Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chợ Bến Thành, Hồ Con Rùa hơn 100 năm trước

Nhà báo Phạm Công Luận chia sẻ tác phẩm "Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" là biên khảo sắc nét, am hiểu thành phố với tình cảm sâu nặng về Sài Gòn - Gia Định.

Cu Mai Cong anh 1

Tâm sự về tựa sách Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương, tác giả Cù Mai Công bộc bạch rằng nếu như Sài Gòn vẫn còn được gọi tên trong giao tiếp hàng ngày của người dân nơi đây, thì Gia Định đã biến mất khoảng 50 năm nay, nhưng cư dân Gia Định cũ, vẫn còn đây. Và hai chữ Gia Định, gợi lại những ký ức quá vãng về lịch sử xa xưa của Prei Nokor, của Đề Ngạn. Nói đến Gia Định, "là để nhớ, hay nói đúng hơn là để tưởng nhớ về một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch".

Tác phẩm Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những "thước phim ký ức" quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn rực rỡ, và một Gia Định của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.

"Sài Gòn là thương"

Sách được chia làm hai phần với những bài viết rời theo từng chủ đề cụ thể riêng, tạo nên những góc nhìn, lăng kính đảo chiều thời gian thú vị; để từ đó, dù đang chảy trôi trong nhịp sống hiện đại, độc giả vẫn có dịp hồi cố, hiểu thêm về vùng đất mình đang sống, hoặc chót lòng tơ vương.

Ở phần "Sài Gòn là thương", những chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo... rất đỗi quen thuộc với chúng ta, nhưng không chỉ thế. Những chợ, những hồ, những con đường còn khoác lên mình cả màu thời gian mà khi mỗi trang sách mở ra, lại thêm biết bao khám phá bất ngờ.

Bấy lâu, chợ Bến Thành trở thành biểu tượng hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến TP.HCM, nhưng tìm hiểu về ngôi chợ này, tác giả Cù Mai Công còn phát hiện thêm bao điều mà có lẽ, ít ai chú ý. Ngôi chợ được lập từ năm 1860, lúc ấy ở trên bờ Kinh Lớn, dù có nhiều tên gọi, nào chợ lớn (grand marché), chợ trung tâm (marché central), chợ Quách Thị Trang... nhưng chợ hầu như không có... bảng tên. Chỉ có thời gian ngắn bảng tên chợ Quách Thị Trang được treo nhưng rồi sau gỡ xuống. Dĩ nhiên là giờ, chợ Bến Thành đã có... bảng tên.

Ngày nay, cứ mỗi sáng ở Sài Gòn, các tiệm cà phê từ sang trọng cho đến bình dân vỉa hè, nhộn nhịp khách đứng, khách ngồi thưởng thức ly đen, ly nâu. Ngược dòng thời gian về quá khứ, sách cho biết hai quán cà phê có sớm trên đất Sài Gòn, là Café de Lyonnais trên đường Lagrandière (Lý Tự Trọng nay), và Café de Paris trên đường Catinat (Đồng Khởi nay).

Còn "đại lộ cà phê" đầu tiên của Sài Gòn, theo Cù Mai Công, chính là đại lộ Charner (Nguyễn Huệ nay). Theo Niên giám Nam Kỳ, tại đây có vô số quán cà phê như Café de Marseille, Café du Marché, Café Méridional... "Người ta đến đây không chỉ để đi chợ sáng mà còn có thể ghé uống ly cà phê, ăn bánh mì, ăn hủ tiếu, hút thuốc, đọc báo... tại vô số quán dọc hai bên đại lộ và khu vực xung quanh chợ", tác giả ghi.

Dạo chợ, thưởng cà phê, ở phần "Sài Gòn là thương", tác giả lại dẫn ta đến tiếp những tòa soạn báo xưa để giới thiệu những tờ báo có tiếng buổi đầu báo chí nước Việt như báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định báo, báo giới nữ Phụ Nữ Tân văn, báo kinh tế Nông Cổ Mín Đàm... cho thấy sự nhộn nhịp của làng báo Sài Gòn.

Sài Gòn không chỉ có cà phê, có báo, có chợ. Đất Sài Gòn đầu thế kỷ 20, còn là nơi tụ hội của anh tài. Ngay số 49 đại lộ Charner là Chiêu Nam lầu của anh em, cha con nhà yêu nước Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Ninh. Sự hiện diện của Chiêu Nam lầu kinh doanh tiệm may, khách sạn, quán ăn giữa những công ty, hàng quán của Pháp, của Hoa, của Ấn càng cho thấy tư tưởng thực nghiệp, tự cường hơn hết của người Việt; không chỉ thế, đây còn là nơi lui tới của những nhà yêu nước Bắc-Trung-Nam.

Cu Mai Cong anh 2

Tác phẩm Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương của tác giả Cù Mai Công. Ảnh: Đình Ba.

