“Bà mẹ già” ấy là nhà văn Lê Minh Hà. Từng là cô giáo dạy chuyên Văn tại trường Hà Nội - Amsterdam, Lê Minh Hà còn là tác giả của nhiều cuốn sách như: Trăng góa, Gió biếc, Những giọt trầm, Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió…
Gọi là “bà mẹ già” là bởi chị sinh Cục Mỡ khi đã ở tuổi 45. Chị hào hứng với "món quà của Thượng đế", mặc kệ căn bệnh tiểu đường type 2 và muôn sự khó khăn trong việc giữ gìn sức khỏe ở thời điểm đó.
Đan Nam (tên khai sinh của Cục Mỡ) kém anh trai Lê Nam - Cục Xương tới mười tuổi. Cậu bé Cục Mỡ bé nhất nhà, nhưng lại là nhân tố mang đến cho mọi người niềm vui, sự thú vị, hài hước, và cả những khám phá khác về bản thân.
“Bà mẹ già” của Cục Mỡ có chia sẻ rằng, cuốn sách này chỉ là những ghi chép như một cuốn nhật ký gia đình, trong đó có đầy đủ các thành viên: bố, mẹ và con cái. Tuy nhiên người đọc nhìn thấy rõ sự “thiên vị” của chị dành cho Cục Mỡ - một cậu bé từ khi có mặt trên đời đã làm mẹ của cậu trở thành “ngốc dại”: “Đan Nam yêu mẹ bằng 2, bằng 21, bằng 99, bằng 100, bằng 1000. Đan Nam yêu mẹ bằng tất cả các con số”; “Đan Nam yêu mẹ, yêu bằng tất cả các số, không có Ende. Yêu bằng cả số âm NỨA mẹ”...
Sống ở một đất nước tân tiến và vốn là một giáo viên, Lê Minh Hà rất chú ý, quan tâm đến cách giáo dục trẻ nơi đây và phương pháp dạy con của riêng mình. |
Quan điểm “đứa trẻ là một thực thể bình đẳng so với các thực thể người khác” được chị tối đa áp dụng trong cuộc sống, cư xử hằng ngày. Ngoài các phương pháp giáo dịch từ trường lớp, các kỹ năng để tự lập, cách thể hiện tình cảm với bạn bè, thế giới xung quanh… là sự kiên trì hướng dẫn, dạy dỗ hài hòa của cha mẹ để Cục Xương, Cục Mỡ biết đọc, nói và viết ngôn ngữ “mẹ đẻ” qua những bài ca dao, tục ngữ, đồng dao, thơ phú đầy ắp hình ảnh quê nhà. Vậy nên, ở cuốn sách này, người đọc có thể thấy một tâm thế hạnh phúc, vui vẻ của chị khác hoàn toàn với một Phố vẫn gió miên man, trăn trở, đầy suy tư nhung nhớ ra mắt hồi năm ngoái.
Những câu chuyện về Cục Mỡ qua gần 300 trang sách khiến người đọc tò mò về chân dung cậu bé ngoài đời. Những câu nói dễ thương, thông minh kèm theo cách ngọng những từ mang dấu sắc “cúng”, “xé”, “mớ”, “cúng”, “vấn”…, hoặc cách sắp xếp từ ngữ tiếng Việt lộn xộn đôi khi khiến bố mẹ tròn mắt ngạc nhiên tạo nên một Cục Mỡ lí lắc, hồn nhiên đáng yêu.
“- Mẹ biết gì? Đan Nam yêu mẹ vì... Mẹ được chọn. Đan Nam yêu mẹ vì...
- Vì mẹ ngốc. Nó ngốc nên nó yêu mẹ ngốc.
- Thế thì bố CÚNG ngốc.
- Đúng rồi. Thế giờ nó nói nó yêu bố mẹ ngốc thế nào đi.
- Đan Nam yêu mẹ hơn yêu bố. Không phải vì mẹ ngốc.”
Và cũng giống như bao bà mẹ khác thường gửi gắm những ước ao khát vọng của đời sau vào đứa con bé nhỏ của mình. Nhưng đơn giản và khác hơn họ rất nhiều, Lê Minh Hà chỉ giản dị thủ thỉ:“Mẹ chỉ mong từng ngày Cục Mỡ biết ao ước, biết thiết tha với cuộc sống bình thường, để biết phẫn nộ, ghê sợ trước bất kể những gì làm rạn vỡ đời sống ấy, để biết không bao giờ được vượt qua một vài giới hạn mà con người không bao giờ được phép vượt qua.
Một vài giới hạn thôi, ví dụ: không nói dối, không ỷ lại, không tìm cách giằng lấy cái không thuộc về mình. Chẳng dễ, cả nhà mình phải học từng ngày đấy. Nhưng học cái này thích hơn học theo các tấm gương, vì con sẽ được là con”.