Theo Bloomberg, Ấn Độ hiện là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) hợp tác với AstraZeneca để sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine chống Covid-19. Do đó, việc chính phủ Ấn Độ hoãn xuất khẩu vaccine sẽ đe dọa nguồn cung phục vụ chương trình phân phối vaccine COVAX.
Với COVAX, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2 tỷ người vào cuối năm nay. Tính đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 60 triệu liều đến 76 quốc gia, phần lớn là vaccine của AstraZeneca.
Tuy nhiên, trong hơn một tháng qua, số ca nhiễm tại nước này tăng vọt. Riêng trong ngày 24/3, ở Ấn Độ có hơn 47.000 ca mắc mới và 275 ca tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất trong năm 2021 tại nước này.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này có thể ngừng xuất khẩu vaccine đến cuối tháng 4. Như vậy, chiến dịch tiêm chủng tại 190 nước nhận vaccine qua cơ chế COVAX sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên trong một cơ sở tiêm vaccine Covid-19 tại Ấn Độ. Ảnh: The Indian Express. |
SII cung cấp khoảng 90% lượng vaccine Covid-19 của Ấn Độ. Phần còn lại đến từ Bharat Biotech International Ltd., một công ty nội địa. SII đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ liều vaccine sang các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm nay. Sản lượng mỗi tháng có thể lên tới 100 triệu liều.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra quyết định tương tự. Dù vậy, EU đã xuất khẩu nhiều liều vaccine hơn số lượng sử dụng tại khu vực này.
"Chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ đe dọa kế hoạch phân phối bình đẳng và sẽ đẩy thế giới tới một thảm họa về đạo đức", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.
Hiện phần lớn quốc gia nghèo trên thế giới dựa vào nguồn cung vaccine từ Covax. Hàng loạt quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, EU... ồ ạt mua vaccine của Pfizer và Moderna, và từ chối chia sẻ nguồn lực với các nước khác.