"Gia Định là nhớ"

"Gia Định là nhớ" là phần tiếp theo trong tác phẩm này với chuyện về thành quách, đường sá, kênh rạch và quy hoạch như để truy nguồn, truy gốc cho vùng đất từng một thời được vinh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông". Như chính lời tác giả tâm sự, nói tới Gia Định, là nói tới hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất này.

Dù quy hoạch Sài Gòn được người Pháp thực hiện rất chi tiết sau khi hiện diện trên vùng đất này nửa cuối thế kỷ 19, nhưng qua Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương, dấu ấn của người Việt với đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM thật đậm nét. Trong đó, không thể quên những cái tên Nguyễn Cửu Đàm, Trần Văn Học...

Qua điều nghiên bản đồ xưa, Cù Mai Công nhận thấy ba con đường Trần Quang Khải (Quận 1), Lý Chính Thắng, Kỳ Đồng (Quận 3) chạy xéo, liền mạch với nhau theo một hướng và không theo quy hoạch vuông vức của Sài Gòn thời Pháp thuộc.

Lý do sau đó được chỉ ra khi ba con đường này, vốn nằm trong kế hoạch phòng thủ, quy hoạch năm 1772 của Thống suất Nguyễn Cửu Đàm thời chúa Nguyễn gắn liền với lũy Bán Bích (mà nay đã trở thành tên đường thuộc quận Tân Phú). Lũy Bán Bích dài 8,5 km được đắp từ cầu Bông men rạch Thị Nghè, cắt đường Thiên Lý xưa và bao trọn Quận 5 tạo thành vòng cung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn để phòng thủ từ xa chống quân Xiêm quấy rối.

Trong những bản đồ Sài Gòn xưa, có nhiều bản đồ của người Pháp thể hiện quy hoạch chi tiết như bản đồ 1867, 1878, 1881, 1900... nhưng theo tác giả Cù Mai Công tiết lộ, bản họa đồ Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn theo kỹ thuật phương Tây đã được người Việt thực hiện từ năm 1815. Người đó là Trần Văn Học.

Ông Trần Văn Học đã thiết kế các trục đường chính từ năm 1790 và vẽ năm 1815 với phố xá, khu nhà ở, khu buôn bán sắp xếp theo hệ thống sông nước vùng Sài Gòn xưa. Những trục đường chính này đến nay vẫn là khung sườn của trung tâm TP.HCM.

Dẫu là đất đô hội, trung tâm của xứ Nam Kỳ xưa, Gia Định cũng vẫn còn đó trong lòng nó những vết tích tự nhiên xưa cũ của vùng sông nước, kênh rạch. Trong đó không thể thiếu rạch Nhiêu Lộc, con rạch gắn với tuổi thơ "dân Ông Tạ" mà tác giả là một thành viên qua bài "Đất khởi nguồn rạch Nhiêu Lộc".

Cu Mai Cong anh 3

Trước khi là Hồ Con Rùa quen thuộc ngày nay, nơi đây có tháp nước dựng năm 1878 cung cấp nước cho thành phố. Ảnh: Mạnh Hải/Flickr.

Hồ Con Rùa ngày nay trở thành điểm check-in quen thuộc của du khách và giới trẻ. Ghi chép về địa điểm này, kim đồng hồ được quay ngược về... cuối thế kỷ 19 khi nơi đây là tháp nước dựng năm 1878 để cung cấp nước cho thành phố cho đến khi bị phá bỏ năm 1921 thay bằng tượng Ba Hình. Tượng này năm 1956 bị hạ. Thiết kế năm 1960 và tôn tạo năm 1972 đưa Hồ Con Rùa thành một địa điểm quen thuộc của thành phố cho tới nay.

Vẫn ở phần "Gia Định là nhớ", câu chuyện quy hoạch cũng được đề cập. Từ vấn đề quy hoạch của người Pháp "đối mặt với các thách thức về quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn buổi đầu", cho đến quy hoạch Sài Gòn tùy tiện, xáo trộn trước 1975 "từ những cao ốc chọc trời đến khu ổ chuột", cũng được người viết mở trang ký ức thuật lại với độc giả để từ đó, có thêm cái nhìn đa chiều về Sài Gòn - Gia Định xưa cũ.

Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định xưa qua sách 'La Cochinchine'

Nhiều hình ảnh của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định xưa được sách 'La Cochinchine' (Xứ Nam Kỳ) in năm 1925 lưu giữ với những địa danh có điểm nhấn riêng.

Thêm yêu TP.HCM qua những trang sách

Trong mùa dịch, người yêu văn chương có thể tìm đọc những tựa sách viết về thăng trầm của Sài Gòn xưa, TP.HCM ngày nay, để thấy lòng thêm an yên, lạc quan và tự hào.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm