Việc điều chỉnh giá điện sẽ là một bài toán khó đối với các cơ quan ban ngành. Ảnh: Việt Linh. |
Trong Nghị quyết số 50 ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới dựa theo quy định của pháp luật.
Trước đó vào đầu tháng 2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02 về khung giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng từ ngày 3/2.
Theo quyết định này, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; khung giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). So với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Khung giá bán lẻ điện bình quân là cơ sở để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Sau khi có kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng trong năm 2023. Giá bán lẻ điện bình quân sẽ là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng.
Cụ thể, ông Hòa cho biết cơ chế điều chỉnh sẽ căn cứ vào các thông số đầu vào. Nếu thông số đầu vào tăng từ 3% trở lên, giá bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng. Ngược lại, nếu thông số đầu vào giảm, giá bán lẻ cũng sẽ hạ xuống.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nhận định việc đặt ra mức giá bán điện là một vấn đề khó.
“Nếu thực hiện theo nguyên tắc của Luật Giá và phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện, mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện tại”, ông Thỏa bình luận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng mức điều chỉnh này có thể tạo ra những tác động khá mạnh. Điều này đến từ việc mức điều chỉnh giá điện 15% có khả năng gây ra lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành, nhất là những ngành sử dụng nhiều điện. Ví dụ, giá thành sản xuất thép có thể tăng 0,9%, giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%, dệt may tăng khoảng 1,95%.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,2 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2021 là 1.855,5 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.