CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEFAC (UPCoM: VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp theo đó đạt gần 800 triệu đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý vừa qua, chí phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng và chi phí tài chính của VEFAC đều tăng mạnh, vượt quá mức lãi gộp mà công ty ghi nhận trong kỳ. Nhờ khoản lãi 129 tỷ đồng từ hoạt động cho vay và đầu tư, VEFAC vẫn thu về khoản lãi ròng gần 85 tỷ đồng trong quý III.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của VEFAC đã giảm 27%.
Lũy kế 9 tháng, VEFAC ghi nhận hơn 4,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt trên 264 tỷ đồng cũng chủ yếu nhờ hàng trăm tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Dù vậy, kết quả lợi nhuận kể trên vẫn thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của VEFAC đạt gần 35.600 tỷ đồng, tương ứng tăng ròng hơn 24.000 tỷ đồng chỉ trong quý III và cao hơn 25.600 tỷ đồng so với đầu năm. Đà tăng trưởng đột biến ở giá trị tài sản của công ty đến từ 2 khoản mục gồm hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn.
Trong đó, giá trị hàng tồn kho của VEFAC đã tăng từ gần 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 21.900 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Công ty cho biết giá trị tăng thêm của khoản mục này chủ yếu là các khoản chi phí liên quan tới việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội), chủ yếu là tiền đất phải nộp theo các thông báo nộp tiền đất của cơ quan quản lý Nhà nước. Đây chính là dự án có tên thương mại Vinhomes Global Gate, hay Vinhomes Cổ Loa.
Với khoản phải thu ngắn hạn, giá trị khoản mục này đã đạt gần 11.600 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tương ứng mức tăng ròng gần 7.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, riêng khoản phải thu hoạt động bất động sản với công ty liên quan - Vinhomes - đã là gần 11.400 tỷ đồng.
Theo nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn vản mới đây, VEFAC là công ty hợp tác cùng Vinhomes thực hiện dự án Vinhomes Cổ Loa, trong đó VEFAC sẽ được hưởng 95% lợi ích thu được từ dự án còn Vinhomes được hưởng 5%.
Về phía nguồn vốn, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của công ty này cũng tăng mạnh từ hơn 40 triệu đồng lên gần 12.200 tỷ đồng. Các khoản phái trả ngắn hạn khác tăng gần 2,3 lần, đạt trên 14.000 tỷ đồng. Báo cáo không thuyết minh nguồn gốc các khoản phải trả này.
VEFAC hiện là công ty con do Vingroup sở hữu hơn 83% vốn. Công ty là chủ đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang triển khai dự án Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm ( hay còn gọi là Vinhomes Cổ Loa) với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.