Về chuyện này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) kết luận với Zing: "Đúng là trò lố".
Bởi lẽ, tên phim Hào quang rực rỡ - The King chưa chắc đã được duyệt nếu xin cấp phép phổ biến ngoài rạp. Nhưng do đây mới chỉ là công bố dự án, khó thành tên chính thức nên Đàm Vĩnh Hưng làm vậy như một chiêu trò để thu hút truyền thông và tranh luận trái chiều từ dư luận.
Trò lố truyền thông của Đàm Vĩnh Hưng
Từ trước đến nay, tên của Đàm Vĩnh Hưng luôn gắn liền với những ồn ào, tranh cãi. Không phải ngoại lệ, một tuần qua, nam ca sĩ tiếp tục trở thành tâm điểm truyền thông khi chọn cái tên Hào quang rực rỡ - The King cho bộ phim tiểu sử đầu tiên về cuộc đời mình.
Ngoài cụm từ “hào quang rực rỡ”, “The King” (vị vua - tạm dịch) nhận phản ứng, chỉ trích dữ dội từ phía khán giả. Đông đảo công chúng cho rằng Đàm Vĩnh Hưng ngạo mạn, ngông cuồng khi tự xưng mình là "vua". Trong khi giới quan sát nhận định đây là một hành động có chủ ý, nằm trong sự tính toán.
"Sự kệch cỡm, háo danh mà nhiều người bình luận chỉ đúng một phần. Đàm Vĩnh Hưng thừa biết sẽ bị dư luận phản ứng. Ở góc độ truyền thông, đây chỉ là một chiêu trò PR cho dự án. Bằng chứng là ngay sau họp báo, sự kiện này nằm trong top tìm kiếm và thảo luận trên mạng. Khen hay chê đều có lợi cho Đàm Vĩnh Hưng”, một chuyên gia trong ngành giải trí nói với Zing.
Những năm trở lại đây, tên tuổi của Đàm Vĩnh Hưng không còn sức hút trên thị trường so với khoảng 10 năm trước. Các sản phẩm mới nhìn chung không thành hit, có lượt nghe khiêm tốn ngay cả khi kết hợp với nghệ sĩ trẻ.
Dù vậy, trong những live show gần đây hoặc khi ra mắt sản phẩm Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp vẫn biết cách thu hút truyền thông, đôi khi lấy những câu chuyện đời tư để PR cho dự án, thay vì tập trung cho chất lượng sản phẩm.
Đàm Vĩnh Hưng cũng nhiều lần gắn với những phát ngôn gây sốc, ồn ào, hành xử kém văn minh trong quá khứ.
Trở lại với Hào quang rực rỡ - The King, gần một tuần sau khi công bố dự án và nhận sự phản ứng dữ dội từ công chúng, Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp thông báo thay đổi tên phim.
Trong thông cáo báo chí gửi truyền thông, Đàm Vĩnh Hưng đẩy "quả bóng" trách nhiệm cho đạo diễn, nhà sản xuất bộ phim. Cụ thể, ca sĩ nói: "Đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm quyết định tên phim cũng như câu chuyện họ muốn kể thông qua góc nhìn điện ảnh dựa trên kho tư liệu mà Hưng cung cấp".
Tuy nhiên, phát ngôn của Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục gây tranh cãi. Trên mạng xã hội, khán giả thắc mắc lý do Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp không lên tiếng phản hồi về tên gọi bộ phim ngay sau khi bị phản ứng. Họ cho rằng nam ca sĩ cố tình chiêu trò, thu hút truyền thông trong thời gian dài để đánh bóng cho dự án.
Đàm Vĩnh Hưng kệch cỡm
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) - cho hay việc Đàm Vĩnh Hưng công bố "The King" trong dự án phim tiểu sử hay cả khi nam ca sĩ thay đổi tên gọi đều nằm trong chiến lược truyền thông.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, ở góc độ nào, Đàm Vĩnh Hưng cũng đáng bị chỉ trích. "Đó chỉ là trò lố của nam ca sĩ", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
"Khi Đàm Vĩnh Hưng làm bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình gồm cả sự nghiệp, hoạt động xã hội, anh ta luôn tự nhận mình ở vị trí số một. Nếu nói số một, đứng đầu, chắc hẳn không đủ oai phong. Vì thế, ở dự án này, Đàm Vĩnh Hưng tự phong danh hiệu cho mình là The King. Đó có thể xem như sự ngộ nhận, đồng thời cũng là sự thách thức không chỉ với giới showbiz mà còn với cộng đồng xã hội", Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) nêu quan điểm.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình chỉ ra vấn đề của tên gọi Hào quang rực rỡ - The King đến từ việc Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp không gắn hai chữ "The King" với một định ngữ phía sau để làm rõ khái niệm nên dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến phạm trù về văn hóa, lịch sử.
