Nạn nhân mới nhất là một người đàn ông 89 tuổi, đổ bệnh ngày 13/1 và nhập viện trong tình trạng khó thở 5 ngày sau, theo thông cáo sáng sớm 21/1 của Ủy ban Y tế Vệ sinh Vũ Hán. Ông qua đời vào ngày hôm sau.
Thông cáo cho biết bệnh nhân này có tiền sử các bệnh tiểu đường, cao huyết áp và bệnh động mạch vành.
Hiện có 169 người đang được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, trong đó có 35 trường hợp nghiêm trọng, 9 trường hợp nguy kịch, cũng theo thông cáo. Ngoài ra, đã có 25 trường hợp được ra viện.
Một phụ nữ đeo khẩu trang đi qua một cảnh báo về dịch bệnh ở Vũ Hán ở sảnh đến sân bay Haneda, Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Virus lạ tiếp tục lây lan
Đợt bùng phát virus corona đang gây ra lo ngại lớn vì nó có thể liên quan đến virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc cuối năm 2002, lây nhiễm tới 8.000 người và làm tử vong 775 người trên toàn cầu, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong.
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ họp ở Geneva ngày 22/1 để quyết định liệu có tuyên bố đợt bùng phát virus này là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp cần được quốc tế quan tâm” (PHEIC) - một tình trạng chỉ được tuyên bố cho những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất.
Thông tin về ca tử vong thứ tư càng gia tăng lo ngại, trong bối cảnh virus corona tiếp tục lây lan ở Trung Quốc và một số nước, và một chuyên gia chính phủ Trung Quốc cho rằng virus này có thể lây từ người sang người.
Tổng số người bị chẩn đoán nhiễm loại virus lạ này ở Trung Quốc đã tăng lên 218 người, AFP đưa tin sáng 21/1. Trong đó, 198 ca là ở Vũ Hán, theo thông cáo từ chính quyền thành phố.
Bắc Kinh phát hiện 5 ca mới, trong khi ở Thượng Hải, một phụ nữ 56 tuổi trở về từ Vũ Hán phải nhập viện và đang ổn định. Hơn một chục ca khác được phát hiện ở tỉnh phía nam Quảng Đông. Cuối tuần qua ở Vũ Hán có 136 ca mới, AFP dẫn thông tin từ truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV.
Hàn Quốc ngày 20/1 cũng thông báo phát hiện ca đầu tiên - một phụ nữ 35 tuổi trở về từ Vũ Hán. Thái Lan và Nhật Bản trước đó đã xác nhận tổng cộng ba ca bệnh - tất cả đều trở về từ Vũ Hán.
Đa số các ca bệnh mới được phát hiện ở các thành phố khác, nước khác là ở người vừa trở về từ Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Khả năng lây nhiễm từ người sang người?
Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm ra nguyên nhân lây nhiễm. Một chợ hải sản ở Vũ Hán được cho là tâm điểm của đợt bùng phát.
Nhưng ông Chung Nam Sơn, chuyên gia có uy tín của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, người từng phơi bày mức độ thực của dịch SARS, cho biết các bệnh nhân có thể nhiễm bệnh dù chưa hề tới Vũ Hán.
“Hiện tại, có thể nói chắc chắn có hiện tượng lây nhiễm từ người sang người”, ông nói với đài CCTV.
Ở Quảng Đông, có hai bệnh nhân bị nhiễm bệnh thông qua người nhà vừa trở về từ Vũ Hán, ông giải thích. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân virus corona cũng nhiễm bệnh.
Cơ quan y tế thành phố Vũ Hán cho biết trên Weibo rằng 15 nhân viên y tế bị chẩn đoán mắc viêm phổi, và có 1 ca khả nghi. Trong số đó, 1 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, WHO cho biết động vật có vẻ là “nguồn nhiều khả năng nhất”, và “có sự lây nhiễm giới hạn từ người sang người khi tiếp xúc gần”.
Lần đầu lên tiếng về virus corona, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh và đặt sức khỏe người dân lên trên hết.
Ông cho biết cần phải “công bố thông tin về dịch bệnh một cách kịp thời và hợp tác quốc tế một cách chặt chẽ”, ông Tập nói trên CCTV, theo AFP.
Ông Chung dự đoán số ca nhiễm loại virus gây viêm phổi này sẽ tăng trong Tết Nguyên Đán, khi mà dòng người đi lại khổng lồ sẽ diễn ra ở Trung Quốc. Nhưng ông cũng tự tin vào khả năng kiểm soát virus.
Vũ Hán có 11 triệu dân và là đầu mối giao thông lớn của Trung Quốc, nhất là trong dịp Tết, khi mà hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ về thăm gia đình. Trong tuần tới, sẽ có 2.131 chuyến bay từ Vũ Hán tới các thành phố khác, 205 chuyến bay ra nước ngoài, nhiều nhất là tới Thái Lan với 54 chuyến, AFP dẫn số liệu từ trang flightradar24 cho các ngày 20-27/1.
Dòng người đi lại khổng lồ về ăn Tết có nguy cơ làm gia tăng số ca nhiễm loại virus gây viêm phổi lạ. Ảnh: AFP. |
Nhưng đe dọa từ virus không làm chậm không khí về nhà ăn Tết, dù nhiều người đeo khẩu trang ở các ga tàu đông đúc tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Theo dõi tin tức, tôi cảm thấy lo lắng. Nhưng tôi chưa làm gì để đề phòng ngoài việc đeo khẩu trang”, Li Yang, một nhân viên phụ trách khách hàng 28 tuổi, đang về vùng Nội Mông phía bắc Trung Quốc để ăn Tết, nói với AFP.
Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học tại Trung tâm Phân tích Bệnh truyền nhiễm Toàn cầu thuộc Đại học Imperial College ở London cảnh báo trong một bài viết ngày 17/1 rằng số ca bệnh ở Vũ Hán có thể lên tới 1.700, cao hơn nhiều so với con số chính thức, theo AFP.
Chính quyền Vũ Hán cho biết đã đặt máy đo thân nhiệt hồng ngoại ở sân bay và ga tàu, bến xe khắp thành phố. Các hành khách có triệu chứng sốt được ghi nhận, phát khẩu trang và đưa tới các cơ sở y tế.
Ở Hong Kong, giới chức y tế cho biết đã mở rộng việc kiểm tra đối với mọi hành khách đến từ tỉnh Hồ Bắc, chứ không chỉ Vũ Hán, vốn là thủ phủ của Hồ Bắc.