Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, quyền lực chính trị của Thủ tướng Anh Liz Truss đang nhanh chóng bị xói mòn khi đề xuất kế hoạch kinh tế táo bạo của bà vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thông báo việc bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD) trong kế hoạch “Ngân sách ngắn hạn”.
Đề xuất cắt giảm thuế lên tới 45 tỷ bảng Anh (khoảng 50,5 tỷ USD) sẽ là động thái lớn nhất trong 50 năm. Theo bà Truss và ông Kwarteng, biện pháp này sẽ giúp đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, kế hoạch của bà Truss đối mặt với thách thức từ nhà đầu tư, người dân Anh và chính các nhà lập pháp tại đảng Bảo thủ, theo Wall Street Journal.
“Khởi đầu tồi tệ”
Theo Guardian, chính phủ Anh ngày 3/10 đã quyết định dừng xúc tiến kế hoạch bãi bỏ mức thuế thu nhập tối đa 45% - động thái được cho sẽ có lợi cho những người có thu nhập siêu cao - trước những phản ứng dữ dội từ thị trường.
Tuy vậy, một ngày sau đó, bà Truss tiếp tục đối mặt với cuộc chiến khác với các thành viên đảng Bảo thủ về việc làm thế nào để huy động thanh toán khoản tiền 48,7 tỷ USD còn lại trong kế hoạch cắt giảm thuế mà chính phủ đề xuất.
Đây là bài kiểm tra thực tế với nhà lãnh đạo nhậm chức hồi tháng 9, sau khi thu hút các thành viên đảng với lời hứa về kế hoạch mang dáng dấp của "bà đầm thép" Margaret Thatcher nhằm hồi sinh nền kinh tế Anh.
Chính phủ Anh từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập cao nhất 45% sau phản ứng hỗn loạn từ thị trường quốc tế cùng sự phản đối ngày càng tăng của đảng Bảo thủ. Ảnh: Reuters. |
Trong vòng vài ngày sau khi nhậm chức và công bố kế hoạch, chính phủ của bà Liz Truss rơi vào hỗn loạn khi đồng bảng Anh lao dốc, còn Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp trước bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của đất nước.
Nữ lãnh đạo vướng vào cuộc chiến trên ba mặt trận khi cố gắng giành lại sự tin tưởng trước các nhà đầu tư hoài nghi, người dân Anh và các nhà lập pháp trong chính đảng của mình. Một số thành viên trong đảng Bảo thủ thậm chí đã âm thầm gọi bà là nhà lãnh đạo "vịt què" trong khi phải tới hai năm nữa mới tới cuộc bầu cử tiếp theo.
Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, William Hague, đã gọi đây là “khởi đầu tồi tệ cho nhiệm kỳ thủ tướng".
Điểm sáng duy nhất đối với vị lãnh đạo Anh trong tuần qua là thị trường tài chính đã ổn định sau thông báo dừng kế hoạch bãi bỏ thuế. Hôm 4/10, đồng bảng Anh tăng 0,64%, trong khi chi phí đi vay của chính phủ cũng giảm trở lại.
Uy tín sụt giảm
Tuy nhiên, những hỗn loạn vừa qua đã làm tổn hại tới hình ảnh của đảng Bảo thủ. Thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đảng Lao động đối lập, sau kế hoạch kinh tế.
Theo cuộc thăm dò trong ngày 1-2/10 do YouGov công bố hôm 4/10, chỉ 14% ủng hộ bà Truss, giảm so với mức 26% vào hôm 21-22/9. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả ông Boris Johnson sau khi cựu thủ tướng vướng phải một loạt bê bối.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy sự ủng hộ từ cử tri đảng Bảo thủ trong lần bầu cử năm 2019 đã giảm xuống, với 60% cử tri có quan điểm không tích cực về thủ tướng mới.
