Nhờ những cống hiến của Andreas Vesalius, ngành giải phẫu đã có một bước tiến lớn. Ảnh: Xtec. |
Tháng 7 năm 1543, Andreas Vesalius cho xuất bản bộ sách đồ sộ, De humani corporis fabrica (Về cấu trúc cơ thể người), thường gọi tắt là Fabrica (Cấu trúc).
Bộ này gồm bảy tập, in khổ rộng, nói về bộ xương, hệ cơ, hệ tĩnh mạch và hệ động mạch, các cơ quan sinh dục và bộ máy tiêu hóa trong ổ bụng, tim và hai lá phổi, não bộ và các giác quan. Phần diễn giải chi tiết bằng tiếng Latinh đi kèm với 73 bức minh họa đẹp mắt, trông rất thật, giống y như mẫu vật còn sống. Ngành giải phẫu học đã thay đổi hoàn toàn kể từ thời điểm cuốn sách này ra đời.
Vesalius sinh tại Brussels, về sau sống tại vùng Habsburg của Hà Lan, là con trai của một gia đình khá giả: cha làm nghề bào chế thuốc dưới triều Vua Charles V, người trị vì Thánh chế La Mã; mẹ là con gái của một công chức giàu có.
Ông tận hưởng nền giáo dục suôn sẻ tại Đại học Tổng hợp Leuven (còn gọi là Louvain), thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn tiến bộ của Erasmus ở Rotterdam. Erasmus khuyến khích các môn đồ nghiên cứu sâu những bài giảng độc đáo truyền vào châu Âu từ đầu thời kì Phục hưng bằng các ngôn ngữ cổ (tiếng Latinh cổ, Hy Lạp và Do Thái cổ), chứ không dùng sách viết bằng các ngôn ngữ sàng lọc qua nhiều thế hệ các học giả Trung cổ và Hồi giáo. Việc sao đi chép lại nhiều lần e rằng khó tránh khỏi sai sót, cũng như sự phát triển ngôn ngữ có thể gây méo mó ý nghĩa.
Vesalius theo khuynh hướng của bố, rất quan tâm đến y học. Năm 1533 ông sang Paris để học một số thầy sáng giá nhất hồi đó như Sylvius, Johan Günther, Jean Fernal, những người đang áp dụng các nguyên lí của trường phái nhân văn vào tri thức y học.
Cuộc chiến tranh giữa Pháp và Thánh chế La Mã xảy ra, buộc Vesalius trở về quê nhà năm 1536, nhưng trước đó ông đã kịp “chớp” được những bước tiến rất khác thường mang cá tính của người cầm con dao mổ trong ca phẫu thuật đầu tiên của mình, trước mặt các bạn sinh viên đồng trang lứa.
Mối quan tâm của ông tới giải phẫu học được tiếp tục ở Leuven. Tại đây, đêm đêm ông ra vùng ngoại thành cùng một người bạn yêu thích giải phẫu học, thu thập và lén lút mua các khúc xương rời của xác tù nhân bị treo cổ. Hành động phiêu lưu này giúp họ thu thập được một bộ xương gần như hoàn chỉnh.
Các cuộc tiếp xúc đầy kịch tính như vậy đâu phải chuyện hoàn toàn vu vơ. Các trung tâm đào tạo y học chẳng bao giờ có được những bộ xương cho riêng mình. Và Vesalius hiểu rằng cơ thể là nguồn thiết yếu để hoàn thiện kiến thức giải phẫu. Ông làm xong khóa luận cử nhân của mình (xuất bản đầu năm 1537) và tiếp tục các tìm tòi về giải phẫu trước khi sang Italy ngay cuối năm đó.
Vesalius đến Padua vào tháng 9 năm 1537. Ngày 5 tháng 12 ông được trao tặng học vị tiến sĩ. Ông đủ tư cách để được một trong những cơ sở y khoa nổi tiếng nhất châu Âu mời về làm việc trên cương vị giảng viên phẫu thuật học và giải phẫu học. Ngay ngày đầu tiên, Vesalius đã bắt đầu biểu diễn quy trình giải phẫu trước mặt sinh viên của mình.
Đại học Tổng hợp Padua, dưới sự bảo trợ của vị tổng trấn Venice, đã trở thành tiền đồn đào tạo y học và giải phẫu học. Khoa y của trường tổ chức ít nhất một đợt phẫu thuật mỗi năm, kéo dài ba tuần trong mùa đông, nhằm thu hút các sinh viên háo hức học tập môn giải phẫu học dựa trên nền tảng quan sát.
Trước tiên là mổ phanh ổ bụng để nghiên cứu các nội quan. Tiếp đến là mổ phanh lồng ngực và các cơ quan trong đó. Rồi đến mổ hộp sọ để quan sát bộ não. Cuối cùng là săm soi tỉ mỉ tứ chi. Trật tự phẫu thuật tồn tại lâu đời này nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ tối đa cho từng xác chết, làm chậm lại quá trình thối rữa.
