Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chờ đợi có vaccine Covid-19 trong 18 tháng là quá lạc quan'

Nhiều chuyên gia cho rằng mốc thời gian 18 tháng để có vaccine ngừa Covid-19 vẫn là quá ngắn.

Giữa thời dịch bệnh bùng phát, 18 tháng hay 1,5 năm thực sự là một khoảng thời gian quá dài. Tuy nhiên với quy trình phát triển vaccine, 18 tháng chỉ như một cái nháy mắt.

18 tháng cũng là khoảng thời gian tối đa mà chính quyền Mỹ của ông Trump ấn định để ra mắt vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia miễn dịch cho rằng đó là khoảng thời gian quá ngắn, và có thể khiến cho vaccine thiếu đi sự an toàn.

bao gio co vaccine covid-19 anh 1

Bà Jennifer Haller, một trong 4 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vaccine chống chủng virus corona mới tại Mỹ. Ảnh: AP.

Vào đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên truyền hình rằng vaccine có thể sẵn sàng "trong 3 hoặc 4 tháng". Ngay sau đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID) đã đính chính rằng sẽ phải mất 12-18 tháng mới có vaccine.

Nhiều chuyên gia không đồng tình

"Ông Fauci nói sẽ mất 12-18 tháng để có vaccine, nhưng tôi nghĩ vậy là quá lạc quan. Chúng ta có thể đạt mốc đó nếu mọi chuyện đều tiến triển tốt, nhưng cũng có thể sẽ lâu hơn", Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và phát triển vaccine tại trường y khoa Baylor nhận xét.

"Khi ông Fauci nói mốc 12-18 tháng, tôi nghĩ rằng ông ấy đã lạc quan quá mức. Có lẽ chính ông ấy cũng nhận ra điều đó", Tiến sĩ Paul Offit, đồng sáng chế loại vaccine dành cho virus rota ngừa bệnh tả cho biết.

Vào ngày 16/3, Mỹ đã thử nghiệm vaccine đầu tiên trên người. Loại vaccine này được phát triển "với tốc độ kỷ lục", theo lời ông Fauci, và sẽ thử nghiệm trên 45 tình nguyện viên ở 2 bang Seattle, Atanta.

bao gio co vaccine covid-19 anh 2

Ngoài Mỹ, Trung Quốc là nước thứ hai thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: China Daily.

Dù vậy, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Vaccine thông thường phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, với số lượng người tham gia càng về sau càng tăng, cùng với thời gian cũng kéo dài hơn. Ngoài Mỹ, mới chỉ có Trung Quốc thử nghiệm vaccine trên người.

Thời gian phát triển vaccine thường được tính theo năm chứ không phải tháng.

Tiến sĩ Amesh Adalja, Đại học Johns Hopkins

"Tôi nghĩ chưa từng có loại vaccine nào trên quy mô công nghiệp hoàn thành trong 18 tháng. Thời gian phát triển vaccine thường được tính theo năm chứ không phải tháng", tiến sĩ Amesh Adalja, Đại học Johns Hopkins chia sẻ.

Để nhanh chóng thử nghiệm trên người, loại vaccine này đang chạy song song 2 giai đoạn: thử nghiệm trên người và trên động vật, theo trang web về sức khỏe Stat. Thông thường, các nhà phát triển phải hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trên động vật mới có thể thử trên người.

bao gio co vaccine covid-19 anh 3

Để nhanh chóng tạo ra vaccine cho Covid-19, các nhà khoa học đã chạy song song việc thử nghiệm trên động vật và trên người. Ảnh: Jackson Laboratory.

Tiến sĩ Emily Erbelding, chuyên gia tại NIAID cũng thừa nhận mặc dù có thể phát triển vaccine trong 18 tháng, việc đẩy nhanh tiến độ sẽ buộc các chuyên gia "bỏ qua một số dữ liệu".

"Vì chúng ta đều đang chạy đua đẩy lùi dịch bệnh, và vaccine là một phần quan trọng, mọi người có thể đồng ý chấp nhận rủi ro để nhanh chóng vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai", bà Erbelding chia sẻ.