“Chúng tôi nhận thấy chính phủ mất lợi thế về năng lực kinh tế và đó quả là thời điểm quan trọng”, James Johnson - đồng sáng lập công ty thăm dò J.L. Partners, người từng tư vấn cho Văn phòng thủ tướng Anh - cho biết.
Ông Johnson cho rằng bà Truss sẽ sớm phải chuyển sang phương án B nếu muốn thống nhất đảng Bảo thủ và lấy lại niềm tin của cử tri.
Tại hội nghị đảng Bảo thủ ở Birmingham, nhiều người ngạc nhiên trước sự hỗn loạn đã nhấn chìm Phố Downing trong 3 tuần qua. Họ hoặc chỉ trích chính sách thuế, hoặc chỉ trích bà Truss vì đã từ bỏ. Rất nhiều người không hài lòng về cách tân thủ tướng truyền đạt kế hoạch.
“Tôi nghĩ thủ tướng đã phạm sai lầm lớn khi nói 'không thể quay đầu' với những gì bà ấy phải làm sau đó”, Roger King - cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ từng phục vụ dưới thời bà Margaret Thatcher - nói. “Với Margaret Thatcher, khi bà ấy nói không thể quay đầu, tức đúng là như vậy”.
Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu tại hội nghị thường niên đảng Bảo thủ ở Birmingham hôm 4/10. Ảnh: Bloomberg. |
Phát biểu trước đảng Bảo thủ cuối hội nghị hôm 5/10, bà Truss kêu gọi các thành viên đoàn kết trước những đối thủ chính trị và ủng hộ chương trình nghị sự của bà.
Một trong những vấn đề mà bà Truss đối mặt là tình huống khi bà lên nắm quyền. Sau khi người tiền nhiệm từ chức, 81.000 thành viên đảng Bảo thủ lựa chọn bà lãnh đạo đất nước. Tuy vậy, khoảng 2/3 nhà lập pháp đảng Bảo thủ muốn ông Rishi Sunak làm lãnh đạo.
Ngoài ra, bà Truss cũng đối mặt với khó khăn thuyết phục đảng về những kế hoạch thay đổi trong thời gian tới.
“Bà ấy đúng đắn khi tập trung vào vấn đề tăng trưởng, nhưng câu trả lời lại gây chia rẽ và không nhận được nhiều sự ủng hộ”, Matthew Goodwin - giáo sư chính trị tại Đại học Kent - cho biết, đồng thời chỉ ra chỉ có 6% ủng hộ cắt giảm thuế và dịch vụ công.
Một số thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ kỳ vọng bà sẽ tiết chế kế hoạch và cải tổ nội các để đưa ra các chính sách giúp thuyết phục những người không ủng hộ bà, từ đó giúp ổn định nội bộ đảng. Trong khi đó, có người nói thủ tướng cần thời gian để xem lại các chính sách.
Nếu tin xấu vẫn tiếp diễn, không rõ chuyện gì sẽ xảy ra với bà Truss. Theo quy định của đảng Bảo thủ, thủ tướng không thể bị chính đảng của mình buộc rời khỏi chức vụ trong vòng một năm.
Trong khi đó, các nhà lập pháp không muốn giới thiệu thêm một vị lãnh đạo nữa với công chúng Anh. Đảng Bảo thủ đã thay 2 thủ tướng trong 3 năm qua.
Bất chấp sự phục hồi gần đây của thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ việc kế hoạch của bà Truss. S&P cảnh báo việc cắt giảm thuế trong hiện tại có thể dẫn tới mức thuế cao hơn sau này.
Các nhà kinh tế học cho rằng gói kích thích kinh tế của bà Truss chỉ đơn giản là kích hoạt Ngân hàng Trung ương Anh mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, gây thêm đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đang gặp khó khăn.
Hôm 3/10, S&P hạ thấp dự báo nền kinh tế Anh với mức giảm 0,5% vào năm 2023, thay vì tăng 1% như dự đoán trước đó.