Từ tháng 6, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến quản lý đất đai, tài chính, kinh doanh, xuất nhập khẩu...
Đổi cách tính giá điện sinh hoạt với người thuê nhà
Thông tư 9/2023 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 15/6 quy định giá điện áp dụng với sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải hộ gia đình).
Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm cung cấp thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện của người thuê nhà để làm căn cứ xác định số người tính định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. Khi có thay đổi số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký hợp đồng (có cam kết thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức.
Bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Bốn người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức.
Cách tính giá điện đối với người thuê nhà sẽ thay đổi. Ảnh: EVN. |
TP.HCM tăng phí làm hồ sơ nhà đất
Nghị quyết về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM hiệu lực từ 1/6.
Nghị quyết này quy định tăng mức phí giao dịch đảm bảo khi cá nhân, tổ chức làm hồ sơ thế chấp, xóa thế chấp, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hồ sơ cấp mới, đổi, cấp lại trước đây do thành phố bù ngân sách từ nay sẽ thu phí.
Trong đó, mức tăng thấp nhất là 1,26-1,7 lần với nhóm thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mức tăng cao nhất là 90 lần với thủ tục xóa đăng ký giao dịch đảm bảo của tổ chức.
Mức thu giao dịch đảm bảo đối với cá nhân là 80.000 đồng (thế chấp) và 20.000 đồng (xóa thế chấp) sẽ tăng lên lần lượt là 630.000 đồng và 900.000 đồng. Đối với tổ chức, mức phí mới là 1,5-1,8 triệu đồng mỗi hồ sơ.
Với phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại chuyển nhượng hồ sơ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư hiện là 650.000- 950.000 đồng sẽ tăng lên 820.000 đồng-1,4 triệu đồng. Đối với loại cấp mới, đổi, cấp lại hiện không thu do ngân sách bù, thành phố sẽ thu 650.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi hồ sơ.
Việc thu phí được khuyến khích thực hiện theo hình thức không tiền mặt như nộp qua thẻ thanh toán Visa, Mastercard, chuyển khoản.
Bảng thu phí và thông tin hệ thống tài khoản tiếp nhận phí (kèm mã QR) được niêm yết tại bộ phận một cửa của Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM và 22 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc.
100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử
Theo Quyết định số 13 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, từ 1/6 việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính được thực hiện thuộc phạm vi tiếp nhận của bộ phận một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo). Đồng thời, 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Không dùng hình ảnh bác sĩ để bán hàng đa cấp
Có hiệu lực từ ngày 20/6/2023, Nghị định số 18/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo quy định mới, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng, không phải là người tham gia bán hàng đa cấp.
Đồng thời, Nghị định số 18/2023 cũng bổ sung thêm điều kiện: Trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định một trường hợp không được bán hàng đa cấp gồm người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp. Quy định cũ chỉ quy định người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam. Ngoài ra, người đang chấp hành hình phạt tù; có tiền án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, cán bộ, công chức... không được bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng bị yêu cầu không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Quyết định số 13/2023 của Thủ tướng đã quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ 1/6.
Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.