"Ví dụ, anh ta có thể tự xưng là vị vua của giới trẻ, của âm nhạc... Hai chữ vị vua đứng cộc lốc không kèm theo định ngữ phía sau thể hiện sự kệch cỡm. Trong trường hợp này có điều gì đó không rõ ràng, làm lẫn lộn các hệ giá trị mà người ta nghĩ về Đàm Vĩnh Hưng. Phải chăng Đàm Vĩnh Hưng đang lẫn lộn về việc tự lượng giá mình và tự đánh giá trước khán giả", vị này nhận định.
Trên thế giới, phim tiểu sử chỉ dành cho những người thực sự tầm vóc
Trên thế giới, làm phim tiểu sử (biographical film) là hướng đi không mới nhưng chỉ bắt đầu nở rộ từ đầu thập niên 2010, nhất là sau sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt tác phẩm như The King's Speech (2010), The Wolf Of Wall Street (2013), The Greatest Showman (2017),…
Đặc biệt, thành công vang dội của Bohemian Rhapsody (2018) càng tiếp tục chứng tỏ sức hút của dòng phim tiểu sử. Kể về cuộc đời giọng ca huyền thoại Freddie Mercury (nhóm Queen), tác phẩm hiện giữ kỷ lục là phim tiểu sử có doanh thu cao nhất mọi thời đại, đạt hơn 910 triệu USD phòng vé. Không chỉ thành công thương mại, dự án cũng được giới phê bình đánh giá cao với 4 tượng vàng Oscar và hàng chục giải thưởng lớn nhỏ.
Linh hồn của các tác phẩm thuộc dòng phim tiểu sử, tất nhiên phải là nhân vật chính. Những người được chọn làm phim thường phải là những tên tuổi có sức nặng, đạt tầm ảnh hưởng lớn đối với văn hóa đại chúng (pop culture).
Họ thường đã lên đến đỉnh cao của danh vọng như trường hợp của Elvis Presley – được mệnh danh là “ông hoàng của dòng nhạc Rock & Roll”, hay Aretha Franklin nổi tiếng với biệt hiệu “nữ hoàng nhạc soul”. Một điểm chung nữa với các nhân vật trong phim tiểu sử, đó là họ thường đều đã qua đời.
Hollywood chọn điện ảnh như một công cụ để khán giả được dịp gặp lại các thần tượng đã mất trên màn ảnh rộng. Thông qua những cuốn phim tiểu sử, người xem có cơ hội hiểu rõ hơn về những góc khuất trong thế giới ngôi sao, khóc cười cùng số phận từng người nổi tiếng, đồng thời nhìn lại chiều dài lịch sử gắn với đời họ.
Tất nhiên, các nhân vật được chọn thường có tiểu sử gian truân dù từng nếm trải vinh hoa, phú quý. Đơn cử như Whitney Houston, đến nay vẫn có không ít khán giả tiếc thương cho sự ra đi của bà khi chỉ mới 48 tuổi. Hay như chuyện đời nhiều bi kịch của Judy Garland, chỉ kể thôi cũng đủ khiến người nghe ứa nước mắt.
Hơn hết, thế giới làm phim tiểu sử để tôn vinh các huyền thoại. Nên nếu chẳng may hình ảnh các minh tinh, tài tử bị bóp méo hay xây dựng thiếu chính xác, tác phẩm sẽ dễ tạo những làn sóng tẩy chay như trường hợp của Blonde (2022) - kể về những góc khuất của Marilyn Monroe.
Chính vì khó khăn và không hề dễ nuốt, phim tiểu sử luôn là thách thức đặt ra đối với các nhà làm phim lẫn diễn viên. Được chọn hóa thân một người nổi tiếng trên màn bạc là niềm vinh dự để đời, nhưng cũng là một bài toán hóc búa đối với bất kỳ ai.
Thế giới âm nhạc qua những cuốn sách
Năm 1981, nhóm nhạc ở Anh gồm hai thành viên Andrew Ridgeley và George Michael được thành lập với tên gọi Wham!. Chỉ trong thời gian 1982-1986, Wham! đã vang danh vì bán được hơn 28 triệu bản thu trên toàn thế giới.
Ký ức đầy cảm động về ban nhạc huyền thoại ngày ấy được kể lại trong cuốn hồi ký của Andrew Ridgeley. Mới đây, bản tiếng Việt của sách với tiêu đề Wham! - George & tôi: Hồi kí có mặt tại Việt Nam nhân dịp 5 năm ngày mất George Michael và 37 năm ngày phát hành bản nhạc Last Christmas nổi tiếng của ban nhạc này.