Vesalius thực hiện hai cải tiến phương pháp sư phạm quan trọng tại Đại học Padua mà ông đã trình bày kĩ trong bộ Fabrica. Khác với những đồng nghiệp đương thời, Vesalius tự mình cầm dao mổ, kiêm nhiệm đồng thời cả ba vai: giảng viên, trình diễn viên và phẫu thuật viên. Ông không đứng trên bục giảng, không đọc những quyển sách đặt trên bàn mà nói chuyện với cử tọa qua hành động của đôi tay.
Ông không lảng tránh mọi tài liệu giải phẫu học xưa nay, mà bằng cách tiếp cận mang tính nhân văn, ông đánh giá quyền được tôn sùng chính đáng của Galen trong thế kỉ 2, chứ không bình phẩm chê bai Galen kiểu như cuốn Anathomia (phổ cập trong thế kỉ 14) của Mondino de Luzzi. Galen từng dẫn dắt các cử toạ của mình tạo ra cái nhìn so sánh giữa những gì họ đọc và những gì họ quan sát trực tiếp.
Vesalius có đủ trải nghiệm để phát hiện những nhầm lẫn của Galen, do chỉ dựa trên giải phẫu động vật mà suy đoán cho giải phẫu người, và nêu thành các đề dẫn để sinh viên tranh luận. Tuy nhiên, khi thật cần thiết ông vẫn tiếp tục sử dụng động vật trong phẫu thuật.
Nằm trong vô số các vấn đề khó nhằn khác, phương pháp giải phẫu lần lượt từng vùng đòi hỏi việc xây dựng lại hình nghiên cứu các hệ phân bố trải rộng khắp cơ thể, như hệ tĩnh mạch và hệ động mạch, sau khi hoàn tất cuộc giải phẫu (Vesalius, theo cách của Galen, cũng chia thành hai hệ tách biệt: hệ tĩnh mạch với gan là trung tâm; hệ động mạch với tim là trung tâm).
Để trợ giúp sinh viên, Vesalius đã tạo ra các hình minh họa sống động như thật đi kèm từng phẫu thuật. Về sau, ông cho xuất bản sáu hình minh họa khổ lớn này thành sách gáy xoắn, kèm theo những lời diễn giải. Tập sách có tên Tabulae anatomicae six (Sáu bảng giải phẫu), in năm 1538, cho phép người đọc nghiên cứu cùng lúc bản chất tự nhiên và bản chất lí thuyết của cơ thể người.
Vesalius và họa sĩ Jan van Calcar, người bạn đồng hương Hà Lan, đã vẽ các bảng minh họa cho Tabulae. Jan van Calcar từng theo học đại danh họa Titian người Ý ngay tại xưởng vẽ của ông này ở Venice. Thật ngẫu nhiên, trường Đại học Padua lại ở ngay cạnh một trong những trung tâm nghệ thuật hội họa hàng đầu thế giới.
Tập Tabulae đã thành công vang dội. Ta có thể nhận thấy điều này qua việc sách lậu xuất hiện rất nhanh chóng và rộng rãi. Khâm phục việc làm của Vesalius, người ta còn gửi đến trường Đại học Padua những tử thi (của các tội phạm bị hành quyết) để ông có điều kiện giải phẫu tỉ mỉ. Tháng 1 năm 1540, ông được mời sang Bologna để trao đổi phương pháp mới của mình trong giảng dạy giải phẫu học.
Trong một lần trình diễn trước khoảng 200 cử tọa ở nhà thờ San Francesco, ông đã tranh cãi kịch liệt với giáo sư giải phẫu học Matteo Corti. Trong khi Vesalius đang cắt cơ bụng để mở bộc lộ gan, Matteo Corti vẫn mải mê đọc cuốn Anathomia của Mondino. Corti cười nhạo cách giải phẫu bằng tay và Vesalius thì công khai đính chính những nhầm lẫn của Corti, Mondino, Galen và kể cả nhầm lẫn của ông trong Tabulae: gan đâu phải có năm thùy.
Andreas Vesalius đã tạo nên những bước tiến lớn trong ngành giải phẫu ở thế kỷ XVI. Ảnh: Ancient Origins. |
Vesalius dành hai năm kế tiếp để soạn bộ Fabrica. Ông đọc lại Galen, và khi ông làm việc trên bàn giải phẫu thì luôn có một họa sĩ điêu khắc cùng làm việc ngay bên cạnh. Các hình minh họa đã biến đổi thành những nét khắc gỗ tỉ mỉ một cách đáng kinh ngạc. Thường người ta dán hình vẽ lên gỗ, sau đó thì khắc nổi các nét vẽ trên mặt gỗ. Các bản khắc gỗ đã cải tiến một cách tuyệt vời chất lượng in ấn.
Giống với các khuôn chữ cái, ta có thể chèn bản khắc gỗ vào đúng chỗ mà mình mong muốn trên trang hình. Đóng vai trò quan trọng không kém gì phần trích dẫn dày chữ bằng tiếng Latinh cổ là các hình vẽ và mối liên hệ sát sao giữa chữ và hình, tất cả cùng góp phần tạo nên danh tiếng của Fabrica.
