Trấn Thành, Đại Nghĩa, Việt Hương, Trường Giang và Chí Tài (từ trái qua) trong Ơn giời, cậu đây rồi!. - Ảnh: Đông Tây |
Thành công với chất lượng của phim Thần tượng một cách đầy bất ngờ, đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã khiến cho dự án Chàng trai năm ấy được quan tâm một cách đặc biệt ngay từ khi công bố.
Câu chuyện phim lấy cảm hứng từ cuộc đời yểu mệnh của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh là một điểm đặc biệt của Chàng trai năm ấy, nhưng người được chọn đóng vai Đình Phong (hình ảnh của Wanbi Tuấn Anh trên phim) mới thật sự gây tranh cãi.
Bởi thời điểm đó, Sơn Tùng M-TP đang dính nghi án đạo nhạc và là tâm điểm của những tranh cãi bất tận trên các trang mạng về âm nhạc. Ngay trong buổi họp báo công bố dự án, đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã tuyên bố không ai được gây sức ép với Sơn Tùng vì đây là diễn viên của bộ phim mà anh sắp quay “các bạn phải thương bộ phim chứ...”.
Chàng trai năm ấy rồi cũng xong và ấn định ngày ra mắt, nhưng một lần nữa Sơn Tùng M-TP lại (gián tiếp) đem đến một rắc rối lớn: Chắc ai đó sẽ về - bài hát đinh của Đình Phong trong phim này lại dính nghi án đạo nhạc.
Chuyện nghiêm trọng hơn khi Cục điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất chứng minh sự không vi phạm bản quyền với bài hát này mới cấp giấy phép phát hành phim.
Nhưng trong họa có phúc, phải chăng thế nên phim dù bị trễ hẹn thì vẫn rất đông khán giả, doanh thu của phim nhanh chóng vượt qua con số 50 tỷ đồng - một phần thưởng xứng đáng cho một tác phẩm điện ảnh được làm trẻ trung, dễ thương và cảm động.
Dù thế, rắc rối chưa phải là đã hết với phim này khi dường như xui xẻo không chịu buông tha. Người quản lý cũ của Wanbi Tuấn Anh đã khá phẫn nộ khi lên tiếng trên một tờ báo cho rằng, đoàn phim đã thiếu tôn trọng Wanbi Tuấn Anh...
Và ngay khi phim vẫn còn đang trụ rạp, bản quay trộm đã được đưa lên các trang chia sẻ phim ảnh miễn phí... Ứng xử của đạo diễn Nguyễn Quang Huy là im lặng. Nguyễn Quang Huy đang chuẩn bị kịch bản cho dự án phim mới, tất nhiên một êkip đã cùng anh đi qua hai dự án phim thành công sẽ đồng hành cùng anh.
Hari Won và Sơn Tùng trong phim Chàng trai năm ấy - Ảnh: ĐPCC |
Chưa khi nào những chương trình mang yếu tố hài lại tưng bừng trên truyền hình như hiện nay. Trong đó, chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! nổi bật hẳn với bốn cái nhất.
1. Chương trình hài duy nhất mà người chơi không được biết trước kịch bản. Họ tham gia vào tình huống mà hoàn toàn không biết mình sẽ hóa thân nhân vật nào, diễn ra sao và những gì sẽ xảy ra.
2. Một trong những chương trình truyền hình có giá quảng cáo cao nhất. Tuy không cao bằng đêm chung kết Gương mặt thân quen (giá quảng cáo đêm chung kết Gương mặt thân quen là 370 triệu đồng/spot quảng cáo 30 giây), nhưng Ơn giời, cậu đây rồi! với số tập nhiều hơn (ba tập cuối với giá 350 triệu đồng/spot quảng cáo 30 giây) đã mang lại cho nhà đài và nhà sản xuất nguồn thu không hề nhỏ.
3. Một trong những chương trình truyền hình có số lượng người xem trên YouTube cao nhất, thường xuyên đạt con số 3-5 triệu lượt người xem/chương trình. Rating (lượng người xem trên truyền hình trong cùng một thời điểm) của chương trình này cũng thường xuyên đạt ngưỡng cao nhất.