Khó cân bằng tốc độ và sự an toàn

Thông thường với mỗi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, mọi tình nguyện viên sẽ được theo dõi kỹ lưỡng, có khi tới cả năm để các nhà khoa học có thể nắm bắt hết mọi tác dụng phụ. Với việc đẩy nhanh tiến độ, quá trình sẽ khó theo dõi và đảm bảo an toàn.

"Nếu muốn làm hết các bước, sẽ có bao nhiêu người chết vì dịch Covid-19? Đây là một quyết định rất khó khăn, vì chúng ta đang đi với tốc độ không tưởng", Walt Orenstein, cựu giám đốc chương trình tiêm chủng quốc gia Mỹ nhận xét.

bao gio co vaccine covid-19 anh 4

Một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Getty.

Mark Feinberg, Chủ tịch Sáng kiến Vaccine AIDS Quốc tế thì cho rằng nhu cầu cấp thiết của vaccine Covid-19 khiến cho việc rút ngắn thời gian thử nghiệm trên động vật là chính đáng.

Vaccine đang được thử nghiệm do công ty Moderna phát triển, dựa trên công nghệ mới. Khác với nguyên lý trước đây dùng virus đã bất hoạt hoặc bị suy yếu để làm kháng nguyên, loại vaccine mới sẽ sử dụng thông tin di truyền hay mRNA của virus. Đây có thể là loại vaccine đầu tiên phát triển từ mRNA được thử nghiệm để tiêm đại trà.

"Đây là một giải pháp rất tinh tế, và cũng là lý do họ có thể đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng, bởi chúng ta chỉ cần mỗi đoạn mã di truyền của virus. Các nhà nghiên cứu không cần phải tìm cách làm suy yếu virus, mà sẽ tạo vaccine ngay từ thông tin di truyền của chúng", ông Adalja giải thích.

Dù sao thì quá trình phát triển vaccine cũng chỉ là một phần trong việc đưa vaccine thử nghiệm đại trà. Quan trọng nhất vẫn là quá trình thử nghiệm, bởi vaccine được cấp phép sẽ tiêm cho hàng triệu người.

"Cần nhớ là chúng ta sẽ tiêm loại vaccine này vào những người khỏe mạnh, vốn không phải đối tượng có nguy cơ cao từ dịch bệnh. Do vậy, cần phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn ở mức tốt nhất", ông Offit nhận xét.

"Điều tệ nhất là tạo ra vaccine để ngừa dịch bệnh, và cuối cùng lại làm mọi chuyện tồi tệ hơn", ông Anthony Fauci thừa nhận.

bao gio co vaccine covid-19 anh 5

Dù đã thử nghiệm trên người, nhiều nhà khoa học cho rằng khó có khả năng vaccine Covid-19 kịp hoàn thành trong 18 tháng. Ảnh: AP.

Trong quá khứ từng có những ví dụ về thí nghiệm vaccine thất bại. Những năm 1960, việc thử nghiệm vaccine phòng virus hợp bào hô hấp (RSV) không những không giúp trẻ em miễn dịch với virus này, mà còn làm các triệu chứng tệ hơn.

Vào cuối thập niên 1970, nước Mỹ đã vội vàng tiêm vaccine phòng cúm lợn bất chấp khuyến cáo của WHO. Sau khi 45 triệu người được tiêm chủng, có khoảng 450 người có hội chứng Guillain-Barré khiến hệ miễn dịch tấn công các dây thần kinh, gây tê liệt cơ thể. Ít nhất 30 người đã qua đời vì loại vaccine này.

"So với các hình thức khác, nguy cơ đến từ lỗi vaccine lớn hơn. Nó còn có hiệu quả ngược là cổ vũ hình thức chống tiêm vaccine, khiến bậc cha mẹ lo ngại tiêm các loại vaccine an toàn cho trẻ", bà Keymanthri Moodley, giáo sư tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi bình luận.

Tại sao vaccine ngừa Covid-19 mất đến 18 tháng nữa để dùng rộng rãi? Khi số người chết vì virus corona tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, WHO cho biết phải mất 12-18 tháng mới có thể sử dụng vaccine rộng rãi.

Đề xuất đưa virus corona vào cơ thể người gây tranh cãi

Đề xuất gây tranh cãi về việc tình nguyện viên đưa virus vào cơ thể sẽ giúp chứng minh vaccine có hiệu quả.

Nhật Minh

Theo CNN.

Bạn có thể quan tâm