Không ai biết được danh tính của họa sĩ (có thể là nhiều họa sĩ) từ xưởng vẽ của Titian lúc đó nhưng cũng không thể phủ nhận được những đóng góp của họ, dưới sự dẫn dắt của Vesalius, là to lớn đến nhường nào.
Trang hình đầu sách là một biểu tượng đậm nét cho khoa học giải phẫu mới của Vesalius. Ngắm trình tự sắp xếp tuyệt hảo của các bức hình bộ xương và hệ cơ người đàn ông, ai cũng xuýt xoa thán phục. Lần lượt từng người đàn ông được giải phẫu bộc lộ cơ bắp, xếp thành một toàn cảnh liên tiếp 14 tấm hình với các dáng đứng tự nhiên, tựa như bóc tách dần từng lớp, từng lớp trên một cơ thể đang còn sống vậy.
Để trông nom việc in ấn, Vesalius rời Padua đi Basle để làm việc với nhà nghiên cứu nhân văn học kiêm nhà xuất bản sách Johannes Oporinus cho đến khi hoàn tất từng trang một của bộ sách. Oporinus rất nổi tiếng vì chất lượng in ấn không có một sai sót nhỏ. Sự khéo léo của ông thể hiện ở sản phẩm cuối cùng.
Fabrica là một thành tựu lớn của chủ nghĩa nhân văn trong thời kì Phục hưng. Fabrica cũng là một món hàng hảo hạng đắt giá, không phải thứ mà sinh viên bất kì nào cũng có thể đủ tiền mua, hay nhà giải phẫu nào đang mổ xẻ với hai bàn tay bê bết máu cũng có thể mở ra tra cứu.
Trên thị trường sách, bộ Fabrica nằm chung kệ với cuốn sách cùng tác giả nhưng mỏng hơn và ít tiền hơn có tên Suor um de humani corporis fabrica librorum epitome (Minh họa cấu trúc cơ thể người dạng trang hình thu nhỏ tờ rời).
Một số trang trong cuốn Epitome này được thiết kế để tách rời ra được, có hình minh họa các bộ phận cơ thể được in trên nhiều lớp giấy, ráp lại đúng chỗ thành khuôn hình toàn thân, tạo nên dạng sách tranh giải phẫu người xếp lớp khá phổ biến vào thời đó.
Bộ Fabrica tái bản lần thứ nhất xuất hiện vào năm 1555. Vesalius dành những năm cuối đời phục vụ Hoàng đế Charles V, người mà ông dâng tặng tác phẩm quan trọng nhất của mình. Mặc dầu ông đã suy tính quay về Padua, ông chưa toại nguyện thì đã trút hơi thở cuối cùng trên đảo Zakynthos.
Bạn có thể dễ dàng đọc Fabrica mà không cần chú ý tới hàng chữ thuyết minh của nó, bởi các hình ảnh minh họa vẫn giữ được sức cuốn hút. Những cuốn giải phẫu trước thời đó dùng ít hình ảnh, mà chủ yếu chúng cũng chỉ là các giản đồ minh họa cho bài viết, nhằm trợ giúp trí nhớ hơn là biểu diễn những gì có thể thấy được trong cơ thể.
Tuy Vesalius là một thành viên của truyền thống Phục hưng về nâng cao kiến thức và thể hiện hình của giải phẫu học, tác phẩm của ông đúng là một bước tiến đột phá.
Bên cạnh việc phát hiện sai lầm ở lá gan có năm thùy, ông còn đính chính nhiều chi tiết giải phẫu khác như: cơ thể người không có “lưới mạch kì diệu” (một phức hệ mạch nhỏ liên thông sít sao các tĩnh mạch động mạch với nhau) giống ở các động vật có xương sống khác; vách ngăn tim không có những lỗ thông để máu chảy xuyên qua.
Hình minh họa của Vesalius thường xuyên được sao lại và tái sử dụng ở các y văn trong suốt 100 năm kế tiếp. Những hình ảnh y như thật có thể chỉnh sửa cho thích hợp với những kiến thức mới. Những nhà y học theo chủ nghĩa truyền thống phê phán Vesalius lúc mới 28 tuổi đã chỉ trích Galen.
Nhưng chính nhờ cách ông mổ xẻ tỉ mỉ từng bộ phận cơ thể một để tìm kiến thức giải phẫu mới ấy, thay vì chỉ đào sâu vào một cuốn sách cũ, đã giúp Vesalius tạo ra những thành tựu y học vang dội khắp châu Âu.
Vesalius đã mang lại cho giải phẫu học phương pháp xem xét tự nhiên tỉ mỉ và cẩn trọng, về sau được áp dụng rộng rãi vào các bộ môn khoa học khác như thực vật học hay địa lí học. Bộ Fabrica cũng giúp ta xác định lại và đổi mới cách thức giảng dạy, học tập và suy nghĩ về những gì nằm bên dưới lớp da của chúng ta lâu nay.