Nhiều năm trở lại đây, game show là kênh giúp khán giả có nhiều góc nhìn về cuộc sống đời thường, sự nghiệp của nghệ sĩ. Đặc biệt là những câu chuyện về tình yêu, hẹn hò của người nổi tiếng. Chính vì thế, việc khai thác câu chuyện và hình ảnh riêng tư của nghệ sĩ trở thành “chiêu thức” dễ dàng, nhanh gọn để hút khán giả của nhiều game show.
Tuy nhiên, “liều lượng”, giới hạn, việc vi phạm luật bảo vệ quyền cá nhân… lại không một game show nào để ý đến. Từ đó, không ít chương trình bị chỉ trích nặng nề vì lạm dụng đời tư nghệ sĩ. Chưa kể đến, trong các kịch bản game show cố tình “bẫy” nghệ sĩ để họ phô diễn, kể lể nhiều lần những câu chuyện đời tư giống hệt nhau. Hệ lụy, nghệ sĩ bị ảnh hưởng hình ảnh, khán giả nhàm chán khi thường xuyên chứng kiến những câu chuyện đời tư được kể đi kể lại.
Game show và những chiêu bài khai thác đời tư nghệ sĩ
Trong cuộc chiến khốc liệt để lôi kéo khán giả, tăng rating, nhà sản xuất luôn bất chấp mọi chiêu trò để giành phần thắng.
Hai công thức vàng luôn được các nhà sản xuất game show áp dụng là khai thác đời tư của nghệ sĩ tham gia chương trình và tạo ra tranh cãi bên lề liên quan đến khách mời.
Những năm trở lại đây, nhiều scandal của nghệ sĩ xuất phát từ game show. Từ những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ, tưởng chừng "vô hại", chỉ có tác dụng làm thỏa mãn sự tò mò của khán giả, nhưng lại gây ra muôn vàn rắc rối khó lường. Thậm chí còn chạm vào ranh giới vi phạm luật bảo vệ quyền thông tin riêng tư cá nhân.
Nhiều câu chuyện đời tư của nghệ sĩ được kể lể lặp đi, lặp lại ở các kịch bản game show khác nhau. |
Nhãn tiền có thể thấy, năm 2020 chứng kiến sự “trỗi dậy” của những nhóm anti-fan thể hiện sự phản đối gay gắt với nghệ sĩ. Nhiều ca sĩ, diễn viên bị lập nhóm tẩy chay. Hai trong số nghệ sĩ bị anti-fan lập group kín với số lượng thành viên đông đảo nhất có thể kể đến là Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang và Lâm Vỹ Dạ.
Điểm chung của hai sự vụ là đều xuất phát từ game show. Với Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang, khán giả cho rằng cô xuất hiện ở các game show quá nhiều, xuất hiện ở đâu cũng là "nữ hoàng đạo lý" khi đưa những lời khuyên bảo, dạy dỗ, triết lý. Trong đó, phát ngôn của cô ở game show sau mâu thuẫn, phản bác với phát ngôn mà cô đưa ra ở game show trước. Khán giả phát hiện sự thiếu chân thật, phi logic, và không thuyết phục trong những đạo lý mà Hương Giang rao giảng ở khắp các chương trình. Việc xuất hiện quá nhiều, nói quá nhiều ở các game show đã trở thành cái bẫy tai hại, "phản chủ" trong trường hợp của Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang.
Với Lâm Vỹ Dạ, công chúng nhận xét cô xuất hiện quá nhiều trên các chương trình giải trí truyền hình. Anti-fan bức xúc khi nữ diễn viên thường xuyên tỏ thái độ khó chịu với đồng nghiệp, trịch thượng với khách mời hay thích "ăn thua" với đàn em trên nhiều chương trình. Việc xuất hiện quá dày, cũng khiến Lâm Vỹ Dạ ở nhiều chương trình bị lố, thiếu kiểm soát về mặt hình ảnh.
Không chỉ Hương Giang, Lâm Vỹ Dạ, nhiều nghệ sĩ cũng đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp khi tham gia game show.
Trước đó, trong chương trình 9 người 10 ý, Lê Hoàng gây ồn ào khi nhắc lại những chuyện trong quá khứ của Cát Tường. Anh nói: "Cát Tường chia tay với chồng từ rất sớm. Từ ngày chia tay, nó không thèm nhìn đến. Nó không thăm, không nuôi, không gửi tiền nuôi con”.
Lê Hoàng gây phản ứng trái chiều khi nhắc đến đời tư của Cát Tường trên một chương trình truyền hình. |
Sau khi chương trình lên sóng, nhiều khán giả đã bày tỏ sự thất vọng về đạo diễn Lê Hoàng khi anh quá can thiệp đến việc đổ vỡ hôn nhân trong quá khứ của Cát Tường.
Khán giả thích coi game show chắc không quên vụ lùm xùm giữa nghệ sĩ Duy Phương và vợ cũ Lê Giang cùng nhà sản xuất chương trình Sau ánh hào quang.
