Theo Wall Street Journal, một “cuộc chiến vaccine” toàn cầu đang bùng nổ. Trước đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) ký hợp đồng cung cấp vaccine của AstraZeneca cho 64 quốc gia đang phát triển thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay, COVAX đã chuyển vaccine tới hơn 60 quốc gia, bao gồm 28 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ.
Việc chính quyền Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine đồng nghĩa với chuyện hơn 90 triệu liều vaccine - theo kế hoạch được giao trong tháng 3 và 4 - sẽ không thể rời quốc gia Nam Á. “Tôi cảm thấy tuyệt vọng. Không có lý do gì để các nước nghèo lao vào một cuộc chiến vaccine”, WSJ dẫn lời ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh châu Phi, nói.
Trên thực tế, ngoài Ấn Độ, một số quốc gia cũng hạn chế xuất khẩu vaccine hoặc nguyên liệu thô do dịch bệnh lan rộng trong nước. Thông qua COVAX, hơn 60 triệu liều vaccine “Made in India” đã được đưa tới hơn 75 quốc gia. “Chúng tôi muốn hỗ trợ thế giới, nhưng phải tính toán lại thời gian giao hàng do năng lực sản xuất và nhu cầu tiêm chủng trong nước”, một quan chức Ấn Độ tuyên bố.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Pa,istan Faisal Sultan cho biết nước này rất trông chờ vaccine từ COVAX. Lẽ ra các liều vaccine đầu tiên đã đến Pakistan từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, giờ đây nước này phải tìm nguồn cung khác, có thể từ Trung Quốc. “Chúng tôi phải tính toán lại chiến lược tiêm chủng”, ông Sultan thừa nhận.
Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tiêm chủng của các nước đang phát triển. Ảnh: AFP. |
Ông Sultan hi vọng vẫn sẽ nhận được 15 triệu liều vaccine từ COVAX trong năm nay. Pakistan đang chống chọi với đợt bùng phát dịch thứ ba, với số ca nhiễm và tử vong tăng lên mức cao nhất kể từ mùa hè 2020. Đến nay, Pakistan mới nhận được 1,5 triệu liều vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Ông Sabin Nsanzimana, Giám đốc Trung tâm Y sinh Rwanda, cho biết quốc gia này đã tiêm chủng toàn bộ 342.960 liều vaccine nhận từ COVAX, và không biết đến bao giờ mới được nhận thêm vaccine. Chương trình tiêm chủng của Rwanda đã bị đình hoãn.
Ông Richard Mihigo, người điều hành chương trình vaccine của WHO ở châu Phi, cho biết WHO và các cơ quan đứng sau COVAX đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ để nước này tiếp tục xuất khẩu số vaccine từng được cam kết giao trong tháng 3 và 4. “Tình hình vô cùng phức tạp. Chúng tôi hi vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề”, ông Mihigo nói.
COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho 92 quốc gia đang phát triển trong năm nay. Khoảng 3/4 lượng vaccine này được sản xuất tại Ấn Độ. COVAX hi vọng sẽ giúp các nước đang phát triển tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số dễ bị tổn thương nhất.
Trong khi đó, các nước giàu như Mỹ đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine, thậm chí vượt mức cần thiết để tiêm chủng cho toàn bộ dân số. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả tình trạng bất bình đẳng này là “đáng ghê tởm”. Ông kêu gọi các nước giàu quyên góp vaccine cho các nước nghèo.
“Ấn Độ là nguồn cung vaccine chủ yếu cho khu vực phía nam của thế giới. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm trong nước gia tăng, Ấn Độ đã ra quyết định tương tự Mỹ và châu Âu”, nhà phân tích Andrea Taylor của Đại học Duke chỉ trích.