Nghị định 89/2019/NĐ-CP mới được Thủ tướng ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tạo thêm thuận lợi không chỉ cho các doanh nghiệp thành lập hãng hàng không mà cả doanh nghiệp tham gia đầu tư sân bay.
Cụ thể, Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ bãi bỏ điều 13 của Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh cảng hàng không, sân bay.
Một trong 2 điều kiện của điều 13 là phải được Bộ trưởng Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương trong các trường hợp thành lập doanh nghiệp cảng hàng không; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nghị định 89 cũng đưa ra mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không là 100 tỷ đồng. Trong khi đó, quy định cũ yêu cầu 100 tỷ chỉ là vốn tối thiểu nếu kinh doanh cảng hàng không nội địa. Trường hợp kinh doanh cảng hàng không quốc tế, doanh nghiệp phải có vốn tối thiểu 200 tỷ đồng.
Riêng điều kiện tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không được giữ nguyên.
Ở Việt Nam, mới chỉ có duy nhất cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) do doanh nghiệp tư nhân là Sun Group đầu tư, khai thác toàn bộ hạng mục. Đây được xem là lực đẩy thu hút xã hội hóa đầu tư sân bay.
Việt Nam mới có duy nhất một cảng hàng không do tư nhân đầu tư 100% là sân bay Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, 21 sân bay còn lại đều do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) với 95% vốn Nhà nước khai thác, vận hành. ACV cũng đang được Chính phủ đề xuất chỉ định thầu xây dựng siêu sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính 4,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ACV còn được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư xây dựng nhà ga T3 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng và đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Trước đó, đã có một số doanh nghiệp tư nhân lên tiếng muốn đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn nhất gồm Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP, hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn FLC.