Tại chương trình, nữ diễn viên tiết lộ việc bị chồng cũ bạo hành, phải sống trong chuỗi ngày khổ sở tăm tối. Khi chương trình phát sóng, nghệ sĩ Duy Phương đã có phản ứng quyết liệt, ông tuyên bố sẽ kiện nhà sản xuất vì đã phát sóng những lời nhân vật vu oan, mà không có sự kiểm chứng của ông.
Chưa hết, trong chương trình Giải mã tri kỷ, vợ chồng diễn viên Huỳnh Đông - Ái Châu cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười vì chia sẻ nhiều câu chuyện xung quanh đời sống hôn nhân. Sau đó, Huỳnh Đông gặp quá nhiều rắc rối vì khán giả nghĩ anh có tính đào hoa vì chia sẻ hớ hênh của Ái Châu kể về chuyện yêu trong quá khứ.
Bên cạnh đó, những câu chuyện như tình yêu của Lâm Vỹ Dạ - Anh Đức, Trấn Thành - Hari Won, Trấn Thành - Mai Hồ, Trường Giang - Nhã Phương, Diệu Nhi - Anh Tú... được khai thác ở quá nhiều game show cũng khiến khán giả cảm thấy bị nhàm chán đến bội thực.
Nhà sản xuất "bẫy" nghệ sĩ trong kịch bản game show
Nắm được tâm lý tò mò từ khán giả muốn biết đời tư của nghệ sĩ, nhà sản xuất khai thác gần như tối đa những gì có thể, thậm chí không ngại cả những rắc rối hậu chương trình.
Kịch bản của game show thường khá lỏng lẻo, nhiều khi “thả” theo đà phấn khích của nghệ sĩ trên sóng, cứ nương theo câu chuyện và cố tình moi móc thêm bằng những câu hỏi “bẫy” về đời tư để nghệ sĩ kể lể.
Nhiều nghệ sĩ khi "say mê" và "hồn nhiên" muốn thể hiện mình mà "phơi bày ruột gan", không nghĩ đến hậu quả sau đó.
Nhà sản xuất "bẫy" nghệ sĩ trong kịch bản game show. |
Và những câu chuyện từ trong nhà ra showbiz, từ thời ngây thơ đến những kinh nghiệm tình trường, kể cả những thầm kín của chuyện vợ chồng, thậm chí cả chuyện "chăn gối"… đều được "minh bạch hóa” trên truyền hình. Có những chương trình, MC đặt nhhiều câu hỏi mang tính chi tiết đến từng “ngóc ngách” như tính cách, cân nặng, dấu vết đặc biệt trên cơ thể.
Việc "phơi" đời tư nghệ sĩ trên sóng truyền hình, cho dù do chính bản thân họ trực tiếp kể, ở một góc độ nào đó đã tạo nên những vấn đề trái với văn hóa người Việt. Chưa kể những câu chuyện đó có xác thực hay không. Hay chỉ là chuyện kể từ một phía theo chủ quan của nghệ sĩ, thiếu kiểm chứng. Đặc biệt, những chuyện liên quan đến người thứ 3, thứ 4... để lại hậu quả khôn lường. Rất nhiều người có thể bị tổn thương vì những chuyện đời tư đang được khai thác tràn lan ở các game show giải trí.
Không biết các kịch bản game show có được nhà đài kiểm duyệt hay thả nổi cho nhà sản xuất? Các nội dung trong chương trình đã có được sự đồng ý với các bên liên quan khi ký hợp đồng? Những câu chuyện đời tư được "khui" trên sóng truyền hình đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ quyền thông tin cá nhân. Vấn đề này đã được đặt ra với các cơ quan có trách nhiệm hay chưa?
Đâu là giới hạn để nghệ sĩ và nhà sản xuất game show điều chỉnh trong quy phạm? Nếu như xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thì nhà sản xuất hay nghệ sĩ chịu trách nhiệm? Nhà sản xuất có trách nhiệm đến đâu khi xảy ra sự vụ?
Nên chăng, cần có một chế tài hay quy định mang tính luật pháp để có giới hạn trong việc mang đời tư nghệ sĩ tham gia game show lên sóng, ở một nào đó có thể gây loạn cho đời riêng của người khác?
Nên chăng khâu kịch bản các game show cần được kiểm duyệt nội dung và trong khi thực hiện phải tuân thủ theo kịch bản đó để tranh những hệ lụy?
Nhìn mặt bằng chung game show 2020, kịch bản đang bị thả nổi và có phần hỗn loạn. Khi sự cố xảy ra, chỉ có nghệ sĩ phải "giơ đầu chịu báng", đứng giữa tâm bão dư luận chịu chỉ trích. Nhà sản xuất luôn im lặng, thu mình trong sự an toàn, thản nhiên tiếp tục lên sóng mùa sau, hoặc sản xuất những chương trình giải trí theo kịch bản khác, khai thác đời tư nghệ sĩ theo cách khác.
Năm 2020 - hệ lụy nhãn tiền là nhiều nghệ sĩ đang bị kêu gọi tẩy chay chỉ vì game show. Hệ lụy còn có thể nặng nề hơn nếu game show vẫn tràn lan như "nấm mọc sau mưa" và gần như thả nổi về chất lượng như hiện nay.