốt cục lại hoãn. Ảnh: Việt Đức. |
"Chúng tôi rất lấy làm xấu hổ trong thời gian vừa qua khi để ngân hàng rơi vào khủng hoảng này. Chúng tôi sẽ lắng nghe, sửa đổi trong thời gian tới để quản trị điều hành tốt hơn, tăng cường đoàn kết để đưa Eximbank trở lại vị trí vốn có", ông Ninh phát biểu và nói điều đáng buồn là từ vị trí top 5 các ngân hàng TMCP từ trên xuống, Eximbank giờ lại ở vị trí top 3 từ dưới lên.
Quyền tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Cảnh Vinh thông tin thêm theo điều lệ của Eximbank, việc tiến hành đại hội cổ đông do chủ tịch HĐQT chủ trì, trường hợp chủ tịch vắng mặt thì do phó chủ tịch hoặc người được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền chủ trì. Với những điều kiện thay đổi với thể thức thông thường thì cần tới 100% ý kiến đồng ý.
Sau cùng, đoàn chủ tịch thông báo hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên lần hai của ngân hàng Eximbank và chưa công bố thời gian tổ chức lại. Đến nay, Eximbank là ngân hàng TMCP duy nhất vẫn chưa tổ chức xong Đại hội cổ đông năm 2019.