Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến tranh không thể giết tương lai bóng đá Iraq

Trong mắt người nước ngoài, Iraq là vùng chiến sự. Những cuộc chiến tranh triền miên đã tàn phá quốc gia thuộc Tây Á nặng nề. Nhưng ở đó, hạt mầm bóng đá vẫn phát triển.

Trên đất Qatar, U23 Iraq vừa nhận thất bại 1-2 trước Nhật Bản tại bán kết giải U23 châu Á. Dù thua, nhưng mọi thứ chưa phải dấu chấm hết khi Iraq vẫn còn cơ hội giành vé dự Olympics Rio 2016 nếu đánh bại chủ nhà Qatar trong trận tranh hạng ba ngày 29/1). Không cần nói đến vé dự Olympics, những gì các cầu thủ thuộc khu vực Tây Á làm được thật sự xứng đáng được tôn trọng, bất chấp là những kẻ bại trận.

Bán kết U23 châu Á: Đông-Tây tranh hùng

Thầy trò Makoto Teguramori của U23 Nhật Bản hy vọng may mắn sẽ đứng về phía họ trong trận bán kết giải U23 châu Á với Iraq diễn ra tối nay (20 giờ 30 phút).

Điểm tựa bóng đá trẻ                                                                

Trước Nhật Bản, thầy trò Abdulghani Shahad đã chiến đấu rất kiên cường và cho thấy tinh thần quật khởi. Tuy bị dẫn bàn, song họ vẫn nỗ lực thi đấu và có được bàn gỡ xứng đáng. Sau đó, U23 Iraq chơi bùng nổ và lấn lướt đại diện đến từ khu vực Đông Á. Thậm chí, HLV Makoto Teguramori của U23 Nhật Bản phải thốt lên: "Trong hiệp hai, các cầu thủ của chúng tôi như bị vắt kiệt sức. Có thời điểm Iraq giành quyền kiểm kiểm soát thế trận".

U23 Iraq từng tạo ra nhiều khó khăn cho U23 Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Những chia sẻ của vị chiến lược gia người Nhật Bản đã nói thay cho sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ Iraq. Thực tế trong những năm gần đây, Iraq luôn sắm vai một trong những đội hàng đầu của châu Á. Ba năm trước, U22 Iraq giành chức vô địch giải U23 châu Á trên đất Oman. Tại Asian Games 2014, đội trẻ của quốc gia này cũng giành huy chương đồng. Vào năm 2006, họ bỏ túi huy chương bạc Asian Games 2006.

Dù cho tuyển quốc gia Iraq từng lên ngôi ở Asian Cup 2007, tuy nhiên, phần lớn thành công có được đa phần đến từ các đội trẻ. Theo thời gian, điều này giúp bóng đá Iraq luôn tìm được thế hệ kế thừa xứng đáng tiếp nối đàn anh.

Hiện tại, lực lượng U23 Iraq sở hữu nhiều cầu thủ triển vọng và phát triển nhờ vào điểm tựa các giải trẻ. Hậu vệ 22 tuổi Mustafa Nadhim đang đá cho Naft Al-Wasat nổi lên sau khi giành vị trí Á quân giải U19 châu Á vào năm 2012. Anh cũng tham dự vòng chung kết U20 World Cup, nơi Iraq đứng hạng 4 chung cuộc. Ngoài ra, hậu vệ Ali Faez cũng thi đấu rất chững chạc bên cạnh người đội trưởng.

Chiến tranh không thể làm sụt giảm sự phát triển của bóng đá Iraq. Ảnh: Getty Images.

Trên hàng công, Mohannad Abdulraheem trở thành mũi nhọn tấn công sắc bén. Tiền vệ sinh ra ở thủ đô Baghdad là chủ nhân của giải thưởng Cầu thủ trẻ hay nhất châu Á năm 2012 sau khi về nhì tại giải U19 châu Á cùng năm. Ngoài ra, bóng đá trẻ Iraq còn nổi lên tiền vệ Mahdi Kamel khi có thời gian chơi ở AFC Asian Cup. Rõ ràng, trong tay HLV Abdulghani Shahad đang sở hữu nhiều nhân tố đầy triển vọng và trở thành nguồn cung cấp dồi dào cho ĐTQG.

Điều này giúp người đồng nghiệp Yahya Alwan dẫn dắt tuyển Iraq không phải lo lắng tình trạng thiếu hụt nhân lực. Giờ đây, ông Yahya Alwan đang có một nhóm cầu thủ trẻ xếp hàng chờ ngày lên tuyển, trong khi số khác thậm chí còn giữ vai trò nòng cốt. Nếu tiếp tục phát triển, ngày thành công của bóng đá Iraq như ở Asian Cup 2007 chắc chắn sẽ lại đến. Đây là điều có thể dự đoán trong tương lai.

Tập luyện trong điều kiện khắc nghiệt

Có theo dõi các cầu thủ U23 Iraq thi đấu trong thời gian qua, nhiều người tưởng rằng họ được đào tạo rất bài bản, cũng như được cung cấp các trang thiết bị hiện đại nhất. Song, mọi thứ không hào nhoáng như vậy. Thử hỏi ở một nơi liên tục bị tàn phá bởi chiến tranh thì làm sao sở hữu những sân tập hay điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ được. Năm ngoái, bài viết trên báo Independent tiết lộ các cầu thủ Iraq thi đấu ở giải VĐQG phải tập luyện trong điều kiện rất khắc nghiệt vào mùa hè.

Các cầu thủ Iraq có lúc phải tập luyện, thi đấu dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Independent.

Nhiều lần, họ phải chống chọi với cái nắng "thiêu cháy da thịt" tới 45 độ C. Lý do vì giải đấu ở đây không được duy trì theo kế hoạch bởi nỗi lo an ninh khi lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan Isis quấy phá. Vấn đề trên buộc giải đấu bị gián đoạn, đồng thời kéo theo nhiều cầu thủ phải tập luyện ở những thời điểm không hề dễ chịu để hoàn tất mùa giải.

Tuy nhiên, ảnh hưởng thời tiết không làm các cầu thủ Iraq giảm sút ý chí. Để đối phó với sự khắc nghiệt, những đội bóng như Al Shorta, đương kim vô địch giải, chọn cách tập luyện vào buổi tối. Dù vậy, có rất ít sân vận động ở đây được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại. Vì vậy, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều đội bóng phải thay phiên nhau tập luyện trên cùng một sân vận động.

Ngoài ra, các trận đấu diễn ra vào tháng chay Ramadan khiến các cầu thủ gặp nhiều khó khăn trong việc chi phối sức lực bởi thường phải xỏ giày vào buổi chiều tối. Nhưng mặc cho khó khăn bủa vây, bóng đá Iraq vẫn phát triển và giành lấy nhiều thành công.

Tới đây, nếu tuyển U23 Iraq vượt qua Qatar trong trận tranh hạng ba, người hâm mộ phải thán phục các cầu thủ bởi lẽ chiến tranh không thể giết tương lai bóng đá ở quốc gia thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng và bom nổ.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm