Tại một khu chợ bán đồ tươi sống ở Thượng Hải, bà Ran dễ dàng tìm mua những con gà mái còn sống để nấu ra món canh hoàn hảo.
Những chợ như vậy có ở mọi khu phố, ở mọi nơi trên khắp Trung Quốc, là điểm đến quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống thường ngày.
Nhưng một chợ bán đồ tươi sống như vậy, ở thành phố khác mang tên Vũ Hán, lại đang là tâm điểm một cuộc điều tra, nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của đợt bùng phát virus viêm phổi lạ gây chết người.
Chợ bán hải sản ở Vũ Hán được cho là nơi khởi nguồn của dịch viêm phổi do virus lạ. Ảnh: AFP. |
Không gian chật hẹp giữa người và gia cầm
Theo các thông tin chính thức, tính đến nay hơn 200 người đã nhiễm virus corona và 4 người đã tử vong. Virus này đang gây ra lo ngại lớn vì nó có thể liên quan đến virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc cuối năm 2002, lây nhiễm tới 8.000 người và làm tử vong 775 người trên toàn cầu, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong.
Còn được gọi là 2019-nCoV, loại virus corona mới này được phát hiện lần đầu ở những người đã tới mua đồ hoặc làm việc tại khu chợ ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Căn bệnh có thể đã lây từ động vật trong chợ sang người. Nguyên nhân có thể do người đi chợ tiếp xúc trong không gian quá hẹp với động vật, thịt tươi sống.
Trung Quốc đã làm nhiều trong việc theo dõi, phát hiện các bệnh truyền nhiễm kể từ dịch SARS, và thắt chặt kiểm soát việc mua bán các động vật ngoại lai (SARS được cho là được lan truyền bởi con cầy hương).
Nhưng những khu chợ bán đồ tươi, có thể tạo môi trường cho mầm bệnh, vẫn phổ biến và không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
“Gà vừa giết thịt ngon hơn nhiều so với thịt đông lạnh trong siêu thị, nếu muốn làm món canh hoàn hảo”, Ran, người phụ nữ 60 tuổi ở Thượng Hải, nói với Bloomberg. “Vị của nó đậm hơn”.
Chợ bán đồ tươi ở Thượng Hải vẫn tấp nập với hơn một trăm khách đang chọn gà, để đưa sang quầy kế bên giết mổ. Ngoài bán những đồ thông thường như hải sản, lợn, hoa quả và rau, chợ còn bán những con vật lạ như rắn hay sóc đất, nhưng phải bán một cách lén lút.
Quầy giết mổ gia cầm cho khách tại một chợ ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng Wang Yuedan, giáo sư miễn dịch học tại trường y của Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc thích ăn thịt tươi không qua kiểm soát chặt chẽ, hoặc đến từ hoang dã “làm Trung Quốc có nguy cơ bị những đợt bùng phát mới do người và con vật ở quá gần nhau”.
“Đại dịch Ebola cũng vậy, có nguyên nhân là do con người ăn thịt động vật từ rừng châu Phi”, giáo sư nói với Bloomberg.
Virus có thể tiếp tục đột biến trong thời gian dịch bệnh
Một số ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận ở Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số ca ở Trung Quốc đang tăng nhanh, và dịp Tết Nguyên Đán với hàng trăm triệu người về ăn Tết có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn nữa.
Và tất nhiên để chuẩn bị cho Tết, người Trung Quốc sẽ phải đi chợ nhiều để mua nguyên liệu nấu ăn.
Takeshi Kasai, giám đốc phụ trách Tây Thái Bình Dương của tổ chức Y tế Thế giới, nói với Bloomberg rằng dù virus corona đáng lo ngại, có thể nó không gây tử vong nhiều như SARS, và dù có dấu hiệu lây từ người sang người, việc lây lan không quá dễ dàng.
Gà còn sống được bày bán trong lồng tại một chợ ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Bloomberg. |
“Nếu lây nhiễm mạnh như virus cúm, chúng ta đã thấy nhiều ca nhiễm hơn trên khắp Trung Quốc và trên thế giới”, Raina MacIntyre, giáo sư về an ninh sinh học ở Đại học New South Wales. “Tuy vậy, virus vẫn có thể đột biến và thay đổi khi dịch bệnh diễn biến”.
Trung Quốc từng chứng kiến những đại dịch chết người. Đại dịch cúm gia cầm tại châu Á năm 1957, do chủng virus H2N2 trên vịt hoang dã, đã làm tử vong tới 2 triệu người trên thế giới, theo WHO.
SARS được cho là đã lây từ dơi sang người thông qua con cầy hương và một số con vật khác trong chợ bán đồ tươi. Hai chủng virus cúm gia cầm trong thập kỷ qua cũng có thể đã bắt nguồn từ chợ và trang trại nuôi ngỗng, theo Bloomberg.
Công nhân phun thuốc phòng dịch SARS ở ga tàu Bắc Kinh tháng 5/2003. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc đã tiến xa kể từ dịch SARS. Trung Quốc đã phải cách chức Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là Trương Văn Khang, sau khi WHO chỉ trích ông che đậy và báo cáo thấp số ca nhiễm SARS. Dịch SARS cho thấy Trung Quốc chuẩn bị kém thế nào trước bệnh truyền nhiễm.
Kể từ đó, cảnh sát và cơ quan quản lý đã trấn áp việc mua bán ngầm động vật hoang dã, cấm săn bắt, buôn bán các loài có nguy cơ, quý hiếm và được bảo vệ. Chính phủ cũng lập ra mạng lưới các phòng lab để phát hiện bệnh truyền nhiễm. Tình cờ là phòng lab hiện đại nhất nằm ở Vũ Hán.
Quầy bán cá ở tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Bloomberg. |
Sự đô thị hóa nhanh chóng và lượng người, hàng hóa lưu thông lớn đồng nghĩa với dịch bệnh bùng phát hàng tuần trong khu vực Tây Thái Bình Dương, theo WHO.
Ngoài việc phải kiểm soát dịch bệnh ở một đất nước có diện tích khổng lồ, Trung Quốc cũng đang đối phó với dịch tả lợn châu Phi, tuy không hại con người nhưng đã làm kiệt quệ ngành chăn nuôi lợn.