“Thật là một ngày khó khăn”, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng phát biểu trong cuộc họp của đảng Bảo thủ vài giờ sau khi thông báo đảo ngược chính sách cắt giảm thuế cho những người có thu nhập cao, vào ngày 3/10, theo Guardian.
Ông thừa nhận bản kế hoạch đã gây ra “một chút xáo trộn" nhưng khẳng định: “Chúng ta cần tập trung vào công việc đang làm. Chúng ta cần tiến về phía trước và sẽ không còn sự xao nhãng. Đó là điều công chúng mong đợi từ chính phủ”.
Song ông Kwarteng dường như không dễ thoát khỏi những xáo trộn này.
Thị trường tài chính Anh đã có khoảng thời gian "nghỉ ngơi" sau tình trạng hỗn loạn suốt một tuần qua, tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng quyết định của ông Kwarteng là quá ít và quá muộn.
Một tuần hỗn loạn đã cho thấy kế hoạch ngân sách ngắn hạn của ông Kwarteng khiến các nhà đầu tư quốc tế thất vọng và kéo theo những hệ lụy như thế nào. Bên cạnh đó, việc chính phủ buộc phải quay lưng với chính sách ban đầu cũng sẽ gây ra một số hậu quả về cả kinh tế và chính trị.
Sự bất lực lan rộng
Khi công bố kế hoạch ngân sách ngắn hạn vào ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng khẳng định đây là “cách tiếp cận cho một kỷ nguyên mới”.
Trong bài phát biểu hôm 3/10, ông cũng tái khẳng định tăng trưởng nhanh là "nhiệm vụ trọng tâm và mang tính định hướng" đối với kế hoạch này.
Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách ngắn hạn của ông Kwarteng đang đe dọa làm trầm trọng thêm hậu quả từ việc giảm hàng nhập khẩu và tăng lãi suất - đi ngược lại những gì Thủ tướng Liz Truss mong muốn. Do đó, ông Kwarteng đã lựa chọn quay đầu.
Phản ứng ban đầu đối với động thái này chắc hẳn là sự khích lệ đối với Bộ trưởng Tài chính Kwarteng và chính phủ Anh.
Đồng bảng Anh tăng khoảng một cent so với USD, và lợi suất trái phiếu giảm nhẹ. Các dấu hiệu suy thoái kinh tế ở Mỹ cũng giúp tăng giá đồng bảng Anh.
Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng. Ảnh: Reuters. |
Song mức tăng rất khiêm tốn và lợi suất vẫn cao hơn nhiều so với khi bà Truss lên nắm quyền vào 4 tuần trước.
Và ngay cả sau khi thay đổi, kế hoạch ngân sách ngắn hạn vẫn có thể mang lại hậu quả tiêu cực.
“Đồng bảng Anh đã hoạt động giống như một loại tiền tệ của thị trường mới nổi trong những tuần gần đây và động thái mới của chính phủ sẽ không thay đổi nhận thức đó", bà Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index và Forex, cho biết.
“Việc đảo ngược chính sách ngay trong tháng đầu tiên cầm quyền không hẳn là một khởi đầu đáng khích lệ đối với chính phủ của bà Truss. Động thái này có khả năng hạn chế mức tăng của đồng bảng Anh”, bà nói.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Kwarteng và kế hoạch táo bạo của ông cũng đã nhận nhiều chỉ trích. Các nhà phê bình cho rằng phong cách nói chuyện thẳng thắn và kế hoạch kích thích nền kinh tế của ông Kwarteng không phù hợp với thực tiễn.
Vào ngày 2/10, khi các thị trường đang quay cuồng với tin tức về việc cắt giảm thuế bất ngờ, ông Kwarteng đã xuất hiện trên truyền hình và cam kết giảm thuế nhiều hơn, khiến tình trạng thêm hỗn loạn.
Trong khi đó, đảng Bảo thủ đang tụt lại trong các cuộc thăm dò, vì cử tri lo ngại quyết định tăng lãi suất sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc trả các khoản thế chấp.
“Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Tôi đã là một nhà kinh tế học trong 50 năm và từng trải qua cuộc Đại suy thoái, nhưng chưa bao giờ thấy sự bất lực lan rộng như vậy”, David Blanchflower, cựu thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Anh, nói với Sky News.
Cuộc cải tổ dũng cảm
Quyết định đảo ngược chính sách hôm 3/10 của chính phủ Anh được xem là một động thái bất ngờ, vì ông Kwarteng nổi tiếng là người cứng rắn, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khả năng thỏa hiệp với thị trường, theo Wall Street Journal.
Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, 47 tuổi, từ lâu đã nổi tiếng với tư duy kinh tế riêng. Ông ủng hộ việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu vào năm 2016, và là một trong số những đảng viên Bảo thủ lập luận rằng Brexit là con đường phá vỡ chủ nghĩa bảo hộ.
Cựu Thủ tướng Boris Johnson lúc bấy giờ không chia sẻ chung quan điểm này, dù đã thăng chức cho ông Kwarteng đảm nhận một vị trí trong nội các.
Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và Thủ tướng Liz Truss. Ảnh: Reuters. |
Sau sự sụp đổ đột ngột của ông Johnson, ông Kwarteng đang làm việc dưới quyền của Thủ tướng Liz Truss - nhà lãnh đạo có chung tầm nhìn về thị trường tự do. Ông Kwarteng cũng là Bộ trưởng Tài chính da đen đầu tiên của Vương quốc Anh.
Những người ủng hộ vị bộ trưởng nói rằng ông đang thực hiện một cuộc cải tổ dũng cảm đối với nền kinh tế Anh, vốn bị cản trở bởi tốc độ tăng trưởng thấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Họ tin tưởng thị trường cuối cùng sẽ ổn định và chính phủ có thể tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự.
Giáo sư kinh tế học ứng dụng Patrick Minford, tại Trường Kinh doanh Cardiff, là một trong số đó. Theo ông, những lo ngại về lạm phát và tăng nợ chính phủ đã bị thổi phồng quá mức.
Ông Minford - từng là cố vấn cho cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vào những năm 1980 - cũng khen ngợi Bộ trưởng Tài chính Kwarteng và chính phủ Anh, vì đã “cố gắng hồi sinh các cải cách Thatcher bị lãng quên suốt 3 thập kỷ qua”.
Trên thực tế, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwarteng cũng chịu ảnh hưởng từ quan điểm của bà Thatcher - người đã cải tổ nền kinh tế Anh bằng cách cắt giảm các liên đoàn lao động và giảm thuế.
Ông Kwarteng từng viết một cuốn sách phân tích cách bà Thatcher cứu vãn sự nghiệp chính trị của mình vào năm 1981. Trong vòng 180 ngày, bà đã sa thải những người bất đồng chính kiến trong nội các và thúc đẩy các cải cách gây tranh cãi.
“Tôi nghĩ (quan điểm của bà Thatcher) định hình một số cách tiếp cận của tôi, nhưng lịch sử cũng dạy cho tôi rằng điều quan trọng là bối cảnh”, ông Kwarteng nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021. “Cố gắng hồi tưởng lại những năm 1970 và 1980 khi đã bước sang những năm 2020 là hoàn toàn sai lầm”.