Hệ thống y tế Mỹ đang chật vật vì thiếu hụt nguồn nhân lực trong khi số ca bệnh và ca tử vong do Covid-19 liên tục tăng cao. Thuê nhân viên y tế từ nước ngoài có thể là một giải pháp “cứu nguy” kịp thời nếu chính quyền của Tổng thống Trump tạo điều kiện thuận lợi cho phương án này.
Công ty Vintage Health Resource Inc., bang Tennessee (Mỹ) chuyên tuyển dụng nhân viên y tế từ Philippines để hỗ trợ các bệnh viện ở Mỹ. Giám đốc Melanie N. Bechkham cho biết đơn vị mới tuyển dụng thành công hơn 100 y tá từ Philippines.
Những y tá này đã vượt qua các vòng thi đánh giá chuyên môn và ngoại ngữ, hoàn thành quy trình kiểm tra lý lịch và sẵn sàng tới Mỹ làm việc. Tuy nhiên, hồ sơ xin thị thực liên tục bị trì hoãn hoặc từ chối là điều cản bước họ.
Kể từ khi Tổng thống Trump thắt chặt công tác quản lý vấn đề nhập cư, y tá Philippines gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình nhập cảnh. Bloomberg dẫn thông tin từ bà Bechkham cho biết khoảng 50% đơn ứng tuyển của nhân sự nước ngoài bị hoàn trả và đòi hỏi bổ sung giấy tờ dưới thời ông Trump trong khi số liệu này chỉ ở mức 5% thời Tổng thống Obama nắm quyền.
“Nếu như các y tá đều nhiễm bệnh, ai sẽ là người chăm sóc bệnh nhân đây?”, trích tuyên bố hôm 24/3 của công đoàn Y tá Quốc gia. Trong bối cảnh Mỹ đang bị “bão” Covid-19 nhấn chìm, việc bổ sung nhân lực nước ngoài càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở Adelaide. Ảnh: Getty Images. |
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Do hệ thống y tế quá tải, các bang chịu thiệt hại nặng nề ở Mỹ đành gấp rút đi tìm quân tiếp viện. Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom đang cân nhắc sửa đổi quy định để cấp phép khẩn cấp cho sinh viên điều dưỡng. Trong khi đó, Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo kêu gọi y tá đã về hưu quay trở lại làm việc.
Theo chủ tịch Hiệp hội Tuyển dụng Nhân viên y tế Quốc tế, bà Shari Dingle Costantini, các công ty thuộc hiệp hội đã tuyển dụng thành công 12.000 y tá từ Philippines và nhiều nước khác. Những y tá này sẵn sàng nhận việc nhưng lại không thể đặt chân vào nước Mỹ. “Y tá của chúng tôi đạt đủ mọi tiêu chí và sẵn sàng giúp đỡ nước Mỹ. Nhưng họ không thể vì không có visa” bà Costantini chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều bệnh viện tại Mỹ thiếu hụt nhân viên điều dưỡng từ trước đợt bùng phát dịch Covid-19. Theo báo cáo năm 2018 của dịch vụ Moody’s Investors, các bang miền Nam và miền Tây bao gồm Florida, Georgia, Texas và California đang ở trong tình trạng khan hiếm nhân lực y tế trầm trọng nhất.
Y tá Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế Boston hôm 20/1. Ảnh: Getty Images. |
Đơn ứng tuyển bị từ chối
Theo Cục Thống kê Lao động, dân số Mỹ già hoá kèm theo tỷ lệ các bệnh mạn tính gia tăng là những yếu tố góp phần vào nhu cầu tăng nhanh của xã hội dành cho ngành điều dưỡng.
Nguồn nhân lực từ Philippines có thể là phao cứu sinh cho Mỹ, theo ông Leo-Felix M. Jurado, trưởng Khoa Điều dưỡng của ĐH William Paterson kiêm thành viên Hiệp hội Y tá Philippines. Ông này cho biết có khoảng 150.000 y tá từ Philippines đang làm việc tại Mỹ.
Năm 2019, Mỹ cấp visa EB-3 (visa nhân viên điều dưỡng) cho khoảng 5.100 người Philippines, tương đương 1/3 số liệu của năm 2015. “Chính quyền Trump đang gây khó khăn cho người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Mỹ” bà Costantini nhận xét.
Động thái hôm 26/3 của Bộ Ngoại giao cho thấy Mỹ đang cố gắng nới lỏng luật lệ để cải thiện tình hình. Trong một tuyên bố mới đây, bộ này khuyến khích các chuyên gia, nhân viên y tế đáp ứng đủ điều kiện làm việc tại Mỹ, nhất là những người muốn hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19, nên đặt lịch hẹn với đại sứ quán gần nhất.
Ngoài Mỹ, Anh cũng có chính sách nhập cảnh cản trở quá trình bổ sung nhân lực khẩn cấp. Cuộc bỏ phiếu cho tiến trình Brexit năm 2016 là một yếu tố khiến Anh thiếu hụt hàng nghìn nhân viên điều dưỡng tới từ các nước trong khối EU.
Vấn đề toàn cầu
Giờ đây, đại dịch Covid-19 gây thêm nhiều khó khăn khiến các quốc gia như Mỹ, Anh khó tiếp cận với nguồn nhân lực từ nước ngoài. Lệnh phong toả để ngăn virus lây lan biến việc di chuyển giữa các nước trở thành một thách thức, nhiều nhân viên y tế không thể tới những nơi đang cần được giúp đỡ.
Australia, một quốc gia thiếu hụt nhân viên điều dưỡng, cũng đang dốc sức tìm thêm nhân lực bổ sung cho hệ thống y tế. Thủ tướng Scott Morrison cho hay chính phủ nước này sẽ nới lỏng quy định làm việc với 20.000 sinh viên quốc tế theo học ngành điều dưỡng.
Trong khi đó, chính phủ Philippines cũng mong muốn giữ chân nhân viên y tế khi cuộc khủng hoảng sức khoẻ đang đến gần. Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello mới đây yêu cầu việc triển khai nhân lực ngành điều dưỡng của Philippines tới các nước khác được giám sát chặt cho đến khi kiểm soát được đại dịch.
Ông Rustico Jimenez, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Philippines cho biết, nước này đang thiếu hụt khoảng 23.000 y tá, điều dưỡng. Do không cạnh tranh được với thị trường nước ngoài về lương bổng, các bệnh viện trong nước sẽ bù đắp cho nhân viên y tế bằng những đặc quyền như chương trình đào tạo hay nhà ở miễn phí.