Suốt một tháng qua, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi xảy ra tình trạng cát xây dựng khan hiếm. Giá cát tăng đột biến gây khó khăn cho các dự án đang triển khai thi công cũng như đời sống của người dân.
Tài xế xe tải Đình Chương (ngụ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), cho hay trong vòng một tháng, giá cát mua tại mỏ ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức đã tăng từ 150.000 lên 250.000 đồng/m3.
Doanh nghiệp chậm làm thủ tục khai thác mỏ cát
"Tùy theo quãng đường vận chuyển, mỗi mét khối cát đến với công trường dự án hoặc đến nhà dân tăng lên đến 350.000 đến 400.000/m3 cát", anh Chương nói.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, từ cuối năm 2022 đến quý I/2023, địa phương tổ chức đấu giá thành công 12 mỏ cát với trữ lượng dự báo khoảng hơn 4 triệu m3. Tuy nhiên đến nay, chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác. Nguyên nhân là các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác các mỏ cát chậm làm thủ tục khai thác, dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Hiện chỉ một mỏ cát ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức đang khai thác với công suất 59.000 m3/năm.
Mỏ cát ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định không có tình trạng găm hàng để tạo ra tình trạng khan hiếm và tăng giá cát. Cát khan hiếm là do các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ đã chậm làm thủ tục để khai thác, dẫn đến mất cân đối cung - cầu.
"Để xảy ra tình trạng sốt cát xây dựng như thời gian qua là quá vô lý. Thực tế là doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá khai thác rất chậm trễ trong làm thủ tục để được cấp phép. Sở Tài nguyên và Môi trường phải chấn chỉnh tình trạng này. Riêng các mỏ đã đấu giá thành công, nếu trong ba tháng nữa chủ mỏ vẫn chưa hoàn tất các thủ tục thì sẽ hủy kết quả đấu giá”, ông Minh nói.
Tìm giải pháp 'giải nhiệt' khan hiếm cát
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, cho biết thêm tổng trữ lượng cát tại các mỏ đã được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá thành công vượt rất xa so với nhu cầu dự báo của thị trường trong năm 2023 và năm tiếp theo.
Trong số các mỏ đấu giá vào cuối năm 2022, mỏ Vạn Xuân 2 (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) sẽ được cấp phép khai thác vào tháng 4. Đến tháng 5 tới, Sở tiếp tục có 3 mỏ khác ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà đưa vào khai thác nhằm "giải nhiệt" tình trạng khan hiếm cát.
Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi trúng đấu giá mỏ cát nhưng chậm làm thủ tục, đưa vào khai thác. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trong 2 tháng tới, thị trường sẽ được bổ sung thêm khoảng 200.000 m3 cát, cộng với các mỏ đang vận hành với tổng trữ lượng khoảng 230.000 m3 nữa mới cơ bản giải quyết được tình trạng khan hiếm cát xây dựng.
Để đảm bảo tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã khoanh định một số vị trí với trữ lượng trên 600.000 m3 để tham mưu UBND tỉnh cấp chỉ định cho nhà thầu thi công nếu cần, theo đúng Luật Khoáng sản.
Ngoài ra, Sở cũng khảo sát thêm 6 mỏ cát ở hai huyện Mộ Đức, Sơn Hà với trữ lượng dự báo trên 500.000 m3 và đang triển khai lấy ý kiến 3 mỏ trên địa bàn huyện Tư Nghĩa với trữ lượng khoảng gần 300.000 m3.
Nếu đưa tất cả 9 mỏ này vào đấu giá, cộng với những mỏ đã đấu thành công trước đây thì gần như địa phương nào ở Quảng Ngãi cũng có mỏ cát, lượng cát bổ sung cho thị trường đạt hơn 5 triệu m3 cát.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...