Nga hiện có lợi thế về pháo binh tại hai thành phố quan trọng chiến lược ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Kyiv đang cạn kiệt dần vũ khí thời Liên Xô và bày tỏ thất vọng khi thấy lô vũ khí chuyển vào “nhỏ giọt”, đồng thời lo lắng phương Tây sẽ giảm bớt lượng chi viện vào thời điểm quyết định.
Thời điểm quan trọng này đẩy phương Tây vào thế khó, khi Ukraine liên tục thúc giục các nước hỗ trợ vũ khí, trong lúc chính các nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng giá cả và kho dự trữ vũ khí có hạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dẫn đầu cuộc họp gồm gần 50 quốc gia dự kiến thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine vào ngày 15/6. Theo một quan chức quốc phòng, Mỹ sẽ công bố gói viện trợ vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine.
Ba kịch bản
Các quan chức phương Tây đang theo dõi chặt chẽ ba kịch bản xung đột có thể xảy ra.
Đầu tiên, Nga có thể tiếp tục đạt được những bước tiến tại hai tỉnh quan trọng nằm ở miền Đông Ukraine. Hoặc, mặt trận chiến đấu rơi vào thế bế tắc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, dẫn đến số lượng lính thương vong lớn cho cả hai bên. Và một cuộc khủng khủng hoảng kéo dài sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu kiệt quệ.
Kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất là Nga xác định lại mục tiêu trong chiến sự, thông báo họ đã giành chiến thắng.
Nếu Nga có thể tiến thêm ở miền Đông, các quan chức Mỹ ngày càng lo sợ Điện Kremlin sẽ dùng vùng lãnh thổ đó làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào Ukraine.
"Tôi chắc chắn nếu Ukraine không đủ mạnh, họ (Nga) sẽ còn tiến xa hơn nữa", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm 13/6, đồng thời thúc giục phương Tây đẩy nhanh quy trình viện trợ vũ khí. “Chúng tôi đã cho họ thấy sức mạnh của mình. Và điều quan trọng là các đối tác phương Tây cần thể hiện sức mạnh này cùng chúng tôi”.
Các quan chức phương Tây tin rằng Nga đang có vị trí thuận lợi hơn ở miền Đông. Tiền tuyến của cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn tiêu hao bằng hỏa lực và pháo binh. Cả hai đều gánh chịu thương vong lớn và đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh lính.
Quân nhân Ukraine trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1 ở vùng Donetsk hôm 14/6. Ảnh: Reuters. |
Hiện tại, cuộc giao tranh tập trung vào hai thành phố ở hai bên bờ sông Seversky Donets, Sievierodonetsk và Lysychansk. Binh lính của Ukraine gần như bị bao vây hoàn toàn tại Sievierodonetsk.
Mặc dù giới phân tích phương Tây tin rằng Ukraine có cơ hội bảo vệ Lysychansk bởi lợi thế địa hình của thành phố này, có những dấu hiệu cho thấy Nga đang cố gắng cắt đứt tuyến tiếp tế của thành phố bằng cách tiến quân từ phía đông nam.
"Theo nhiều cách, số phận của Donbas đang được quyết định" xung quanh hai thành phố này, ông Zelensky cho biết vào tuần trước.
"Điểm mù" của tình báo Mỹ ở Ukraine
Quan chức Mỹ nhấn mạnh vũ khí của phương Tây vẫn đang đổ về tuyến đầu của cuộc xung đột. Nhưng các báo cáo về tình trạng thiếu hụt cùng với lời kêu gọi viện trợ đã đặt câu hỏi về việc các tuyến đường chi viện hoạt động có hiệu quả hay không. Ukraine không chỉ muốn pháo hạng nặng mà còn cần cả những thứ cơ bản, ví dụ như đạn dược.
Một phần của vấn đề cũng nằm ở việc kể cả khi phương Tây chuyển thêm vũ khí, cần mất khá nhiều thời gian để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các hệ thống này.
Trong một số trường hợp, theo nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ, Ukraine chỉ đơn giản là không sử dụng hệ thống vũ khí phương Tây. Ví dụ, mặc dù nhận được hàng trăm phương tiện bay không người lái Switchblade, một số đơn vị thích sử dụng phương tiện bay không người lái thương mại được gắn chất nổ hơn.
Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ mới, trong đó có cả hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS mà Ukraine yêu cầu khẩn cấp trong nhiều tuần.
Tuy một nhóm binh sĩ Ukraine đã bắt đầu luyện tập sử dụng hệ thống này ngay vào lúc công bố lô hàng mới, họ vẫn cần 3 tuần huấn luyện và hiện vẫn chưa sử dụng HIMARS ngoài thực địa.
Trong khi đó, có một số lượng hạn chế vũ khí từ thời Liên Xô vẫn còn tồn đọng ở vài quốc gia đang được vận chuyển đến Ukraine. Theo một quan chức Mỹ, Washington đang thúc giục các quốc gia có kho dự trữ như vậy tìm ra thứ họ sẵn sàng chuyển cho Ukraine. Tuy nhiên, những trận pháo binh đang làm "cạn cần vũ khí thời Liên Xô" mà các đồng minh cung cấp cho Ukraine, quan chức này nói.
Trong khi tình báo Mỹ tỏ ra nắm được tình trạng của Nga trên thực địa, họ lại phải vật lộn để đánh giá sức mạnh chiến đấu của Ukraine. Các quan chức thừa nhận Mỹ không rõ vũ khí phương Tây chuyển đi đâu về đâu, và chúng được sử dụng hiệu quả ra sao sau khi đưa qua biên giới Ukraine. Điều này gây khó khăn cho tình báo Mỹ trong việc dự đoán thách thức trên thực địa và cách thức cùng thời điểm khi nào nên chi viện tiếp cho Ukraine.
Khi được hỏi liệu Kyiv có đang cạn kiệt đạn dược và vũ khí, quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói rằng Mỹ đang cố gắng để "hiểu rõ hơn về tốc độ sử dụng (vũ khí) và hoạt động của Ukraine".
"Thật khó để biết", người này cho hay, nói thêm rằng rõ ràng là Ukraine đang sử dụng rất nhiều loại pháo mà phương Tây cung cấp.
Phiến quân thân Nga di chuyển dọc theo con đường ở thành phố cảng phía nam Mariupol hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức nói rằng vấn đề này diễn ra một phần là vì Ukraine không nói với phương Tây mọi thứ. Ngoài ra, vì giao tranh tập trung ở khu vực tương đối gần Nga, cơ quan tình báo khó có thể tiếp cận dễ dàng như những nơi khác.
Cũng rất khó để dự đoán quân đội Ukraine sẽ hoạt động như thế nào trong thời điểm quan trọng này bởi vì thương vong đã tăng lên, các tình nguyện viên dân sự được đào tạo chóng vánh vội vã tham gia chiến trận, theo một quan chức NATO. Sức mạnh thực chiến của nhóm này vẫn là một ẩn số.
Mối quan tâm hợp lý của phương Tây
Trong khi đó, các quan chức phương Tây chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy điểm dừng của chiến sự.
Khi chiến sự kéo dài, cái giá mà phương Tây phải gánh chịu sẽ ngày càng tăng lên. Một số chính phủ - bao gồm cả Mỹ - lo ngại dòng vũ khí viện trợ cho Ukraine sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ quốc gia quan trọng.
Một quan chức cấp cao thừa nhận đó là "mối quan tâm hợp lý" của Mỹ.
Sau đó, họ cũng chứng kiến giá năng lượng và lạm phát tăng cao. Khi những vấn đề này bắt đầu ảnh hưởng tới người dân, và sự chú ý của truyền thông không còn nữa, Ukraine lo ngại sự ủng hộ của phương Tây sẽ giảm bớt.
Phát ngôn viên Quân đoàn Quốc tế Bảo vệ Ukraine hồi đầu tuần đã chế nhạo "cảm giác tự mãn của các đối tác phương Tây", nói rằng nước này cần hỗ trợ hơn nữa.
"Họ chưa chuyển được bất cứ thứ gì giúp chúng tôi thắng thế trên chiến trường", ông Damien Magrou nói.