Chính phủ Anh vừa tuyên bố sẽ cấm mua các linh kiện 5G từ Huawei sau cuối năm nay, và sẽ loại bỏ các thiết bị Huawei hiện có, từ nay đến năm 2027.
Quyết định này biến Canada thành nước cuối cùng trong nhóm hợp tác chia sẻ tình báo Five Eyes (tạm dịch: Ngũ Nhãn) - có thêm Mỹ, Australia và New Zealand - ra quyết định có cho phép Huawei tham gia 5G hay không.
“Giờ đây rất khó để chính phủ Canada có thể đồng ý cho lắp đặt 5G của Huawei”, Charles Burton, cựu cố vấn tại đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh và nhà nghiên cứu tại Viện MacDonald-Laurier, nói với South China Morning Post.
Thủ tướng Justin Trudeau (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị G20 năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Ông Burton nói “dự định” của chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau là chấp thuận cho Huawei tham gia mạng thế hệ mới 5G, và chính phủ vẫn chịu sức ép từ các nhóm vận động hành lang (lobby) của Trung Quốc về vấn đề này.
Dù vậy, động thái của Anh khiến Canada “rất khó có thể quyết định khác hẳn so với các đối tác của chúng tôi trong nhóm chia sẻ tình báo Five Eyes”. Ngoài ra, còn có các lo ngại từ cựu quan chức tình báo Canada và dư luận Canada.
Ông cho rằng chính quyền sẽ phải quyết định ngăn Huawei, và có lẽ sẽ phải sớm ra tuyên bố.
Các thăm dò cho thấy đa phần người Canada phản đối việc cho Huawei tham gia hạ tầng Internet 5G của nước này.
Mario Canseco, giám đốc một công ty thăm dò dư luận, cho rằng cuộc chiến dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu khiến ý kiến của dư luận trở nên cứng rắn hơn với Huawei.
Bà Mạnh bị bắt ở sân bay Vancouver, Canada tháng 12/2018, theo yêu cầu của giới chức Mỹ muốn dẫn độ bà về New York xét xử vì nghi vấn lừa đảo. Vụ việc này làm quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada xấu đi.
Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt giữ hai người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor và cáo buộc họ tội danh do thám. Dư luận Canada coi đó là hành động giữ con tin.
Biểu tình đòi Trung Quốc thả hai người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, bên ngoài phiên điều trần về bà Mạnh Vãn Châu, ở Vancouver, tháng 3 năm nay. Ảnh: Reuters. |
Mỹ, vốn đã có hàng loạt lệnh cấm vận nhắm vào Huawei và gần như đã cấm Huawei khỏi mạng 5G của mình, đã cảnh báo các đối tác rằng việc chia sẻ tình báo có thể vấp phải trở ngại, nếu họ không làm tương tự với Huawei.
Australia đã cấm Huawei và một số công ty Trung Quốc khác tham gia mạng 5G từ 2018, trong khi New Zealand chặn kế hoạch của nhà mạng Spark muốn dùng công nghệ 5G của Huawei vào cuối năm ngoái
Nhưng ông Burton nói quyết định cấm Huawei của Canada sẽ không phải để làm vừa lòng chính quyền của Tổng thống Trump. “Canada có những lo ngại riêng về việc Trung Quốc do thám trên mạng, và rủi ro bị Trung Quốc kiểm soát hệ thống viễn thông cũng ảnh hưởng tới lợi ích của chúng tôi”, ông nói.
Ông nhắc đến những vụ hack lớn nhắm vào cơ quan chính phủ, mà ông nói có thể lần dấu vết tới các nguồn Trung Quốc.
Một số nhà mạng lớn của Canada như Telus và Bell tháng trước tuyên bố sẽ không dùng Huawei cho mạng 5G của mình. Bell nói sẽ chọn Ericsson của Thụy Điển, còn Telus nói sẽ chọn Ericsson cùng với Nokia của Phần Lan. Một nhà mạng lớn khác là Rogers đã chọn Ericsson.
“Vì vậy các vấn đề đang diễn biến theo hướng tự giải quyết”, ông Burton bình luận thêm về việc các nhà mạng không chọn Huawei.