Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ Tết miền Tây bồng bềnh sóng nước

Các chợ nổi ở ĐBSCL như Cái Răng, Ba Ngàn, Ngã Năm nhộn nhịp hơn hắn ngày thường những ngày qua... Thuyền bè ken đặc đến mức đi bộ từ bờ này sang bờ bên kia mà không cần đò.

Chợ nổi ngày Tết thường họp từ nửa đêm. 3h sáng tiếng ghe máy, tiếng người mua, bán mặc cả lao xao khiến khách đi chơi không thể nào ngủ thêm mà phải bật dậy khoác áo ấm lên đò ngay. Chợ nổi Ngã Năm (Thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) họp ở đoạn hợp của 5 dòng kênh được dân văn nghệ miền Tây gọi là 'Năm ngả thương hồ'. Đây là chợ xa nhất, vẫn nguyên vẹn, đậm chất sông nước nhất của ĐBSCL.
Chợ họp theo chiều dài của một đoạn kênh chừng 2 km san sát ghe thuyền. Hàng hoá ở đây chủ yếu là hàng hoa (nghĩa là trái cây, ra củ, sản vật nông nghiệp vùng sông nước). Các cây bẹo treo trên nóc ghe thứ gì thì ở đó bán thứ ấy, ví dụ như treo bưởi, mít, xoài, hành...
Những người đi chợ nổi chủ yếu là tiểu thương nghèo, mua đi bán lại mớ rau, chục trái cây kiếm lời vài chục, trăm nghìn mỗi ngày. Mùa Tết, hoạt động buôn bán tấp nập hơn. Các ghe thương hồ từ miệt Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng... mang theo hoa trái, rau củ về đây neo chờ ăn hàng đi Cà Mau, Kiên Giang bán lại.
Chợ nổi thời điểm cuối năm ghe thuyền đi lại tấp nập nhiều lúc kẹt cứng. Những bà chèo thuyền ba lá, chạy tắc ráng... va nhau chan chát nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy cãi cọ to tiếng. 'Ngày Tết ai cũng tất bật lo kiếm chút tiền sắm sang thêm cho nhà nên không có thời gian đâu mà đôi co', một phụ nữ nói.
Đến khoảng 28 tháng chạp, chợ đông đặc người. Cô Hai chèo đò bảo: 'Cứ băng từ ghe này qua ghe kia là có thể đi suốt từ đầu đến cuối chợ'.


Những chủ ghe sau khi thoả thuận giá cả với người mua tung trái dưa, bưởi... xuống. Cảnh tượng như những diễn viên tung hứng trong rạp xiếc.
Hoa ngày Tết ở chợ nổi phần nhiều là rặt vạn thọ và cúc vàng. Vạn thọ - thứ hoa của người nghèo chưng trong nhà ba ngày Tết có giá như cho (6.000 đồng một chậu).
Có những lúc không khí chợ trầm xuống. Người mua vãn hẳn khiến các chủ ghe như ngồi trên lửa. Mấy chủ ghe dưa trao đổi đầy lo lắng: 'Coi chừng năm nay phá sản quá Tư ơi, đến giờ mà chỉ bán được vài trăm coi bộ không ổn rồi'.
Chợ nổi ngày Tết là dịp làm ăn lớn của những người chèo đò. Gặp khách đi chơi chợ hay cánh săn ảnh họ có thể kiếm được 50.000 đồng/chuyến. Số tiền đó bằng thu nhập của cả một ngày bình thường.
Bà Sáu ngồi vuốt lại mấy tờ tiền kiếm được từ công chèo đò cả buổi, số tiền này đủ để bà mua sắm một chút cho gia đình ăn Tết như vài ký gạo, cặp bông vạn thọ...
Cô chủ ghe hàng tạp hoá ngồi kiểm kê lại số hàng hoá bán ra sau khi ghe cập bờ để ông xã ăn tô hủ tiếu, uống ly cà phê.
Một ghe chở hoa lo hàng hoá ế ẩm lên đường xuống Cà Mau bán cho đám ngư dân đi biển sắp sửa về ăn Tết.
Dù kinh tế khó khăn, chợ nổi cũng vẫn rộn ràng hơn, màu sắc hơn. Người dân cũng cảm thấy vợi bớt phần nào nỗi nhọc nhằn cơm áo.
Cô lái đò cũng tranh thủ mua vài món hàng sắm sửa cho gia đình đón năm mới sau một ngày cực nhọc đưa khách sang sông.
Người đàn ông mang mấy món đồ ăn sang sông làm bữa cúng tất niên cùng gia đình. Đám khách thương hồ đang buồn bã vì ế ẩm cũng gọi nhau tụ năm, tụ ba lên nóc ghe nướng miếng khô cá lai rai cùng nhau. Tết đã về bồng bềnh ở chợ nổi từ đây.

Lê Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm