Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính quyền đối lập ở Myanmar kêu gọi nổi dậy chống quân đội

Chính quyền đối lập kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại quân đội vào ngày 7/9, đồng thời đề ra một chiến lược thúc ép các quan chức của chính quyền quân đội rời khỏi vị trí.

Duwa Lashi La, Chủ tịch của Chính quyền Thống nhất Quốc gia (NUG), cho biết trong một bài phát biểu rằng chính phủ đối lập, bao gồm các thành viên lưu vong hoặc đang ẩn náu, đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2, gây ra làn sóng phản đối của những người ủng hộ dân chủ. Hàng trăm người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình. Những đại biểu dân cử, những người đáng ra đã nhậm chức vào ngày 1/2, đã tập hợp lại, từ đó bầu lên NUG.

Một số người chống đối sự cai trị của quân đội đã thành lập các nhóm vũ trang, lấy tên là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, và liên minh với một số nhóm dân quân của các tộc người thiểu số, vốn coi quân đội Myanmar là kẻ thù của họ.

tinh hinh Myanmar anh 1

Những người lính đứng cạnh xe quân sự khi mọi người tụ tập phản đối cuộc binh biến ở Yangon, Myanmar vào ngày 15/2. Ảnh: Reuters.

Với tuyên bố phát động một "cuộc chiến tranh để phòng vệ", Duwa Lashi La kêu gọi một "cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị".

Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự của Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing hồi tháng 8 đã đảm nhận vai trò thủ tướng trong một chính phủ mới được thành lập và cam kết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2023.

Chính quyền quân đội đã tuyên bố coi NUG và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân là các nhóm khủng bố.

Trong bài phát biểu gồm 14 ý của mình, ông Duwa Lashi La cho biết các quan chức do quân đội chỉ định nên "ngay lập tức rời khỏi vị trí của mình", đồng thời kêu gọi các thành viên của lực lượng an ninh tham gia cùng họ và các lực lượng dân tộc ở khu vực biên giới tấn công quân đội.

Ngay sau cuộc chính biến vào tháng 2, một phong trào nổi dậy đã được thành lập nhằm chống lại sự cai trị của quân đội.

Các lực lượng dân quân được thành lập khẩn cấp cũng đã tham gia vào các cuộc giao tranh thường xuyên với quân đội mặc dù chủ yếu hoạt động độc lập. Trong khi đó, không rõ mức độ phối hợp giữa các lực lượng dân tộc đã chiến đấu với quân đội trong nhiều thập kỷ là bao nhiêu.

ASEAN đã và đang dẫn đầu những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt bạo lực và mở ra một cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân đội và những người chống lại họ.

Đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar, Erywan Yusof, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Kyodo rằng quân đội đã chấp nhận đề xuất của ông về việc đình chiến cho đến cuối năm nay để đảm bảo phân phối viện trợ nhân đạo.

Một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và một thành viên khác của NUG nói rằng chính quyền không đáng tin cậy để thực hiện một thỏa thuận như vậy.

Phát ngôn viên quân đội không trả lời các yêu cầu bình luận từ Reuters về lệnh đình chiến được ghi nhận hoặc bài phát biểu của NUG.

Đặc phái viên ASEAN muốn gặp bà Aung San Suu Kyi

Đặc phái viên của ASEAN về vấn đề Myanmar cho biết vẫn đang tìm cách tiếp cận bà Suu Kyi, cũng như đàm phán với quân đội về chuyến đi của ông tới nước này.

Quân đội Myanmar kéo dài thời gian nắm quyền

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar cho biết sẽ tổ chức bầu cử và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 8/2023, tức kéo dài thời gian nắm quyền của quân đội.

Việt Linh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm