Trao đổi với Zing sáng 12/7, ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết tại chợ đã có một điểm tập kết, trung chuyển rau củ, trái cây được thành lập.
Đêm 11/7, do thương nhân chưa sắp xếp trung chuyển hàng hóa kịp nên số lượng chưa nhiều. Tối nay (12/7), số lượng hàng trung chuyển về sẽ tăng lên.
Theo kế hoạch, khu vực bãi xe container rộng gần 8.500 m2 phía sau chợ đầu mối Thủ Đức được chia làm 18 ô riêng cho 18 thương nhân lớn làm điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM.
"Thương nhân sẽ tiến hành đăng ký với ban quản lý chợ, thời gian hoạt động cụ thể sẽ bắt đầu từ 17h hôm trước đến 4h sáng hôm sau", ông Phương cho hay.
Dự kiến, nếu điểm tập kết hoạt động hết công suất, mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000 - 1.500 tấn hàng hóa rau củ quả, trái cây được giao cho các siêu thị, bếp ăn tập thể và các điểm bán tại TP.HCM.
Ông Phương cho hay, điểm trung chuyển này được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, chỉ có xe tải chở hàng từ các tỉnh về và xe tải nhỏ vào nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức mới được ra vào.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trước ngày dừng hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Tuyệt đối không có xe ba gác hay xe máy đến chở hàng. Hàng hóa về đến điểm trung chuyển phải bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay, không được ở lại trong khu vực bãi", ông thông tin thêm.
Tương tự, Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng vừa trình phương án mở điểm trung chuyển rau, củ quả lên Sở Công Thương, UBND TP.HCM và đang chờ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty, với phương án này, ban quản lý sẽ bố trí bãi tập kết rộng hơn 2.000 m2.
Các xe chở hàng sẽ được yêu cầu thực hiện nghiêm việc phân luồng, lái xe phải có test Covid-19 âm tính, nhanh chóng chuyển hàng với xe nhập và rời khỏi chợ theo luồng đã phân định.
"Tất cả người, phương tiện vào, ra chợ đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch. Nếu phương án mở điểm trung chuyển này được phê duyệt, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 100 tấn hàng rau, củ quả được trung chuyển tại chợ", ông Dũng nói.
Việc các chợ đầu mối đóng cửa, 148 chợ dừng hoạt động khiến áp lực đổ dồn lên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chia sẻ với Zing trưa 12/7, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện các chợ đầu mối chỉ mới mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chứ chưa có giao dịch trực tiếp tại đây. Tuy nhiên, các đơn vị đang khẩn trương lên kế hoạch và tiến hành các biện pháp khắc phục để sớm mở cửa trở lại.
Trước đó, ngày 11/7, UBND TP Thủ Đức cũng có văn bản yêu cầu chợ đầu mối Thủ Đức chuẩn bị 2 bãi xe, thực hiện phân chia ô, phân luồng giao thông; chuẩn bị lực lượng điều tiết, trung chuyển, không để đông người; lập sổ ghi nhật ký các trường hợp ra vào chợ; hạn chế đối với xe không được đăng ký trước, không có giấy chứng nhận phương tiện...
Để hỗ trợ, UBND TP Thủ Đức đề nghị Sở Công thương TP.HCM làm việc với Sở Giao thông vận tải TP.HCM để cung cấp QR Code ra vào thành phố cho các xe vận chuyển nông sản từ các tỉnh.
Hiện tại, cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã tạm ngưng hoạt động tại chợ vì liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Ngoài đóng cửa 3 chợ đầu mối, 148/237 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng đã phải đóng cửa.
Điều này khiến nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM giảm mạnh, một số mặt hàng như rau, củ, hải sản tăng giá mạnh. Đồng thời, gây áp lực đáng kể cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân TP.HCM.