Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, không phải một hiệp ước hòa bình, có nghĩa là các lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo về lý thuyết vẫn đang trong chiến tranh với Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc năm 1953 đã phản đối ý tưởng về việc ngừng bắn khiến bán đảo bị chia cắt và không phải là bên tham gia ký kết thỏa thuận đình chiến.
Ngày 25/6, các cựu chiến binh Hàn Quốc trong cuộc chiến đã tập trung để làm lễ kỷ niệm, bao gồm cả tại một sự kiện mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo quốc tế khác dự kiến phát biểu qua video, Reuters cho hay.
Diễn viên tái hiện binh sĩ trong Chiến tranh Triều Tiên hôm 25/6 tại Cheorwon, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Báo của đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên có bài bình luận trên trang nhất kêu gọi người dân noi gương những người đã chiến đấu để bảo vệ đất nước.
"Một vài thập kỷ đã trôi qua, nhưng nguy cơ chiến tranh chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này", tờ báo nói, quy trách nhiệm cho "các thế lực thù địch" tìm cách đè bẹp Triều Tiên.
Hai năm trước, một loạt hoạt động ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã thắp lên hy vọng rằng ngay cả khi kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không bị phá hủy, các bên vẫn có thể đồng ý chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên lý thuyết.
Tuy nhiên, những hy vọng đó đã tan vỡ với việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc bám vào các chính sách thù địch, và Washington ép Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa đang phát triển.
Một loạt cuộc gặp sau đó và các cuộc đàm phán cấp độ làm việc đã không thu hẹp được khoảng cách giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, và Bình Nhưỡng ngày càng có nhiều lời lẽ mang tính đối đầu, nối lại các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, đánh sập một văn phòng liên lạc liên Triều và cắt đứt đường dây nóng liên lạc với Seoul.
Hôm 24/6, Triều Tiên cho biết họ đã quyết định đình chỉ các kế hoạch cho hành động quân sự đối với Hàn Quốc, nhưng cảnh báo Seoul phải "suy nghĩ và hành xử khôn ngoan".
Các nhà sử học ước tính cuộc chiến có thể đã khiến một triệu quân nhân thiệt mạng và giết chết hàng triệu dân thường. Hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh chia ly và hầu như không thể liên lạc với nhau khi Khu Phi quân sự được vũ trang nghiêm ngặt chia đôi bán đảo.
Bất chấp sự nghi ngại từ nhiều người ở Mỹ, các quan chức Hàn Quốc đang thúc đẩy để tiến tới chấm dứt thỏa thuận đình chiến, nói rằng họ đánh giá cao vai trò của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, liên minh Hàn Quốc và Mỹ nên phát triển theo thời đại.
"Đã đến lúc Hàn Quốc phải đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình và an ninh của chính mình, bằng cách chấm dứt tình trạng đình chiến hiện tại và thiết lập chế độ hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên", Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei Young cho biết hôm 24/6.