Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chơi Liên Quân lâu năm, Tốc Chiến với tôi như cuộc thi chuyển cấp'

Tôi bắt đầu trò chơi của Riot bằng trải nghiệm biến về Bệ đá cổ hồi máu sau cuộc tử chiến với bùa xanh.

Ngày 7/12, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (Tốc Chiến) cho phép tải về tại thị trường Việt Nam. Cũng như bao người yêu thích thể loại MOBA, tôi cùng với bạn bè nhanh chóng cài đặt trò chơi mới của Riot để trải nghiệm.

Nhóm bạn của tôi đều là những người yêu thích và chơi Liên Quân Mobile từ 2018. Cá nhân tôi, chơi một tựa game MOBA trên điện thoại không phải Liên Quân thậm chí còn mang đến cảm giác có chút kỳ lạ.

'Choi Lien Quan lau nam,  toi qua kho de lam quen Toc Chien' anh 1

Tốc Chiến là cánh cổng đưa tôi lần đầu tiên bước vào thế giới LMHT. Ảnh: UHD Paper.

"Khó như thi chuyển cấp"

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tốc Chiến là dung lượng game ở mức có thể chấp nhận được. Với 2,26 GB cho ứng dụng tải về, trò chơi chiếm khoảng 2,43 GB bộ nhớ. Nếu so với Liên Quân, sản phẩm của Garena đang "ngốn" của tôi đến 3,72 GB dù bản thân ứng dụng chỉ có 615 MB.

Sau khi hoàn tất các nhiệm vụ được yêu cầu, tôi bắt đầu một ván đấu thường với vị tướng Master Yi. Thú thật, tôi chưa từng chơi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) bản PC. Sau khi thử qua chiêu thức các tướng, tôi ấn tượng với Master Yi bởi chiêu thức Tuyệt kỹ Alpha khá giống Ảo ảnh trảm của Murad - con bài "tủ" tôi thường dùng đấu xếp hạng ở Liên Quân.

Một điều khiến tôi cảm thấy choáng ngợp với Tốc Chiến, chính là số lượng phím bấm, chiêu thức dày đặc được hiển thị. Những người chơi sử dụng màn hình 4,7 inch như tôi hoặc nhỏ hơn sẽ đồng ý điều này: không dễ để mọi thao tác được như ý muốn khi chơi Tốc Chiến.

Đấy là chưa kể, phần lớn kỹ năng của trò chơi là định hướng, không phải mặc định để cứ thế tấn công đối thủ trong phạm vi nhất định.

Một vị tướng Tốc Chiến có từ 4-5 kỹ năng, bên cạnh đó là các phím kích hoạt giày, cắm mắt, tốc biến...tổng cộng có đến 11 thao tác đặt sát nhau chỉ riêng bên phải màn hình.

'Choi Lien Quan lau nam,  toi qua kho de lam quen Toc Chien' anh 2

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải bỏ chạy khỏi sự tấn công của quái rừng như thế này.

Cầm Master Yi mang trừng phạt nhưng tôi vẫn phải lên trang bị bình thường, hoàn toàn không có những Gươm Loki, Kiếm truy hồn hay Cung bão tố - món đồ chuyên dành cho vị trí đi rừng ở Liên Quân.

Kế đến, sức mạnh quái rừng của Tốc Chiến khiến tôi có chút bất ngờ. Việc "ăn" bùa xanh làm tôi cảm tưởng như đang bắt đầu ván đấu bằng việc một mình nghênh chiến Rồng hắc ám Kraydus. Không ít lần, tôi phân vân về việc có nên tiếp tục farm rừng hay trở về Bệ đá cổ chỉ để hồi máu.

Tuy nhiên, một điểm tôi yêu thích ở tựa game này chính là việc phải trở về "Tế đàn" để mua trang bị. Điều này khiến tính chiến thuật trong trò chơi được tăng đến mức tối đa. Người chơi sẽ buộc phải tính toán kỹ lưỡng để mỗi lần "về thành" đạt chất lượng tối đa.

Khi các giải đấu Tốc Chiến được mở ra, cũng sẽ không có viễn cảnh tuyển thủ bán giáp Hộ mệnh để lên trang bị khác trong thời gian chờ hồi sinh như Liên Quân.

Sau một ngày trải nghiệm game, Tốc Chiến với game thủ Liên Quân Mobile như tôi không khác mấy cuộc thi chuyển cấp khó nhằn.

Người chơi sẽ được lợi nhiều nhất

Từ khi dự án Tốc Chiến được giới thiệu, chưa bao giờ người ta thấy cộng đồng mobile game Việt Nam lại chia rẽ đến như vậy. Những tranh cãi về Tốc ChiếnLiên Quân càng nổ ra dữ dội hơn sau khi phiên bản mobile của LMHT chính thức có mặt tại Việt Nam.

Với cơ chế bùa lợi được đơn giản hóa thành "đỏ-xanh", hệ thống 2 quái vật mạnh nhất nằm ở giữa sông, cơ chế triệu hồi quái vật tấn công trụ, bản đồ đối xứng...không khó hiểu khi hai cái tên này lại bị đặt lên bàn cân mổ xẻ đến từng chi tiết.

Dù không tham gia vào những tranh cãi đang diễn ra, một cách thật lòng, tôi thích những mâu thuẫn này. Cứ nhìn vào lịch sử, ở mỗi thời kỳ có MOBA game mới xuất hiện, người hâm mộ dòng game này lại có dịp tìm hiểu hệ "gia phả" của nó qua những câu chuyện không hồi kết trên các hội nhóm.

'Choi Lien Quan lau nam,  toi qua kho de lam quen Toc Chien' anh 3

Những giải đấu eSports của Tốc Chiến trong tương lai làm đa dạng hơn thế giới MOBA mobile game. Ảnh: eSports Observed.

Đầu tiên, từ thời "nguyên thủy" với Herzog Zwei có trên hệ máy Sega Genesis năm 1989. Sau đó, là những Aeon of Strife - custom map của Starcraft, rồi đến những rường cột của eSports thế giới như Dota, LMHT.

Đây cũng là dịp để tôi biết thêm về những tựa game có cộng đồng tại Việt Nam nhỏ hơn như Extraordinary Ones, Heroes of the Storm, Smite, Marvel Super War, Marvel Future Fight...

Sự xuất hiện của Tốc Chiến cũng khiến cho làng game Việt sôi động hơn với những hoạt động đã, đang và sẽ được tổ chức. Bên cạnh đó, một lẽ tất nhiên, nhà phát hành Liên Quân cũng phải mạnh tay giải quyết nạn buff bẩn, thi đấu thiếu nghiêm túc vốn gây dấu ấn nặng nề cho tựa game này.

Với một người đã đi làm và không có nhiều thời gian chơi game như tôi, Liên Quân Mobile vẫn là sự lựa chọn ưa thích. Tôi có thể chơi trò chơi này mọi lúc mọi nơi với sự đơn giản mà nó mang đến.

Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ học cách chơi Tốc Chiến để có thể giải trí cùng những người bạn yêu thích LMHT. Và tất nhiên, những giải đấu của cả hai cái tên này vẫn là thứ đáng để tôi mong chờ trong tương lai.

Thế nào là một bình luận viên eSports chuyên nghiệp?

Yếu tố chuyên môn, kiến thức về game, đạo đức thể hiện bên ngoài trận đấu là những điều kiện quyết định sự thành công của một bình luận viên.

Đại Việt

Bạn có thể quan tâm