Kể từ khi bị bắt giữ tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của phía Mỹ, đội ngũ pháp lý của giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu gần như chỉ tập trung vào một lập luận đơn giản: liệu yêu cầu bắt giữ bà Mạnh của phía Mỹ có hợp pháp hay không.
Nhưng vào tháng 5 vừa qua, một thẩm phán Canada đã tuyên bố rằng quá trình dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ có thể được tiếp diễn, và một giai đoạn mới đã mở ra trong cuộc chiến pháp lý giữa "công chúa Huawei" và Washington.
Theo AFP, những tài liệu mới được nộp cho thấy một chiến lược mới đang hình thành, đó là phía bà Mạnh chuyển sang cáo buộc Tổng thống Trump "hủy hoại" cơ hội để bà Mạnh có một phiên tòa công bằng. Ngân hàng HSBC cũng là một mục tiêu khác.
Bà Mạnh Vãn Châu rời phòng xử án tại Toà tối cao bang British Columbia ở Vancouver hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: AP. |
Giai đoạn quan trọng
Những tuần sắp tới được coi là thời gian quan trọng để đội ngũ luật sư của bà Mạnh chuẩn bị lời lẽ bảo vệ thân chủ trước những cáo buộc của Mỹ. Cáo trạng năm 2019 cho rằng bà Mạnh và Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - đã có giao dịch và làm ăn với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với quốc gia Vùng Vịnh này.
Các công tố viên Mỹ cho biết Huawei thực hiện việc này thông qua Skycom Tech, một công ty được đăng ký ở Hong Kong mà Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc là công ty con của Huawei được "ngụy trang".
Mỹ cho biết các nhân viên của Skycom dùng địa chỉ email và bảng tên của Huawei. Dàn lãnh đạo của công ty này cũng là những nhân sự của Huawei, bao gồm cả bà Mạnh, người thừa nhận từng có chân trong hội đồng quản trị của Skycom.
Huawei cũng từng có thời điểm sở hữu cổ phần của Skycom, nhưng sau đó bán số cổ phần này cho một công ty khác - đơn vị mà Mỹ cáo buộc thực chất cũng là một công ty do Huawei kiểm soát.
Cáo trạng cho rằng bà Mạnh đã che giấu tất cả những điều này với HSBC - ngân hàng đối tác lâu năm của Huawei, cùng với một số ngân hàng khác, khiến các tổ chức tài chính này có nguy cơ vô tình vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Vào năm 2013, bà Mạnh đã có buổi thuyết trình với các lãnh đạo HSBC sau khi ngân hàng Anh yêu cầu một lời giải thích từ Huawei vì lo ngại các vấn đề liên quan đến giao dịch giữa Skycom và Iran.
Bà Mạnh khi đó nói rằng Skycom đơn thuần chỉ là "một đối tác kinh doanh" ở Iran và các thương vụ của Huawei không vi phạm tiêu chuẩn toàn cầu hay luật pháp Mỹ.
"Những tuyên bố này là sai", cáo trạng của Mỹ cho hay.
Các luật sư của bà Mạnh cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một sự can thiệp chính trị vào vụ án, và ông Trump rất có thể sẽ can thiệp nếu bà Mạnh được dẫn độ tới New York. Ảnh: Reuters. |
Trong những tài liệu mới được công bố tuần này, đội ngũ luật sư của bà Mạnh phủ nhận việc thân chủ của mình có bất cứ hành vi dối lừa nào.
Các hồ sơ bào chữa mới cho rằng vụ án đã bị "đầu độc" bởi những tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, và đội ngũ luật sư của giám đốc tài chính Huawei cho rằng việc này có thể coi như một sự can thiệp chính trị.
Hướng chỉ trích vào ông Trump và HSBC
Cụ thể, ông Richard Peck, một trong những luật sư của bà Mạnh, trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vẫn diễn ra hôm 12/12 năm 2018, 2 tuần sau khi bà Mạnh bị bắt, rằng ông sẽ "chắc chắn can thiệp (vào vụ án của bà Mạnh) nếu như ông thấy rằng điều đó là cần thiết" cho cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Các luật sư của bà Mạnh cho rằng ông Trump có tiền sử can thiệp vào những vụ án diễn ra tại Mỹ để phục vụ lợi ích chính trị của mình, trong đó có việc tha bổng cho đồng minh Roger Stone và cựu cố vấn an ninh Michael Flynn.
"Trong hồ sơ ban đầu của họ, các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất ông Stone nên bị kết án 7 đến 10 năm tù. Tổng thống Trump công khai không đồng ý với quyết định đó... Ngày hôm sau, Bộ Tư pháp điều chỉnh mức án theo hướng giảm nhẹ, phù hợp với dòng tweet của tổng thống", đội ngũ luật sư của bà Mạnh chỉ ra.
Đội ngũ luật sư cũng hướng sự chú ý vào HSBC, nêu rằng vào năm 2012 ngân hàng này từng thoát các cáo buộc của Mỹ do có liên quan đến hoạt động rửa tiền cho các băng đảng ma tuý Mexico, cũng như từng vi phạm lệnh cấm vận Iran trước đó.
Khi đó, HSBC phải nộp số tiền phạt 1,9 tỷ USD, sửa chữa những sai lầm để tránh những vi phạm khác. Luật sư của bà Mạnh cho rằng HSBC biết thừa các hoạt động của Huawei-Skycom với Iran nhưng vẫn chấp nhận giao dịch và sau đó tuyên bố họ là nạn nhân bị lừa để tránh sự trừng phạt của Mỹ.
Hồi tháng 2, Mỹ đã đưa ra các cáo buộc bổ sung với bà Mạnh, Huawei và một số công ty con của tập đoàn này về một chiến dịch "kéo dài hàng thập kỷ" nhằm đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ.
Cáo trạng cho biết Huawei trao tiền thưởng cho các nhân viên thực hiện hành vi trộm cắp như vậy, cũng như tuyển dụng các nhân viên của công ty khác cho mục đích tương tự.
Kể từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ vào năm 2018, tập đoàn Huawei đã phải hứng chịu nhiều biện pháp cấm vận của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Huawei bác bỏ các cáo buộc này, gọi chúng là "không có cơ sở", mặc dù những cáo buộc này sẽ không được xem xét trong phiên toà hiện tại diễn ra ở Canada.
Bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Bà đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver. Vụ bắt giữ bà của chính quyền Canada và yêu cầu dẫn độ của Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và hai quốc gia này xấu đi nhanh chóng.
Vụ xét xử bà Mạnh dự kiến sẽ kéo dài sang tận năm 2021, nhưng việc kháng cáo có thể làm cho quá trình xét xử kéo dài hơn nữa.