4. Gây tranh cãi nhiều nhất. Thu hút đông đảo khán giả và quảng cáo nhưng Ơn giời, cậu đây rồi! cũng là chương trình nhận được phản ứng trái chiều nhiều nhất.
Người khen chương trình vui, hấp dẫn nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng một số tập phát sóng gây phản cảm bởi các nghệ sĩ thiếu kiềm chế, tạo nên những câu thoại hay hình ảnh không hay trên màn ảnh nhỏ...
Năm 2015, khi bước vào mùa hai, hy vọng Ơn giời, cậu đây rồi! sẽ được sàng lọc kỹ hơn nữa để không lọt sóng những hình ảnh quá lố.
Khởi đầu xu hướng nhạc kịch
Dù sân khấu gần như đang trên đà... đi xuống từ nhiều năm nay, nhưng có thể nói sàn diễn trong năm qua đã dần thành hình một xu hướng mới là nhạc kịch.
Tác giả và đạo diễn đang ăn khách nhất hiện nay Bùi Quốc Bảo cho hay: “Khi các thể loại như kinh dị, kịch hài... không đem đến sự mới mẻ cho khán giả nữa thì theo quy luật tự nhiên, những hình thức khác sẽ ra đời để bắt kịp thị hiếu của họ”.
Còn NSƯT Trần Minh Ngọc khẳng định: “Nhạc kịch sẽ là xu hướng mới của sân khấu trong tương lai”.
Thật ra nhạc kịch đã bắt đầu nhen nhóm ở Sài Gòn tại sân khấu Idecaf từ nhiều năm trước với các vở như Trái tim nhảy múa, Ngàn năm tình sử và một số vở diễn do các nhóm kịch nước ngoài tại VN trình diễn theo phong cách Broadway.
Bắt đầu từ năm 2013, xu hướng này trở lại với sự ra đời của nhóm kịch Buffalo cùng các vở nhạc kịch trẻ trung, sinh động như Chicago, High school musical.
Dù vừa diễn vừa... bù lỗ, nhưng nhóm Buffalo vẫn quyết tâm làm nhạc kịch và đã tạo nên ấn tượng đầu tiên với vở Vũ nữ nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn, truyền thông và khán giả.
Vở diễn này cũng giúp tác giả trẻ Nguyễn Khắc Duy giành giải tác giả kịch bản xuất sắc của giải Cù nèo vàng 2014.
Sân khấu 5B được xem là cái nôi đỡ đầu cho nhạc kịch khi trở thành địa điểm diễn chính cho các nhóm Buffalo và Red Stage trong mô hình hợp tác xã hội hóa. Từ mô hình này, các vở kịch khác như Tuyết đỏ, Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố đã lần lượt ra đời góp phần tạo nên một kịch mục mới mẻ và hấp dẫn cho khán giả.
Tuy nhiên công bằng mà nói, nhạc kịch VN vẫn chưa thể gọi là nhạc kịch thật sự và đúng chuẩn quốc tế bởi những thiếu thốn về mặt cơ sở vật chất, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cùng khả năng ca diễn và nhảy múa “sống” của diễn viên.
Vì vậy để có thể có được một vở nhạc kịch thật sự, các nhà hát và các nhóm sân khấu đang phải đi từng bước trên một lộ trình dài.
Sân khấu Idecaf cũng vừa trở lại với nhạc kịch qua vở kịch tết Sơn ca không hót với rất nhiều những màn ca hát, nhảy múa. Sân khấu Sao Minh Béo có vở Giai điệu tình yêu cũng mang hơi hướm nhạc kịch công diễn vào dịp tết.
Năm qua, đạo diễn Hoa Hạ đã có một cuộc thử nghiệm thành công với vở nhạc kịch Cây bàng vuông gây xúc động. Đạo diễn Nguyễn Bông Mai ở Hà Nội cùng với ê-kíp nghệ sĩ người Thái Lan phối hợp dàn dựng vở nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng đậm chất bi tráng của những đêm rừng Trường Sơn.
Sau những thành công bước đầu, tác giả và đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy đang ấp ủ sẽ dựng một vở nhạc kịch lịch sử ra mắt khán giả vào năm 2015.