Đề xuất ngân sách quốc phòng Tổng thống Joe Biden sắp trình lên Quốc hội trị giá 715 tỷ USD. Đây là một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm đối phó với thách thức mà Trung Quốc mang lại, cho thấy cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh đang là ưu tiên số một của Nhà Trắng, theo South China Morning Post.
Các ưu tiên của gói chi tiêu 715 tỷ USD
Chính quyền Tổng thống Biden hiện chưa công bố danh mục chi tiết các khoản chi tiêu trong kế hoạch ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, bản tóm tắt dài 58 trang được Nhà Trắng đưa ra hôm 9/4 cho biết Mỹ cần tập trung vào những khoản đầu tư "khả thi và có trách nhiệm".
"Đề xuất ngân sách ưu tiên nhu cầu đối phó với mối đe dọa mà Trung Quốc mang lại, trong bối cảnh đây là thách thức hàng đầu của Bộ Quốc phòng", bản tóm tắt có đoạn.
Tăng cường khả năng tấn công tầm xa là một ưu tiên của đề xuất ngân sách quốc phòng mới. Ảnh: Quân đội Mỹ. |
Theo những thông tin đã được công bố, các ưu tiên trong chi tiêu quốc phòng bao gồm cải thiện "sức mạnh các hạm đội hải quân", "chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân" và "tăng cường năng lực tấn công tầm xa hiện có".
Bản tóm tắt của Nhà Trắng cũng đặt ra nhu cầu "phát triển và thử nghiệm năng lực tấn công siêu thanh", cùng với đầu tư vào "những công nghệ đột phá giúp thúc đẩy sự đổi mới và làm nền tảng cho phát triển những năng lực phòng thủ thế hệ tiếp theo".
"Tận dụng Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và phối hợp với các đối tác, đồng minh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như NATO, Bộ Quốc phòng sẽ bảo đảm rằng Mỹ có thể xây dựng các khái niệm, vị thế và năng lực cần thiết để đương đầu với các thách thức", bản tóm tắt cho biết.
Dù các chi tiết trong đề xuất còn chưa rõ ràng, giới lập pháp Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng bình luận về những gì đã được công bố. Hiện có cả những chỉ trích cũng như lời khen ngợi dành cho đề xuất của Nhà Trắng.
Quốc hội Mỹ sẽ có tiếng nói cuối cùng, quyết định số tiền mà Lầu Năm Góc có thể được phân bổ.
Hạ nghị sĩ Ro Khanna, một đảng viên Dân chủ cấp tiến của California, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, chỉ trích ý định mở rộng ngân sách quốc phòng của Tổng thống Biden là điều "đáng thất vọng".
"Chúng ta nên quay lại mức của thời Obama, thay vì đổ thêm tiền vào các nhà thầu quốc phòng đục khoét cùng những dự án lãng phí", Hạ nghị sĩ Khanna viết trên Twitter.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ohio Mike Turner, một thành viên khác của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, lại có quan điểm trái ngược, cho rằng chi tiêu quốc phòng cần mức tăng 3-5% khi xét tới tỷ lệ lạm phát.
"Tuy nhiên, ngân sách 'khiêm tốn' mà Tổng thống Biden đề xuất không đáp ứng được mức tăng này, và điều đó có thể dẫn tới cắt giảm một số chương trình thiết yếu", Hạ nghị sĩ Turner nói.
"Tôi cảm thấy lạc quan khi chính quyền Tổng thống Biden có ý định ủng hộ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, nhưng trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Iran ngày càng tăng, bất cứ động thái cắt giảm quốc phòng nào cũng sẽ gây lo ngại", ông Turner cho biết.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Anthony Brown đánh giá đề xuất của Tổng thống Biden "phản ánh thực tế an ninh toàn cầu".
"Một ngân sách quốc phòng dồi dào cho phép Mỹ và các đồng minh cùng nhau duy trì mức độ răn đe cần thiết vì hòa bình và ổn định, chống lại những lực lượng xét lại như Trung Quốc và Nga, cùng các đối tượng bất hảo như Triều Tiên, Iran hay các mạng lưới khủng bố", ông Brown bình luận.
Trong lá thư gửi tới những nhân vật có thẩm quyền ở Quốc hội, Quyền giám đốc Văn phòng Ngân sách và Hành chính Nhà Trắng Shalanda Young cho biết kế hoạch ngân sách quốc phòng đầy đủ sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Cần chờ các chi tiết của đề xuất
Đề xuất ngân sách quốc phòng là bước đi mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang tận dụng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để kêu gọi gia tăng đầu tư liên bang và ban hành luật pháp sâu rộng.
Trung Quốc là yếu tố đứng sau kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD được Nhà Trắng công bố tuần trước.
"Các bạn có nghĩ Trung Quốc ngồi chờ chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, hay nghiên cứu và phát triển? Họ không đợi chờ đâu. Thay vào đó, họ đang mong nền dân chủ Mỹ trở nên chậm chạp, quá hạn chế và chia rẽ để bắt kịp họ", Tổng thống Biden phát biểu hôm 7/4.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. |
Hôm 8/4, các lãnh đạo lưỡng đảng tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện công bố dự luật mới có tên Cạnh tranh chiến lược 2021 giới thiệu chiến lược đối phó với Trung Quốc, trong đó có những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào quan chức Bắc Kinh.
Dự luật Cạnh tranh chiến lược 2021 cũng đề ra các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan, đồng thời thách thức mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động quân sự của Trung Quốc đại lục, cũng như các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.
Eric Sayers, cựu cố vấn của Đô đốc Harry Harris, người từng là tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc, cho biết những chi tiết sơ lược trong đề xuất ngân sách mới được công bố bước đầu cho thấy những điểm hứa hẹn.
"Đề cương ngân sách có những ưu tiên chiến lược nhắm vào Trung Quốc, đóng tàu, tấn công tầm xa và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Nhưng chúng ta sẽ cần chờ đề xuất chi tiết để đánh giá mức độ ưu tiên trong các lĩnh vực này", ông Sayers nói.
Ông Sayers cho rằng việc đề cập trực tiếp tới Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương - sáng kiến được thiết kế nhằm ứng phó với các mối đe dọa của quân đội Trung Quốc trong thập niên 2020 - là điều đáng hoan nghênh.
"Nhưng điều quan trọng sẽ nằm ở các chi tiết của đề xuất ngân sách, thể hiện cam kết thực sự của Lầu Năm Góc đối với Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương", ông Sayers nhận định.