Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật - Hàn vào chung kết, bóng đá Việt theo ai?

Nhật Bản và Hàn Quốc đã có mặt ở trận chung kết U23 châu Á, xứng đáng là những đại diện ưu tú nhất. VFF đã và đang “du học” ở cả 2 nền bóng đá này, chúng ta theo ai?

Dưới thời HLV Miura, U23 Việt Nam từng thua 0-2 trước U23 Nhật Bản tại vòng loại U23 châu Á 2016. Ảnh: Tùng Lê

Trong lúc ông Miura và các học trò tê tái về nước sớm sau 3 trận toàn thua thì những người Nhật bước vào trận đấu cuối cùng một cách thuyết phục. Họ vượt qua U23 Iraq ở bán kết với tỷ số 2-1.

Hàn Quốc cũng vậy. Cái cách mà họ đánh bại chủ nhà Qatar 3-1 cho thấy sự vượt trội và bản lĩnh của các cầu thủ trẻ xứ kim chi.

Điều đáng nói là cả Nhật lẫn Hàn đều vượt qua các đối thủ Tây Á bằng lối chơi phản công hiệu quả dựa trên những đường bóng sệt và được “phân phát” từ tiền vệ giữa. Bốn trong 5 bàn thắng của 2 đội này nằm ở tầm thấp, chỉ có 1 bàn của U23 Nhật xuất phát từ quả tạt biên, nhưng kết thúc bằng sút xa khi tiền đạo của họ tranh chấp bóng dội ra.

U23 Việt Nam có một ông thầy Nhật hẳn hoi, nhưng lại chơi theo kiểu chiến thuật vô vọng mà ngay cả các đội Tây Á nghèo nàn về ý tưởng nhất bây giờ cũng đã bỏ qua. Gặp U23 Jordan, quân của ông Miura gần như chỉ đá 2 tuyến, khi hậu vệ có bóng thì phá bừa lên cho tiền đạo… tự lo.

U23 Việt Nam từng thua 0-2 trước U23 Nhật Bản ở trận đấu giao hữu trước giải. Tuy nhiên, đội bóng xứ sở hoa anh đào không mấy vất vả khi tiến vào trận chung kết giải U23 châu Á 2016, trong khi thầy trò HLV Miura bị loại từ vòng bảng. 

Kết quả như thế nào thì chúng ta đều đã biết. Trận “xem được” nhất của U23 VN là trận nào thì chúng ta cũng đã tự thống nhất với nhau. Chỉ có thể khẳng định một điều, triết lý của Miura không phải là triết lý của người Nhật, và nó càng không phải là thứ mà chúng ta cần “thọ giáo”.

Cuộc “viện trợ” của bóng đá Nhật cho bóng đá Việt từng diễn ra trên diện rộng, từ ông Miura “phủ sóng” các đội tuyển nam, ông Takashi làm thầy đội tuyển nữ, ông Tanabe (2013) và Tanaka Koji (2014) thay nhau làm Trưởng BTC V-League…, nhưng rốt cuộc, các vị trí này đều thất bại. Chuyên gia Tanabe rời cương vị rồi không may lâm trọng bệnh qua đời, Tanaka sau gần một mùa dẫn dắt phải trao lại chức trưởng giải cho một người Việt là ông Nguyễn Minh Ngọc, Takashi bị các cầu thủ nữ “vạch trần” năng lực chuyên môn yếu kém và bị cắt hợp đồng.

Lúc này, HLV Miura vẫn đang tại vị, nhưng chiếc ghế của ông chỉ còn được tính bằng ngày. Tháng 4 tới là Miura kết thúc hợp đồng. Thường trực VFF vẫn chưa quyết định số phận ông thầy Nhật, nhưng dưới áp lực từ dư luận và thành tích thực tế, chuyện Miura ra đi có lẽ không cần bàn cãi.

Du học ở xứ phù tang coi như “không hợp đất”, lãnh đạo VFF mới đây lại cắp sách sang tham khảo mô hình xứ nhân sâm. Hàn Quốc là điểm đến mới, hy vọng mới, nhưng chẳng có gì đảm bảo bóng đá Việt sẽ tiếp cận được với cái tinh hoa của họ.

Trước đây, cũng đã từng có những HLV người Hàn đến xứ ta để “truyền đạo” về bóng đá, và… đều rút không kèn không trống. Ông Cho Yoon Hwan cầm cả dàn sao Bình Dương vẫn gây thất vọng rồi bị sa thải, trong khi Choi Yoon Gyum được bầu Đức dành đến gần mấy mùa giải cho tham vọng chấn hưng HAGL thời “tiền Công Phượng” nhưng bất thành.

VFF quyết định tương lai của HLV Miura vào 28/1

Tại Hội nghị ban chấp hành VFF lần thứ 7, nhiệm kỳ VII, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ quyết định việc chấm dứt hay gia hạn hợp đồng với HLV trưởng Toshiya Miura.

Nếu với bóng đá Nhật, nền bóng đá gần gũi, có nhiều nét tương đồng nhất với các cầu thủ Việt Nam mà VFF còn không học hỏi được, thì cơ hội thành công từ Hàn là rất nhỏ. Về cơ bản, bóng đá Hàn Quốc vẫn mang dáng dấp châu Âu, mạnh mẽ, cứng cỏi chứ không thiên về mềm mại, nhuần nhuyễn như Nhật Bản.

Điều quan trọng với chúng ta hiện giờ có lẽ không phải là học thầy nào, tiếp thu triết lý gì, mà trước tiên, phải thống nhất được những cái đầu trong nội bộ VFF. Hậu quả của những Takashi hay Miura đều bắt nguồn từ việc VFF không “thông” trong việc tuyển thầy, nói khác đi, họ tuyển thầy chỉ dựa trên “thánh chỉ” của một số ít người nắm binh quyền mà không cần phản biện.

VFF đang tơi bời khói lửa khi các phe cánh đua nhau “vạch áo cho người xem lưng”. Với tâm thế ấy, dù có cắp cặp đi cùng trời cuối đất học giáo lý về bóng đá cũng khó mà thành công quả...


Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm