Mấu chốt của sự khác biệt giữa Hữu Thắng và HLV Miura là cách chọn tiền vệ trung tâm. Tuấn Anh, Xuân Trường nhiều khả năng sẽ đá chính trong trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) lúc 19h tối nay (24/3). |
Hữu Thắng mới chỉ có hơn 1 tuần cầm quân và đá tập 2 trận, với kết quả 1 hoà, 1 thắng. Quỹ thời gian ấy là quá ngắn để người hâm mộ có thể đưa ra đánh giá, và bản thân Hữu Thắng cũng thẳng thắn thừa nhận chưa phải lúc để kỳ vọng vào một sự khởi sắc nào đó…
Tuy nhiên, qua những gì đã và đang diễn ra dưới tay nhà cầm quân xứ Nghệ, chúng ta có quyền nghĩ đến một bản “vá lỗi” thành công hơn cho ĐTVN so với triều đại Miura.
Ngày 8/9/2015, trên sân Đài Loan (Trung Quốc), thầy trò Miura đã có 3 điểm ra về, nhưng ông HLV người Nhật bị chỉ trích ghê gớm vì để ĐTVN chơi một thứ bóng đá nặng nề, cục mịch và chiến thắng chỉ đến nhờ may mắn.
Hôm nay (ngày 24/3), trên sân Mỹ Đình, Hữu Thắng nhiều khả năng sẽ dùng lại đến 60% nhân sự của Miura. Thủ thành Nguyên Mạnh, trung vệ Ngọc Hải, tiền vệ Hoàng Thịnh, Thành Lương, Phi Sơn, tiền đạo Công Vinh hay Đình Tùng hoàn toàn có cơ hội ra sân.
Trong quá khứ, các HLV nội chưa để lại dấu ấn ở ĐTVN. Hữu Thắng sẽ vượt qua "dớp" thất bại? |
Nhưng sự khác biệt giữa 2 trận đấu, 2 ông thầy, 2 bộ mặt của đội tuyển là rất lớn.
Khác biệt không phải vì tâm thế giữa một thầy ngoại đang trên đà thất sủng và một thầy nội vừa lên, được trao gửi bao nhiêu hy vọng. Khác biệt không phải vì cầu thủ tâm phục khẩu phục Hữu Thắng hay bất lực, bế tắc với Miura…
Mấu chốt khác biệt nằm ở 2 vị trí tiền vệ trung tâm, được coi là trái tim cuộc “cách mạng”: Tuấn Anh – Xuân Trường.
Ai cũng biết, triết lý của Miura khác Hữu Thắng rất nhiều, nếu không muốn nói là đối lập.
Miura nghiêng về cơ bắp, tận dụng bóng bổng và dài để giải quyết tình huống nhanh, đơn giản. Trong khi đó, Hữu Thắng – với những gì nhìn thấy từ người tiền nhiệm – đã chọn giải pháp phù hợp hơn với tố chất, thói quen của cầu thủ Việt: khéo léo, tinh tế, phối hợp nhỏ và đa dạng.
Ông Thắng đôi khi dùng thuật ngữ “tiki-taka” vốn đóng đinh với Barca để diễn giải “nôm na” về tư duy chơi bóng sẽ áp dụng cho ĐTVN. Nói thế là hơi quá, nhưng đúng là ĐTVN đang xoay chuyển và thích nghi khá nhanh với ý đồ của ông Thắng.
Và trong sự “tiến hoá” ấy, bộ đôi Tuấn Anh – Xuân Trường có vị trí cực kỳ quan trọng.
Thời Miura, 2 cầu thủ này thường xuyên bị gạt khỏi cuộc chơi bởi nhiều lý do không “hợp nhãn”: xử lý bóng nhiều, kiểm soát bóng lâu, thiếu tính tranh đấu... Nhưng Hữu Thắng lại ghi nhận ở họ sự mềm mại, linh hoạt và sáng tạo, vốn là những phẩm chất rất cần để tạo nên xương sống của lối chơi “bám đất” và “lấn đất”.
Không phải ngẫu nhiên mà cặp tiền vệ đang du học nước ngoài này, dù không hề đá chính ở CLB, vẫn được Hữu Thắng trọng dụng trong cả 2 trận giao hữu với HN T&T và Than Quảng Ninh. Đích thân ông Thắng cũng bày tỏ sự hài lòng với vai trò và phong độ của họ.
Có Tuấn Anh, Xuân Trường, ĐTVN sở hữu thêm nhiều giải pháp tấn công cũng như phản công, thay vì chỉ chuyền dài vượt tuyến. Họ có thể giữ bóng chờ đồng đội dâng lên, kéo giãn hàng thủ đối phương đợi cơ hội, hoặc chọc những đường vào ngách để tạo ra đột biến…
Có Tuấn Anh, Xuân Trường, các nhân tố bám biên của ĐTVN cũng thay đổi theo chiều hướng nhanh hơn, khéo hơn. Phi Sơn, Thanh Trung, Thành Lương có thêm nhiều cơ hội, và Văn Quyết, người ta đã hiểu vì sao Hữu Thắng tiếc đến thế khi vắng mặt anh.
Một điều thuận lợi cho Hữu Thắng là trong trận đấu chính thức đầu tiên của ông, đối thủ Đài Loan không quá mạnh. Nếu là Iraq hay Thái Lan, Hữu Thắng sẽ buộc phải chọn giải pháp an toàn hơn, thay vì khai triển những nét tươi mới, phiêu lưu.
Mà chủ nhân của sự tươi mới, phiêu lưu ấy, còn ai khác ngoài Tuấn Anh, Xuân Trường – những nhân tố của thì tương lai mà chỉ xem mặt đặt tên, người hâm mộ đã có những dự cảm an lành…
Đội hình dự kiến của ĐTVN. |